ClockThứ Ba, 13/02/2024 07:12

Biến ảo như rồng

HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

1. Tôi cầm tinh con rồng, sinh năm 1964, tết này vị chi tròn trịa một vòng quay 60 năm cuộc đời. Mạ tôi cũng tuổi Thìn. Tôi Giáp Thìn, còn mạ Canh Thìn, hơn tôi đúng 2 vòng con giáp. Ông cha ta có câu: “Trai Đinh Nhâm, nữ Quý Giáp”. Mạ chê, con trai mà Giáp không mạnh mẽ. Mà cũng đúng, tạng người tôi không được khỏe. Cả đời an phận với đồng lương viên chức. Còn Canh là đơn côi mà rơi vào phụ nữ thì lại càng quạnh quẽ. Là mẹ nói vậy thôi chứ nghiệm lại, dù cha mất sớm nhưng nhờ mạ tôi tần tảo và đảm đang, cả nhà tôi yêu thương nhau nên cho đến bây giờ có thể tự hào mà nói rằng, cuộc sống của mạ con tôi cùng tuổi Thìn hạnh phúc. Nói như ông bà mình, chưa phải là rồng bay nhưng chắc chắn không phải là… rồng đất(!)

 Rước rồng (Ảnh chụp từ sách in tranh Đông Hồ)

Quái lạ và trớ trêu, trong 12 con giáp, con nào cũng có hình hài cụ thể nhưng rồng của tôi thì không. Bởi vậy, tôi cứ tò mò. Và, hình bóng con rồng đầu tiên mà tôi nhận diện là hình chạm ở chùa làng Dã Lê Thượng, nằm cách nhà không xa. Nó lạ lắm, nhiều màu sắc, không giống hay tương tự bất kỳ con vật nào, trông thật lẫm liệt và khiến đứa trẻ là tôi vô cùng tự hào khi mình… tuổi Thìn. Cũng từ đó, tôi say mê tìm hiểu và được biết, rồng Việt khác với rồng Tàu, rồng Nhật hay rồng Hàn. Cũng chẳng giống nhau khi rồng đời Lý khác đời Trần, đời Lê và đời Nguyễn. Rồng triều Nguyễn thần thái uy nghiêm và hung mãnh, khác với vẻ thong dong nhẹ nhàng như Lý, Trần, hay điềm đạm, uy vũ như thời Lê trước đó.

Thú thực tôi thực sự “sốc” khi lần đầu được biết con trùn đất cũng được gọi là rồng, với cái tên Hán tự nghe rất oách là “địa long”, tức rồng đất. Nhớ dạo nhỏ còn ở quê, cũng như bao gia đình, vài tháng trước tết Đoan Ngọ hay Nguyên đán, mạ con tôi đều nuôi vịt theo kiểu “tự cung tự cấp”. Không thể có được đàn vịt xôm tụ, khi nhiều nhất cũng chỉ nuôi khoảng mươi con, trừ hao hụt còn lại cốt chỉ đủ dùng. Là thằng con trai duy nhất nhà, tôi được giao việc ngày 2 buổi cuốc trùn cho vịt. Tưởng đơn giản nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Thời buổi khó khăn, đất khô cằn và loài “địa long” vốn thích ẩm ướt và đất giàu dinh dưỡng không sinh sôi nảy nở nhiều. Vác cuốc quanh xóm cả buổi mới đào được chừng hơn lạng… trùn. Mang về đổ ụp. Bầy vịt nhảy vô. Loáng cái đã chén xong. Mà đâu phải chỉ riêng nhà tôi. Cả xóm cũng đều cùng nuôi vịt ăn tết. Vậy nên, không lạ là câu hỏi ngày tết, vịt nhà có béo không?

