ClockChủ Nhật, 14/02/2021 06:33

Bánh hồng

TTH - Tôi gọi đó là bánh hồng, không chỉ vì bánh có tên hoa hồng, mà còn bởi những cái bánh hoa hồng nhỏ với đủ màu sắc dễ thương mà chị Lê Thị Thanh Hương làm đã khiến cho buổi chiều giá buốt cuối năm hôm ấy trở nên ấm áp.

Bánh tết

Tỉ mỉ tạo dáng cánh hoa

Là cháu gái của một vị quan thượng thư thời Nguyễn và có bà ngoại là chủ một tiệm bánh lớn nhất Huế thời đó, mấy chị em chị Hương ai cũng biết làm rất nhiều loại bánh trái cầu kỳ và tinh tế. “Bánh hoa hồng là món ăn nổi tiếng của cung đình Huế xưa. Trong những dịp quan trọng như cúng tất niên, giao thừa hay lễ hỷ cưới hỏi, khi mô cũng có món bánh ni”, chị Hương nói trong lúc bày biện nào là lá cẩm, hoa đậu biếc, thanh long, cà rốt, cải bó xôi, quả gấc lên bàn.

“Lá cẩm để tạo màu tím, cà rốt cho ra màu vàng, quả gấc thì cho màu cam, cải bó xôi cho màu xanh, thanh long cho màu hồng còn hoa đậu biếc cho màu xanh lam. Công đoạn tạo màu bánh là mất công nhất đó, vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ từng ly từng tí mới cho ra màu bánh đẹp như ý”. Chị Hương nhẹ nhàng giải thích khi thấy tôi không rời mắt khỏi đám hoa đậu biếc và lá cẩm nằm ngoan trên bàn bếp.

Mỗi bông hoa tựa như một tác phẩm nghệ thuật

Để có những nguyên liệu tạo màu và làm bánh, chị Hương đã đi chợ từ sớm chọn những thứ rau củ tươi ngon nhất, còn lá cẩm và hoa đậu biếc thì tự tay hái về. Bên cạnh nguyên liệu tạo màu bánh, nguyên liệu dùng để làm vỏ bánh hoa hồng là bột gạo. Nhưng theo chị Hương, nếu chỉ có bột gạo thôi thì chưa đủ, bí quyết để bánh dẻo và trong là pha thêm bột năng và bột nếp. Liều lượng các nguyên liệu này phải chính xác để bột nặn bánh có độ dẻo vừa phải, bột khô quá hay ướt quá đều khó có thể nặn bánh đẹp.

Độ thơm ngon của bánh hoa hồng không chỉ nằm ở vỏ bánh mà cả ở nhân bánh. Nhân bánh có thể làm từ thịt, tôm hay tôm thịt tùy theo khẩu vị. Nhưng muốn nhân bánh thơm phải chọn thịt tươi và tôm đất sống còn nhảy tanh tách. Tôm bóc vỏ xong phải quết (chứ không xay) cho dẻo rồi trộn với bao nhiêu là nguyên liệu khác nữa như thịt băm nhỏ, hành tím, hành lá, nấm mèo băm nhuyễn, và cả cà rốt nữa để có màu sắc đẹp hơn. Chưa hết, trước khi gói bánh, chị Hương còn xào nhân bánh trên lửa lớn làm mùi thơm dậy lên khắp cả gian bếp.

Những bông hồng xinh xắn vừa được nặn xong

Tưởng đơn giản nhưng chỉ riêng khâu sơ chế và chuẩn bị làm bánh hoa hồng đã mất tầm 2 tiếng đồng hồ. Thế mới biết ẩm thực Huế tinh tế và cầu kỳ tới mức nào. Lò dò theo chị Hương trong suốt một buổi chiều, nhìn chị tỉ mẩn với từng công đoạn làm bánh mới thấy cái tâm cái tình để vào món ăn của người phụ nữ Huế sâu đến độ nào.

