ClockThứ Tư, 17/06/2020 15:44

“Chạm tay” vào nghề báo

TTH - Là chúng tôi muốn nói đến những người làm báo không chuyên, chưa phải là cộng tác viên chính thức, thậm chí chưa từng có tác phẩm đăng ở các tờ báo chuyên nghiệp, nhưng đam mê, năng khiếu cùng khả năng thích ứng nhanh chóng của họ khiến người viết phải tự vấn bản thân…

“Nhà báo không thẻ”Báo chí giữa cuộc đua thông tin chống "giặc" COVID-19

Phan Tuấn Vũ (thứ 2, trái qua) luôn chất chứa niềm đam mê với nghề báo. Ảnh: VN

Tự học hỏi

Với Phan Tuấn Vũ, tôi thật sự không quá ấn tượng với “lý lịch trích ngang”: Tốt nghiệp Khoa Luật – ĐHKH Huế, trở về quê nhà tham gia các hoạt động phong trào, sau đó được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư và nay là Bí thư Đoàn xã Thủy Phù.

Tuy nhiên, sau thời gian được cơ quan phân công phụ trách địa bàn Hương Thủy, cùng sát cánh bên nhau ở nhiều vụ cháy rừng, nhiều hoạt động phong trào… để rồi tiếp đó, khi đọc những thông tin trên facebook cá nhân của Vũ về những sự kiện vừa xảy ra mà cả 2 cùng có mặt, lúc đó quả thật tôi giật mình.

Vâng, chính xác là giật mình.

Đành rằng cá nhân tôi không được chính thức đào tạo nghề báo ở những năm trên giảng đường đại học, nhưng với tấm bằng cử nhân Ngữ văn, ít nhiều cũng có liên quan. Còn với Tuấn Vũ, là một cử nhân Luật, và khi ra trường, công việc chẳng liên quan gì đến báo chí. Nói vậy là để so sánh, cũng như mở đầu cho cái sự “giật mình” tôi đã nhắc ở trên.

Cùng có mặt ở một vài vụ cháy rừng trên địa bàn Hương Thủy. Tuy nhiên, tôi tham gia trong vai trò tiếp cận để chuyển tải thông tin đến bạn đọc, cũng như lúc thấy đủ hình ảnh, dữ liệu cần thiết là có thể rút lui. Còn Tuấn Vũ, là với tư cách là một trong những người căng mình chiến đấu với “giặc lửa”, ít nhất cho đến khi tạm thời khống chế được hỏa hoạn.

Thời gian, vất vả chênh lệch là vậy, thế mà sau khi thông tin về vụ cháy rừng vừa đăng tải thì chỉ ít phút sau, đã thấy trên facebook của Vũ cũng đăng thông tin không khác gì một “tin, chùm ảnh” ở các tờ báo chuyên nghiệp, từ hành văn cho đến xử lý bố cục ảnh. Và tất nhiên, “giọng văn, góc ảnh” của riêng Vũ chứ không phải “copy and paste”.

Nhưng đến lần thứ 3 cùng có mặt ở vụ hỏa hoạn cũng trong năm 2019 mới khiến tôi thật sự giật mình. Bởi khi bản thân chưa hoàn thành xong thông tin thì đã nhận được tin nhắn của Vũ: “Em xong tin rồi. Nếu anh chưa đăng báo thì em để lát đăng facebook sau”. Tức là thời điểm đó, Vũ vừa tham gia cứu hỏa, vừa “sản xuất tin, ảnh” tại chỗ. Và sau lần đó, tôi trở thành một trong những người thường xuyên “ghé nhà” của Vũ để rồi đọc những thông tin mà Vũ “sản xuất” trên chiếc điện thoại thông minh “cùi bắp” được chia sẻ với số lượt đáng nể.