2. Nhân chuyện “địa long”, nghĩ lại mới thấy thấm thía về rồng. Xưa có chuyện Trạng Quỳnh nổi tiếng vẽ rồng. Đồ rằng, Trạng được cử đi sứ bên Tàu. Biết Quỳnh không giỏi họa, thậm chí vẽ cũng chả ra chi, vua Tàu mới bày trò, mời sứ giả phương Nam thi vẽ. Lấy rồng làm đề tài và hạn hễ đánh xong trong một hồi trống thì phải vẽ xong. Viên quan Tàu đánh trống vừa cầm dùi giơ lên thì Quỳnh ta nhúng đầu ngón tay vào nghiên mực. Hồi trống chưa dứt, Quỳnh đã vẽ xong mười vệt mực ngoằn ngoèo và đem tranh nộp khi bao họa sĩ tài danh bậc nhất Trung Hoa còn đang hý hoáy. Xem tranh, vua Tàu phì cười, Trạng Quỳnh ta nghiêm giọng: “Đây là giống rồng ở đất nước hạ thần”. Nói rồi, còn đòi đem so sánh với rồng thật. Vua Tàu và triều thần ngớ người, lấy mô ra rồng thật mà so sánh!

Cũng nhân chuyện Trạng Quỳnh vẽ rồng, lại nhớ đến anh bạn làm nghề thợ kép ở quê, chuyên làm lăng mộ hay nhà thờ. Cũng là thợ hồ, khác ở chỗ, thợ kép là những thợ hồ giỏi, có hoa tay. Bình thường họ cũng làm hồ, chỉ khi nào đến công đoạn “kép” thì mới “xổ nghề”. So với họa sĩ, công việc của thợ kép chẳng khác mấy. Thay vì cọ, giấy, mực màu, vật dụng để sáng tạo, với thợ kép là chiếc bay và xi măng, thỉnh thoảng là màu nước. Có lần ngồi quan sát bạn vẽ, tôi lân la chuyện trò, hắn tếu táo: “Cái nghề vẽ rồng, vẽ rắn ni “khó ăn” lắm. Thì “ôn” cứ xem, như con rồng tui đang vẽ, có ai chộ mô. Muốn vẽ phải xem hình, xem mẫu rồi tưởng tượng. Thợ kép giỏi nghề, vẽ con rồng phải vừa mềm mại, uyển chuyển nhưng lại mạnh mẽ, đầy dũng khí, người khác nhìn vào chỉ sợ nó bay mất”. Tôi nhìn vô mặt hắn, thấy hả hê đáng ghét.

Gần đây, tôi cũng được biết trên thế giới cũng có… rồng. Đầu tiên rồng Komodo ở Indonesia. Chúng vừa có khả năng lặn sâu 5m dưới mặt nước để mò cá, nhưng cũng có thể leo trèo như thằn lằn trên cây. Mặc dù không khè ra lửa như các loài rồng trong truyền thuyết, song rồng Komodo có hàm răng chắc khỏe và vết cắn vô cùng độc có thể tiêu diệt mọi con mồi, do có hai tuyến ở hàm dưới tiết ra nhiều loại protein độc. Rồi loại rồng Úc trông “ngầu” nhưng rất hiền lành. Hay loại thằn lằn Draco được ví là “rồng bay” sống trong các khu rừng rậm ở Đông Nam Á, khiến mọi người ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy chúng phi thân từ trên cành cây xuống và mở rộng “đôi cánh”. Đáng nói, những con vật này là các loại bò sát và khác xa so với tưởng tượng của con người.

3. Chưa tìm được rồng thật thì thôi, hãy cứ tạm với con rồng huyền thoại trong trí tưởng tượng của người đời vậy. So với bao con vật khác, rồng xuất hiện với tần số lớn trong ca dao, tục ngữ và thành ngữ. Ví như trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, đó là “Rồng vàng tắm nước ao tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình”. Tư duy về rồng không phải lúc nào cũng nhất quán. Người giàu sang đến thăm người nghèo hèn có thành ngữ “rồng đến nhà tôm”, còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó lại nói “như rồng gặp mây”. Hình ảnh rồng còn được người Việt sử dụng khá đa dạng nhằm biểu đạt các quan điểm và nhận thức phong phú về đời sống: “Ăn như rồng cuốn/ Làm như cà cuống lội sông”.

