ClockThứ Hai, 01/08/2022 14:47

Nghe lòng thật an yên…

Đường dẫn vào quần thể Thiên Thọ lăng

Tôi có thằng cháu gọi bằng bác ruột, học sinh trường Trần Đại Nghĩa - Một ngôi trường danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Cháu học giỏi các môn tự nhiên, môn tiếng Anh cũng rất tốt, thừa sức phiên dịch cho bác nó mỗi khi vô chơi Sài Gòn mà…xui xẻo đụng tây bắt chuyện. Riêng môn sử thì phải nói là siêu.

Tôi phát hiện ra thiên hướng này của cháu lúc nó mới học lớp 3, được ba mẹ cho ra Huế thăm quê, tôi chở đi chơi thì gặp gì nó cũng hỏi, và hỏi rất sâu. Như khi ngang qua cầu Trường Tiền, hỏi và nghe tôi cho biết tên cây cầu, nó à lên nhắc giai thoại một ông vua nước ta đã đòi quan tây trả nước khi cây cầu này bị bão làm gãy. Đó là giai thoại về vua Thành Thái với Khâm sứ Trung Kỳ J. Auvergne. Khi đặt đá xây cầu, nhà vua hỏi: “Cầu có vững chắc không?”. Khâm sứ Auvergne tự tin trả lời: “Khi nào cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ!”. Mấy năm sau, chiếc cầu bị gãy vì trận bão năm Giáp Thìn 1904. Vua Thành Thái mới nhắc tay khâm sứ: “Hôm xây cầu, ông đã nói khi nào cái cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam. Nay thì cầu đã gãy rồi đó”. Câu chuyện này tôi đọc đã lâu, nhưng đến khi nghe cháu hỏi, tôi mới nhớ và mới “chột dạ” về năng khiếu môn sử của thằng bé. Năm 2022 này, học xong lớp 9, nó “chán” trường Trần Đại Nghĩa và thi đỗ vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Nhìn cái bảng điểm trung bình năm của nó ở trường Trần Đại Nghĩa, thấy điểm môn sử của nó rất … “nản”: 9.9!

Một nén hương thành tưởng niệm tiền nhân

Ấy vậy mà mới cách đây mấy hôm, một đứa cháu họ gọi tôi bằng chú cũng từ TP. Hồ Chí Minh được ba nó dẫn ra giỗ ngoại. Cháu năm nay lên lớp 9, đích đến cũng nhắm vào trường chuyên Lê Hồng Phong. “Tay” này cũng siêu toán, lý, tiếng Pháp… Riêng môn sử thì nó có điểm trung bình đơn đơn có tròn…10 phẩy! Nhiều lần ra Huế, nó được ba dẫn đi thăm các di tích, danh thắng đất Cố đô. Đi đâu nó cũng đọc, cũng “nghiên cứu”. Lần này nó thỏ thẻ đòi ba nó dẫn đi thăm lăng 9 Chúa và lăng Gia Long, nó bảo: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và vua Gia Long là 2 nhân vật quan trọng nhất của nhà Nguyễn. Lăng nào cũng thăm mà 2 lăng đó chưa thăm là… chưa trọn vẹn. Tôi tròn mắt với cái suy nghĩ tra rụi của thằng cháu. Vậy thì nỡ lòng nào mà phụ thằng bé. Ba nó, tức anh họ tôi, quyết chí chuyến này phải cho con được thỏa mãn. Và thằng bé tỏ ra vô cùng rất háo hức.

Một người bạn của tôi xung phong dẫn 2 cha con họ đi thăm lăng các Chúa Nguyễn và lăng Gia Long. Người dẫn đường nhưng khá hoang mang vì anh cũng… chưa đến đấy lần nào. Do vậy, tôi là người được “tham vấn”. Sợ thuyết minh nhiều quá đâm “tẩu hỏa nhập ma”, tôi mới bày cho cách qua cầu Tuần, rẽ theo Quốc lộ 49 hướng lên Bình Điền một quãng ngắn, bên trái sẽ có một con đường dẫn vào cầu Hữu Trạch, vượt qua cây cầu này rồi thì cứ gặp ai hỏi nấy. Cả 3 người bấy giờ mới vững tâm đôi chút.

