ClockThứ Hai, 14/09/2020 07:30

Những gánh hàng rong ngang qua di sản

TTH - Ở những video quảng bá Huế, gánh hàng rong xuất hiện như một đại sứ giới thiệu hình ảnh văn hóa - du lịch cho vùng đất này.

Mưu sinh ngày tếtNhững gánh hàng rongẤm lòng hàng rong

Những gánh hàng rong làm nên bản sắc cho đô thị Huế

4 giờ sáng, bà Quảng lục đục dậy nấu nồi chè. Các nguyên vật liệu bà đã chuẩn bị từ tối hôm trước. Hai giờ vật lộn với tám món. Khi mặt trời vừa ló lên cũng là lúc bà xong mọi thứ. 30 tuổi, bà Trương Thị Quảng vận đời mình vào gánh hàng rong. Ngày còn trẻ, bà quang gánh đi bán khắp Thành nội. 8 nồi chè, kẹp thêm một vài chiếc ghế nhựa, xô đá... được bà sắp xếp nằm gọn gàng trên đôi gánh. Bà rong ruổi khắp các con đường trong Thành nội.

“Gánh chè hai thế hệ”, bà nói vậy. Ngày trước thân sinh bà bán chè. Sau này lớn lên, bà tiếp bước mạ bán chè. Bà là lớp người buôn thúng bán bưng. 8 món chè của bà cùng với những cuốc xích lô của chồng nuôi 4 miệng ăn. “Tháng nào mưa gió thì cuộc sống hơi vất vả tý, còn lại cũng qua ngày qua tháng được”, bà Quảng tâm sự. Năm nay ngoài 60, bà không gánh gồng đi khắp các tuyến đường như những năm tháng còn mạnh. Bà đặt gánh ngồi một điểm trên đường Lê Huân. Những tháng hè, gánh chè của bà rất đắt khách. Mùa mưa, buôn bán ế nhưng bà vẫn duy trì, chỉ làm ít lại.

Người ta biết đến Huế là một đô thị đặc biệt, khi có đến 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Ở đó có những thứ đôi khi nhìn rất mộc mạc giản dị nhưng làm nên huyền tích cho đô thị Huế.

Trong các video quay về Huế, gánh hàng rong luôn xuất hiện cùng các di sản. Bạn có thể xem tất cả các video về văn hóa, du lịch Huế. Ở những thước phim đó, gánh hàng rong hiện lên, chuyển tải nét đẹp, sự yên bình của Cố đô. Đôi khi là một tiếng rao. Đôi lúc là những sải chân chậm bước trên cầu Trường Tiền. Cũng có thể là một góc quay bắt trọn đôi quang gánh ngang qua chợ, vào Thành nội…

Sự xuất hiện của gánh hàng rong ở các video không dài, nhiều khi chỉ lướt qua vài giây. Chỉ vậy thôi, thông điệp từ những lần hiện ra ít ỏi đó cũng đủ nêm nếm một chút gia vị vừa tới cho người xem.

Tôi dám chắc rằng, không một đạo diễn, tay máy nào có thể mạnh dạn bỏ qua những khung hình đó trong các video, cảnh quay của mình.

Trong “Huế, đêm hè” - thi sĩ Nam Trân có mấy câu miêu tả về gánh hàng rong xứ Huế: “Hai tay xách hai vịm/Một vài mụ le te/Tiếng non rao lảnh lói/Chốc chốc: “Ai ăn chè”.

Những câu thơ miêu tả gánh hàng rong xứ thần kinh của thi sĩ Nam Trân có từ năm 1939. Hơn 70 năm đi qua, trước những biến thiên của thời cuộc, gánh hàng rong cũng chỉ vậy; cứ “le te”, cứ “lảnh lói”. Nó vẫn cứ đời, vẫn cứ giản đơn để rồi mang đến cho vùng đất này một sự bình yên, một chút giản dị. Những tiếng rao đó đôi khi theo vào ký ức của những người từng ở Huế rồi đi xa.

Gánh hàng rong của bà Quảng là đại diện cho một tầng lớp buôn thúng bán bưng ở đô thị. Bạn rất dễ bắt gặp hình ảnh này ở mọi ngõ ngách của đô thị Huế. Sự trầm mặc, yên bình của vùng đất này có sự góp phần của những đôi triêng gánh trên vai các bà, các chị hàng rong.

Hàng rong là một nét văn hóa rất đậm chất Việt Nam, nhưng không phải đô thị nào cũng dễ để loại hình kinh doanh này trở thành một di sản mang tính bản sắc. Khi cuộc sống càng ngày càng trở nên nhanh hơn, bạn không thể ghé vào chợ mua sắm thường nhật thì gánh hàng rong len lỏi vào các ngõ ngách là một sự lựa chọn hợp lý.

Ở các đô thị lớn hiện đại vẫn luôn có sự xuất hiện của hàng rong. Nhưng, ở đó gánh hàng chỉ đơn thuần giải quyết khâu mưu sinh. Bạn đặt gánh hàng rong đi dưới những tòa nhà chọc trời nó sẽ rất lạc lõng. Bạn chẳng nhìn ra được một chút thi vị nào cả. Nhưng ở các đô thị như Huế thì lại khác, nó hài hòa hơn trong một tổng thể không gian đầy chất thơ.

Dĩ nhiên, gánh hàng rong của bà Quảng với bà cũng chỉ là một hình thức kiếm thu nhập. Bà chỉ quan niệm rằng, buôn bán phải tử tế “khách có quay trở lại với mình hay không là ở thái độ buôn bán của mình”.

Bà không để ý đến việc mình góp một phần cho đô thị di sản, làm nên nét văn hóa cho xứ Huế. Bà cũng không để ý đến việc gánh hàng rong luôn là một điểm nhấn trong các video làm về Huế. Với những người chạy ăn từng bữa, thì văn hóa hay di sản họ chẳng mấy quan tâm. Nhưng với đô thị Huế, với văn hóa Huế thì gánh hàng rong là những thứ không thể tách rời nhau.

Không phải chỉ ở các video, hình ảnh gánh hàng rong mới xuất hiện. Những bộ phim về Huế, những chương trình nghệ thuật ở Huế luôn có sự xuất hiện của gánh hàng rong.

Festival Huế 2018, một lần chạy qua đường 23/8, tôi thấy các bà, các chị bán hàng rong bận áo dài, ngồi bán chè, bèo nậm lọc ở một góc đường, xung quanh du khách ngồi thưởng thức. Hình ảnh đó tạo cho Huế đẹp, bình dị hơn. “Ai bèo, nậm, lọc không”, mỗi chữ được người rao đọc lên chậm rãi, nhấn nhá, kéo dài trong cái không gian tĩnh mịch khiến người nghe xao xuyến, nhớ nhung. Nhắc đến hàng rong xứ Huế mà không nói đến những tiếng rao là một thiếu xót. Nhiều người từng sống ở Huế, đi xa họ vẫn luôn bị những tiếng rao gây thương nhớ, gợi lại ký ức.

Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top