Dẫu có nhiều sắc thái khác nhau thì rồng vẫn là một biểu tượng đẹp và là khát vọng vươn lên. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, và mỗi khi nói đến “con Rồng cháu Tiên”, người Việt đều cảm thấy hãnh diện và tự hào. Rồng hóa thân vào giấc mơ của vua Lý Công Uẩn với hình ảnh rồng vàng bay lên để từ đó, Kinh đô nước ta có một cái tên mới đầy ý nghĩa: Thăng Long. Nơi phía nam đất nước, có một đàn chín rồng uốn lượn trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng); là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh (long, lân, quy, phụng).

Lại nghĩ, chỉ ở vị trí thứ 5 trong 12 con vật được dùng vào hệ địa chi, nhưng trong đời sống của người Việt, rồng lại là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, vừa thực, vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Rồng thật không có giữa cuộc đời, chỉ là con vật của trí tưởng tượng và những con rồng “bay” hay rồng Komodo cũng chỉ là những loại bò sát bình thường, tôi bỗng chạnh nhớ đến con trùn đất của ngày xưa ở quê làm mồi cho vịt và cả con rồng đất của Trạng Quỳnh qua mặt vua Tàu mà càng thấm thía hơn ý nghĩa trong câu tục ngữ “con giun (trùn) xéo lắm cũng quằn”. Tôi thích con rồng ở sự biến ảo khôn lường!

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024

Chiều 14/2 (nhằm ngày mồng 5 Tết Giáp thìn), UBND T,P. Huế tổ chức bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024. Tham dự có lãnh đạo thành phố; các sở, ban, ngành, các Hội Sinh vật cảnh và người dân.

Bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024
Con rồng trên Cửu đỉnh Huế

Rồng có tên chữ là long, một linh vật được huyền thoại mang đầy tính siêu nhiên, đứng đầu trong bốn con vật thiêng: “long, lân, quy, phụng”, xuất hiện hàng ngàn năm trước Công nguyên, dần được nâng lên thành con vật biểu tượng trong văn hóa phương Đông. Rồng được xem là chúa tể cai quản vùng sông nước, thường được gọi là Long Vương. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chữ rồng trong tiếng Việt và chữ long trong từ Hán đều bắt nguồn từ krong, krông, klong trong tiếng Đông Nam Á cổ, có nghĩa là sông nước. Rồng được xem là con vật kết hợp giữa cá sấu và rắn, sinh ra và ẩn mình dưới nước rồi bay vút lên trời cao mà không cần có cánh, vừa bay miệng vừa phun nước, phun lửa. Một số nhà khảo cổ học khẳng định rằng, rồng là con vật đặc thù chung cho cả các dân tộc Việt. Cụ thể hơn, đối với người Việt Nam, truyền thuyết đầy sức sống nhân văn về Con Rồng - Cháu Tiên đã có từ thuở họ Hồng Bàng lập quốc cách nay mấy ngàn năm trước.

Con rồng trên Cửu đỉnh Huế
Gặp những người lao động thầm lặng trong thời khắc Giao thừa

Lúc mọi người quây quần trong thời khắc chuyển giao sang năm mới thì bước chân của những công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) vẫn lặng thầm trên từng tuyến phố, ngõ xóm để thu gom, vận chuyển rác thải để Huế sạch đẹp đón năm mới an vui…

Gặp những người lao động thầm lặng trong thời khắc Giao thừa
Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ Quý Mão sang năm mới Giáp Thìn 2024, màn pháo hoa tầm cao được bắn lên trên bầu trời ngay Kỳ đài, phía trước Ngọ Môn trong tiếng reo vui, chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

TIN MỚI

Return to top