Sân chầu trước tẩm mộ lăng Gia Long

Qua khỏi cầu một quãng, gặp một quán nước bên đường là tấp vào ngay, vừa mua mấy món lặt vặt để lấy lòng vừa lân la hỏi đường. Vừa hay trong quán lúc ấy có một anh chàng đang ngồi uống nước. Nghe hỏi, chủ quán chỉ vào anh này: Nhân viên của lăng đấy! Ô, hóa ra anh là nhân viên của đội cây xanh thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, “chuyên trị” cắt tỉa, bảo vệ hệ thống cây xanh ở lăng các Chúa Nguyễn. Vậy thì hay quá rồi. Ông anh họ của tôi mới “gạ gẫm” mời anh làm hướng dẫn viên cho đoàn, hứa sẽ có bồi dưỡng. Anh vui vẻ gật đầu, lên xe và bắt đầu công việc của người hướng dẫn một cách tận tình. Mãi đến cuối buổi thì chuyến tham quan mới cơ bản hoàn tất. Người anh họ tôi cảm ơn và đưa anh chiếc phong bì bồi dưỡng. Không dè anh nhân viên “chuyên trị” cắt tỉa nọ cương quyết từ chối: “Các anh ở xa về đây, có lòng tìm thăm lăng của các ngài, tôi giúp hướng dẫn chút cũng là lẽ thường tình, ai lại ngửa tay lấy tiền bồi dưỡng”. Nói kiểu chi cũng bị chối từ. Cực chẳng đã, ông anh họ tôi đành phải cảm ơn, nói lời chia tay mà trong lòng hết sức áy náy.

Về lại Huế gặp tôi, mấy chai bia chiều hôm ấy với anh vui và ngon hơn mọi bận rất nhiều. Bởi mấy lẽ: Sau một ngày chang chang dang nắng trèo núi lội rừng, gặp…bia lạnh, ngon là đương nhiên. Nhưng quan trọng hơn là anh đã thỏa mãn tâm nguyện rất đáng mừng, đáng trân trọng của con trẻ; lại gặp được một người hướng dẫn vô cùng dễ thương, vô cùng Huế, điều đó cũng vô tình làm cho tình yêu với môn lịch sử, tình yêu với văn hóa Huế của thằng bé con anh được củng cố và nhân lên thêm phần nữa. Cho nên nói mấy chai bia chiều hôm ấy vui và ngon hơn mọi bận là vì vậy. Giữa cơn lốc dư luận của vấn đề học và dạy môn lịch sử, chuyện của mấy thằng cháu, của anh nhân viên cắt tỉa cây xanh di tích chợt khiến lòng tôi như nhẹ nhõm an yên thật nhiều…

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hệ quy chiếu

Vẫn nghe người ta nói “giàu chơi cá, khá chơi chim…”, chẳng biết xuất xứ trúng trật thế nào, nhưng chắc chắn là không phải ai giàu cũng thích cá, ai khá cũng thích chim.

Hệ quy chiếu
Thao thức chùa Huế...

Vượt ra khỏi chiếc áo của mình, chùa Huế đã không chỉ là riêng của Phật giáo mà còn là tài sản độc đáo, vô giá cần gìn giữ…

Thao thức chùa Huế
Hương An Viên – bến đỗ an yên cuối đời

Ngày 21/4 vừa qua, thông qua đại lễ Trai đàn tại Hương An Viên Huế, đông đảo du khách đã có dịp ghé tham quan dự án độc đáo lần đầu tiên xuất hiện tại Huế.

Hương An Viên – bến đỗ an yên cuối đời
Chốn an yên ở Hương An Viên

Công viên nghĩa trang Hương An Viên tọa lạc tại thôn An Hòa, phường Hương An, TX. Hương Trà là mô hình công viên nghĩa trang sinh thái độc đáo đầu tiên tại khu vực miền Trung vừa đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị, an toàn môi trường, vừa có lối kiến trúc ấn tượng, phù hợp với phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân.

Chốn an yên ở Hương An Viên
Tết an yên

Quan niệm về tết là dịp nghỉ ngơi, du lịch xuất hiện không quá lâu, nhưng ngày càng có nhiều người tận dụng và ưa thích.

Tết an yên

TIN MỚI

Return to top