“Trong thời gian tham gia công tác Đoàn ở địa phương, không hiểu tại sao thấy thích thú với nghề báo nên tự mày mò, học hỏi bố cục, cách thức viết tin, bài, cách chụp ảnh trên báo giấy lẫn báo mạng để sau đó áp dụng và đăng lên facebook cá nhân. Đến khi cảm thấy tự tin khi viết về một hoạt động, sự kiện nào đó mà mình tham gia thì em mạnh dạn viết và gửi cho Trang thông tin điện tử TX. Hương Thủy. Mừng là tin, bài nào gửi cộng tác cũng không chỉnh sửa quá nhiều trước khi đăng tải”, Vũ kể.

Vũ tâm sự: “Sau khi viết tin, bài hay chụp một bức ảnh nào đó em liền đối chiếu với các tác phẩm báo chí từ các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp viết để tìm ra thiếu sót của mình ở đâu mà khắc phục. Nói qua thì đơn giản, nhưng do chỉ học lỏm nên em cũng “trầy vi tróc vảy” một thời gian dài mới tự tin gửi cộng tác sản phẩm của mình”.

Giấc mơ của Phùng Đức Phương là trở thành cộng tác viên chính thức của một tờ báo chuyên nghiệp. Ảnh: VN

Mong muốn trở thành cộng tác viên chuyên nghiệp

Người tôi muốn nhắc đến tiếp theo là Phùng Đức Phương - Phó Bí thư Đoàn phường Thủy Dương.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Huế năm 2015, sau một thời gian, Phương được tuyển dụng vào làm cán bộ không chuyên trách đảng ủy phụ trách mảng tuyên giáo, đồng thời là cán bộ văn hóa thông tin phường dạng hợp đồng, sau đó, tháng 1/2017 được bầu làm Phó Bí thư Đoàn phường Thủy Dương.

Cũng như Phan Tuấn Vũ, những năm tháng trên giảng đường của Phương chẳng liên quan gì đến hoạt động báo chí. Nhưng ở góc độ khác, quãng thời gian sinh viên và thời điểm ra trường chờ việc, vốn sống được tích lũy sau thời gian làm thêm đã giúp Phương tự tin hơn trong giao tiếp, trong cách nắm bắt vấn đề cũng như cách thể hiện suy nghĩ qua từng con chữ. Và đó là động lực để Phương gần hơn với nghề báo.

Sau thời gian ngắn làm việc ở phường, Phương được giao là một trong những thành viên viết về những sự kiện, hoạt động trên địa bàn để đăng tải ở trang thông tin điện tử của địa phương. Với khả năng nắm bắt, biết “lẩy” những vấn đề cốt lõi ở hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, chính trị cho đến y tế, văn hóa… nên hiện, Phùng Đức Phương trở thành cây viết chủ lực ở tất cả các mảng của Trang thông tin điện tử phường Thủy Dương.

“Không được ai bày nên ban đầu em toàn “học mót” từ các báo khác về cách thức, bố cục của một tin, bài. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, em nhận thấy nếu cứ “y sao bản chính”, sau đó “ráp” số liệu là không ổn, mà bản thân phải biết phân biệt sự khác nhau về tiêu chí, tôn chỉ… để thể hiện”. Và cũng từ khả năng này, những tin, bài Phương gửi cộng tác ở Trang tin điện tử TX. Hương Thủy luôn được đăng tải.

“Bên cạnh chu toàn công việc của mình, hiện em đang học hỏi thêm cách chụp ảnh và quay, dựng phim… để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xu thế làm báo hiện đại, cũng như hoàn thành ước mơ là cộng tác viên chính thức của những tờ báo chuyên nghiệp”, Phương chia sẻ.

Phạm Công Phước ngoài công việc hàng ngày còn là ngòi bút chủ công cho trang thông tin điện tử xã. Ảnh: HL

Làm báo không nhuận bút

Đưa chúng tôi tác nghiệp về kinh tế rú cát Quảng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Công Phước như một phóng viên thực thụ. Anh ghi chép, chụp ảnh, trò chuyện với người dân. Tôi thắc mắc, vì sao phải ghi chép kỹ vậy, anh cười: “Tôi lấy tư liệu để viết bài cho trang thông tin của xã”.

Trang thông tin điện tử xã Quảng Thái có nội dung khá phong phú. Trong đó, các tin tức hàng ngày của xã, huyện được cập nhật liên tục.

