ClockThứ Sáu, 01/07/2022 07:00
Kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7

“Phao cứu sinh”cho người bệnh

TTH - Mỗi năm, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; trong đó, rất nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính được chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Đây thực sự là chiếc “phao cứu sinh” không thể thiếu của những người không may ốm đau, bệnh tật.

Ký kết hợp đồng ủy quyền thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tếBao phủ bảo hiểm y tế toàn dân

Chăm sóc sức khỏe người khuyết tật ở Bệnh viện Phú Vang

Động lực để chiến thắng bệnh tật

Không có nghề nghiệp ổn định, phải nuôi 2 con nhỏ ăn học nên nhiều năm qua, anh P. Q, 52 tuổi trú tại phường Tây Lộc, TP. Huế tham gia BHYT hộ gia đình để đề phòng khi trái gió, trở trời. Sau khi nhiễm COVID-19 cùng với căn bệnh viêm phổi mãn tính cũ, sức khỏe ngày càng suy giảm nên giữa năm 2021 anh đến cơ sở y tế thăm khám thì kết luận bị viêm phổi nặng. Tình trạng ngày càng nặng hơn khi anh bị sốc và nhiễm khuẩn nên chi phí điều trị gần 1 năm qua vượt con số 1,4 tỷ đồng. Song, anh may mắn nhờ là có thẻ BHYT nên được quỹ BHYT chi trả hơn 1,1 tỷ đồng.

Anh Q. chia sẻ: “Số tiền viện phí, thuốc men quá lớn. Nếu không có thẻ BHYT chắc phải bán nhà, vay mượn khắp nơi mới đủ chi trả. BHYT thực sự là chiếc “phao cứu sinh” cho người bệnh".

Tương tự, anh N.V.T sinh năm 1992 tại xã Phong Bình (Phong Điền), điều trị bệnh gần 3 tháng do uốn ván, trào ngược dạ dày, thoái hóa khớp gối hai bên. Chi phí KCB hơn 700 triệu đồng, nhưng chỉ chi trả 160 triệu đồng nhờ có tham gia BHYT. “May mắn là gia đình tôi luôn ý thức việc tham gia BHYT đầy đủ. Không may ốm đau, bệnh tật, chi phí KCB là rất lớn, vượt quá khả năng của gia đình, đặc biệt là khi bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài”, anh T. cho hay.

Thực tế cho thấy, BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, với mức đóng không cao nhưng khi chẳng may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, thì người tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi KCB đầy đủ, không phân biệt giàu nghèo.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc vì đây là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội. Qua thống kê con số chi trả trong quá trình thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, nhiều gia đình đã không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” khi đi KCB. Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật.

Nâng cao sức khỏe người dân

Thời gian qua, cơ sở vật chất, phương pháp điều trị bệnh được nâng cao đồng nghĩa với chi phí KCB tăng cao, nếu như không có BHYT thì đối với những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ rất dễ rơi vào “bẫy nghèo”. Hơn nữa, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT đã giúp người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến, đặc biệt người mắc COVID-19 cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị.

Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Thừa Thiên Huế đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT đạt hiệu quả nhất; bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT thông qua việc triển khai đồng loạt các giải pháp như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT… Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - BHXH số” và căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB đã tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Với những lợi ích thiết thực của chính sách BHYT, những năm qua, số người tham gia BHYT trên địa bàn tăng trưởng mạnh và vượt các mục tiêu đề ra. Tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT là 1.157.735 người, độ bao phủ BHYT đạt 99,1% so với dân số toàn tỉnh. Với tỷ lệ này, BHXH Thừa Thiên Huế cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu Quyết định 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Chính phủ.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

TIN MỚI

Return to top