ClockThứ Năm, 18/02/2021 12:45

Làng bánh bao An Truyền

TTH - Dù mưa tầm tã, gió rét hay dưới cái nắng hừng hực, những chuyến xe bánh bao vẫn cần mẫn len lỏi trong từng con hẻm nhỏ ở Huế. Tiếng rao phát ra từ chiếc loa cũ sang sảng giọng đàn ông, nhưng gồng mình dưới mưa lại là những người phụ nữ nhỏ bé.

Nhớ tiếng rao xưa

Bánh bao An Truyền có tiếng thơm ngon

Làng bánh bao

Chẳng biết từ bao giờ làm và bán bánh bao trở thành nghề quen thuộc của người dân làng An Truyền (Phú An, Phú Vang). Chỉ biết rằng từ 12 - 14h chiều mỗi ngày, hàng trăm xe bánh bao lại nối đuôi nhau rời làng mưu sinh. Đặc biệt hơn, đằng sau tay lái có rất nhiều phụ nữ .

Chị Hồ Thị Bé Điệp, 13 năm kinh nghiệm với nghề, cho biết: “Bán bánh bao không khó, nhưng cần thật nhẫn nại và duy trì khách bằng chất lượng bánh. Vì vậy, vợ chồng tôi phải làm bánh thật ngon, ủ nhiệt thật tốt, có như thế lần sau khách hàng mới tiếp tục ủng hộ mình”.

Chính xác như một chiếc đồng hồ, cứ đúng hai rưỡi chiều là chị lại xuất hiện trên đường Duy Tân (TP. Huế). Chiếc xe thơm lừng với bánh bao nhiều vị như nhân đậu xanh, nhân dừa, bánh bao rau củ, trứng cút. Bộ trang phục chị mang kín mít, bịt bùng chỉ thập thò đôi mắt, chiếc áo kẻ caro phần phật theo tay lái luồn vào các ngõ hẻm, chỉ ít phút sau tiếng rao đã chìm dần, rồi mất hẳn.

Khách hàng là sinh viên, người lao động sống trong hẻm sâu. Những ngày cuối năm, khi thời tiết lạnh là lúc chị bán bánh chạy nhất. Rong ruổi suốt nên rủi ro cũng chẳng ít, vì thế chị luôn học cách nắm bắt cung đường, “nhắm” sẵn những quán sửa xe, đề phòng lúc xe hỏng hóc. “Ngoài khung giờ cố định, cả sở thích của người mua tôi cũng phải thật lưu tâm. Có lẽ vì thế bánh bao của tôi rất hút khách”, chị nói.

Tại An Truyền có rất nhiều đôi vợ chồng đều là “tài xế” bánh bao. Anh Chín, chồng chị Điệp đã xấp xỉ 30 năm tuổi nghề, nói: “Họ đều như chúng tôi, không ruộng nương, thuyền lưới nên gắn bó với bánh bao. Là nghề mưu sinh, dù có lúc khó khăn phải rời quê đến nơi khác buôn bán, thu nhập không bằng nhiều nghề khác nhưng vẫn rất tự hào”.

Vun vén tương lai

Làng An Truyền có hàng trăm người theo nghề. Vì thế, chỉ cần vòng vèo qua vài xóm là chúng tôi đã bắt gặp nhiều xe bánh bao đang chờ giờ xuất phát. Người may mắn sắm sửa được xe máy, họ chọn lựa về Phú Lộc, lên Nam Đông, ra Phong Điền. Người không dư dả bằng thì gắn bó với xe đạp, sẵn sàng thực hiện chặng đường hàng chục cây số mỗi ngày để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Hà, 20 năm rong ruổi trên chiếc xe đạp bán bánh bao, kể: “Tôi rời nhà vào lúc chiều, vòng qua khu vực An Cựu, bệnh viện... Hôm nào bán hết bánh thì về sớm. Hôm bánh ế thì 11h, có khi 12h đêm mới về đến nhà”.

Hàng chục cây số đạp xe mỗi ngày, trung bình chị Hà cùng chồng bán từ 100 – 120 chiếc bánh bao. Chi tiêu tiết kiệm đủ để chị chi dùng cho 4 người con ăn học. Chị nói: “Mình không phụ nghề thì nghề cũng chẳng phụ mình. Vì vậy có nhọc mệt bao nhiêu tôi cũng chịu được. Chỉ mong gắn bó với công việc, có những chiếc bánh ngon phục vụ cho người mua, có thu nhập để lo cho con cái”.

Từ bánh bao, chị quen biết thêm nhiều người. Đó là khách hàng, nhưng đồng thời cũng là những người bạn tâm giao trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan. Nhiều hôm về khuya, chuyến hành trình của chị chẳng còn đơn độc. Những bạn trẻ đi làm, đi học về muộn chung đường thương sự tảo tần của người phụ nữ An Truyền, họ sẵn sàng giảm tốc, chạy phía sau soi đoạn đường vắng giúp chị về nhà. Con đường tối om, vắng vẻ không còn đáng sợ nữa, mà ngược lại, lấp lánh và ấm áp tình người.

Bánh bao An Truyền có giá từ 5 – 10 nghìn đồng/chiếc. Trung bình mỗi hộ làm từ 3.000 - 6.000 chiếc bánh/tháng, doanh thu hàng chục triệu đồng. Chung sự gian khó với nghề, nhưng với hai chị, hay chị Thúy, chị Bé và rất nhiều phụ nữ theo nghề tại An Truyền, bánh bao không chỉ là sinh kế, niềm vui trong cuộc sống. Ngược lại, với sự tảo tần ấy, họ đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của phố phường, mang hương vị, mùi thơm của những chiếc bánh bao nóng hổi, tươi ngon đến thực khách.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Miền đất học An Truyền

Tính từ năm 1471, năm làng được chính thức thành lập theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông đến nay, làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) đã có bề dày lịch sử hơn 500 năm.

Miền đất học An Truyền
Tiếng rao đêm

Một tiếng rao thoảng qua vừa gần vừa xa, vừa mộng vừa thực.

Tiếng rao đêm
Vẳng nghe tiếng rao...

Đêm đã về khuya, vẳng nghe có tiếng rao “Ai ăn trứng lộn, trứng ngang không?’’ Đó là tiếng rao của một người phụ nữ, như gần lại như xa.

Vẳng nghe tiếng rao
Có còn vọng tiếng rao đêm

Tiếng rao đêm cứ nhuốm, như một nỗi buồn xa vắng và dường như cũng dịu tôi mỗi khuya khoắt khi nghĩ đến ai không ngủ.

Có còn vọng tiếng rao đêm
Tiếng rao hòa trong mưa rơi

Gió mùa về kéo người dân của xứ sông Hương núi Ngự về với những chuyện đời thường quanh mình như bước chân những mệ, những o vẫn gánh hàng ra chợ sớm; trẻ con xúng xính trong áo ấm đến trường.

Tiếng rao hòa trong mưa rơi

TIN MỚI

Return to top