Theo anh Phước, trang thông tin điện tử của xã xây dựng từ những năm 2007. Đến năm 2016, anh được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách cổng thông tin, lúc đó, mới nhờ các anh chị ở Sở Thông tin Truyền thông hỗ trợ tập huấn viết tin bài, cải thiện các chuyên mục của cổng, tập viết.

Ban đầu chỉ viết lại những thông tin chỉ đạo điều hành để tuyên truyền. Sau thời gian mày mò đọc thêm thông tin trên các báo chính thống, học hỏi cách viết, anh bắt đầu tập viết các tin tức sự kiện diễn ra trên địa bàn xã, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống, các mô hình kinh tế hay các vấn đề người dân quan tâm.

Để tăng lượng tương tác cũng như đối tượng tiếp cận, những bài viết trên cổng được anh và ban biên tập trang đăng lên facebook, zalo cá nhân để lan tỏa thông tin. Nhiều hoạt động, nghĩa cử đẹp cũng bắt đầu được tiếp sức từ những thông tin trên trang thông tin điện tử xã.

Câu chuyện xã hội hóa lắp đặt camera trên địa bàn là một ví dụ. Thông qua việc phát động chương trình lắp đặt camera nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên cổng thông tin của xã, sau 1 thời gian ngắn phát động, chương trình đã hoàn thành lắp đặt 13 camera dọc các tuyến đường trục xã với kinh phí 65 triệu đồng. Lượng bạn đọc tương tác qua cổng cũng tăng lên. Trong tháng 5 vừa qua, lượng truy cập vào trang thông tin điện tử của xã đứng đầu cả tỉnh, trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 lượt truy cập và mỗi tháng, lượng truy cập là 68.000 lượt.

Anh Phước chia sẻ, các tin bài trên trang thông tin điện tử không được chấm nhuận bút vì không có cơ chế, nên mình chỉ biết động viên cán bộ trong xã cố gắng tham gia viết tin bài đa dạng các tin tức nhằm định hướng thông tin. Nhất là trước sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, ngày càng có nhiều kênh thông tin không chính thống, mang chủ ý phá hoại, gây hoang mang đối với người dân, xã hội. Điều đó càng đòi hỏi trang thông tin điện tử cấp xã phải vào cuộc để góp phần định hướng dư luận và tạo thêm nguồn tin tức chính thống để an dân.

Hàn Đăng - Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀY TRÁNH THAI THẾ GIỚI (26/9)
Cần có kiến thức để đảm bảo sức khỏe bản thân

Giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và cả nam giới trong độ tuổi sinh đẻ cần tìm hiểu, hiểu rõ về tất cả các biện pháp tránh thai để có sự lựa chọn sáng suốt, không để bản thân rơi vào hoàn cảnh mang thai ngoài ý muốn...

Cần có kiến thức để đảm bảo sức khỏe bản thân
Sinh viên làm báo

Với sức trẻ, nhiệt huyết, nhiều sinh viên tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã trở thành những cộng tác viên (CTV) thường xuyên, đắc lực cho nhiều tờ báo.

Sinh viên làm báo
Nghề báo & sự bình tĩnh

Trong đời làm báo, chắc hẳn các đồng nghiệp cũng như tôi sẽ có không ít chuyện buồn vui. Việc tác phẩm của mình được độc giả đón nhận với thái độ khen, chê - âu cũng là chuyện thường tình. Điều đáng nói, bài báo viết ra đóng góp được gì cho xã hội và được dư luận quan tâm...

Nghề báo  sự bình tĩnh
KỶ NIỆM 85 NĂM SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (19/6/1937 – 19/6/2022)
Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

Cuối tháng 3/1937, tuần báo Nhành Lúa do Hải Triều làm Tổng Thư ký Tòa soạn bị chính quyền cai trị ra lệnh cấm phát hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay để làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp” giữa lúc các lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cũng vào lúc này, tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi tự ngưng phát hành vì “tài chánh quẫn bách”.

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

TIN MỚI

Return to top