ClockThứ Năm, 31/10/2024 06:25

Từng bước giảm thiểu và xóa bỏ tảo hôn

TTH - Tình trạng tảo hôn, nhất là huyện miền núi A Lưới - nơi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân, từng bước giảm thiểu, hướng đến xóa bỏ thực trạng này.

Tìm hướng kéo giảm tảo hôn, sinh con thứ 3 ở A LướiTìm cách kéo giảm tảo hôn

 Cán bộ tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình để người dân nhận thức rõ về hệ lụy của kết hôn sớm

Theo số liệu của Chi cục Dân số tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, A Lưới có thêm 6 trường hợp tảo hôn. Hầu hết các trường hợp này tập trung ở những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, nơi mà đồng bào DTTS sinh sống. Tảo hôn không chỉ là hệ quả của các hủ tục truyền thống lâu đời, mà còn là vòng luẩn quẩn của nghèo đói và sự giáo dục chưa tốt. Theo tìm hiểu, nhiều gia đình, vì cuộc sống khó khăn, không thể tạo điều kiện học tập đầy đủ cho con cái, đồng thời, cha mẹ lo làm ăn, chưa có biện pháp giáo dục con cái một cách đúng đắn, vô hình trung đã đẩy các em vào cuộc sống hôn nhân sớm khi chưa đủ tuổi.

Một trường hợp điển hình là câu chuyện của chị L.T.M., sinh sống tại huyện A Lưới, lập gia đình khi mới 15 tuổi. Do thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe và nuôi con, chị M. hiện đang chăm sóc con ốm yếu tại Trung tâm Y tế huyện. Gánh nặng không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả sức khỏe, khiến gia đình rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tại xã A Roàng, hai vợ chồng trẻ Viết H. và Plup T.K., kết hôn khi cả hai chưa đến tuổi trưởng thành, hiện vẫn đang phải lo trả khoản tiền phạt 3 triệu đồng vì vi phạm Luật Hôn nhân - gia đình; đồng thời, đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống hằng ngày.

Theo nhận định của Phòng Dân tộc huyện A Lưới, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do hủ tục lâu đời, cũng như người dân chưa nhận thức được những hệ lụy của tảo hôn.

Ông Nguyễn Văn Đời, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới chia sẻ: Hằng năm, Phòng Dân tộc huyện thường xuyên phối hợp với trạm y tế tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, cung cấp thông tin về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cộng tác viên dân số về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý dân số, thống kê và thu thập thông tin; lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, dân số cấp huyện và xã về chuyên môn nghiệp vụ quản lý dân số.

Để giảm thiểu, hướng đến xóa bỏ thực trạng tảo hôn, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là huyện vùng cao A Lưới đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai chương trình tuyên truyền và giáo dục cộng đồng. Các hoạt động này bao gồm tổ chức hội thảo, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh, và các chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em tại các trung tâm y tế.

Theo ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình; phát huy vai trò Ban công tác Mặt trận, người có uy tín ở các bản trong việc vận động đồng bào thực hiện quy ước, hương ước, xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là tảo hôn. Đồng thời, tăng cường nắm địa bàn, từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tảo hôn”.

Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân người trong cuộc và gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Để đạt được mục tiêu chấm dứt tảo hôn đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của chính quyền và toàn xã hội; kết hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm minh sẽ là yếu tố then chốt giúp A Lưới từng bước xóa bỏ tảo hôn, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện và thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói...

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top