“Để bánh hoa hồng ăn nóng hay ăn nguội đều ngon, không bị cứng, bí quyết nằm ở chỗ hòa bột gạo vào bột năng với 2 muỗng súp dầu ăn, khuấy trên lửa vừa cho đặc lại, rồi mới nhồi với bột nếp”, chị Hương nói trong lúc khuấy bột trong chảo gang trên bếp.

Háo hức nhất với tôi là công đoạn nặn bánh. Đáp lại sự háo hức của tôi, chị Hương bày tôi cách chia bột thành từng viên bằng quả chanh. Nắn bột mỏng và hơi trũng, cho nhân vào, rồi xếp mép bánh lại. Tiếp đó, chị Hương dùng dụng cụ bắt cánh hoa hồng ấn tạo nhụy hoa và kẹp 4 cánh hoa đối xứng nhau ở tầng thứ nhất, tầng hoa thứ hai xen kẽ với tầng thứ nhất tiếp tục hiện ra và đến khi tầng cánh hoa thứ ba xen kẽ với tầng thứ hai hoàn thành, một bông hoa hồng giống như thật đã hiện ra trong sự thích thú của tôi. Dưới bàn tay khéo léo của chị Hương, những bông hoa hồng đủ màu sắc chẳng mấy chốc đã hiện ra, trông e ấp và xinh xắn quá chừng.

Sau khi được hấp trong vòng 5-10 phút, những chiếc bánh hoa hồng trở nên trong veo và tinh khôi lạ thường. “Bánh ngon và khéo khi lớp bột bên ngoài vừa đủ mỏng để bao bọc phần nhân bên trong như thế này”, chị Hương chỉ vào những “bông hồng” lung linh còn bốc khói vừa được đặt lên chiếc bàn gỗ màu nâu trầm.

Trong không gian xanh của cây trái trong vườn và những hạt mưa rơi nghiêng ngày đông, những chiếc bánh hoa hồng xinh xắn vừa hấp xong còn nóng hôi hổi làm ấm cả một góc hiên nhà. Bụng tôi trở nên đói cồn cào. Nhưng đúng là tôi không nỡ ăn những “tác phẩm nghệ thuật” này đâu bởi chúng đẹp đến ngỡ ngàng.

“Bánh hoa hồng ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt kiểu Huế. Nước chấm pha vừa phải, không quá ngọt, cũng không quá mặn, thêm chút vị cay của vài lát ớt xanh Huế. Nếu giản tiện, có thể dùng bánh với nước tương dằm ớt hoặc tương ớt cũng rất ngon”, vẫn chị Hương với giọng nói nhỏ nhẹ.

Tôi hào hứng đem bánh hoa hồng chị Hương tặng về nhà. Sắp nhỏ nhà tôi sẽ ngạc nhiên lắm đây khi thấy những chiếc bánh giống y như hoa hồng thật này. Lễ cúng tất niên cuối năm nay thật đặc biệt bởi sự xuất hiện của những chiếc bánh hoa hồng trong mâm. Sau bao chờ đợi háo hức của tụi nhỏ, tiếng chuông đồng hồ ngân vang báo hiệu giờ phút giao thừa đã tới. Cả nhà tôi quây quần bên mâm cỗ tết thưởng thức bánh hoa hồng.

Cô con gái chọn bông hồng màu hồng, miệng thì thầm ước một năm mới sẽ ngập tràn may mắn, cậu nhóc thì chọn bông màu xanh miệng cười tí toét nói: “Màu xanh là màu hy vọng mẹ hí!”. Tôi cũng chọn cho mình bông màu hồng và thầm ước nguyện một năm mới sẽ hồng như bông hồng kia, một năm mới với thật nhiều niềm vui và hy vọng sẽ tới.

“Và chúng ta lại đón giao thừa, phút giây lặng lẽ mong chờ, lắng nghe mùa xuân về…”. Lời bài hát “Lắng nghe mùa xuân” về vang lên đâu đây. Mùa xuân đã về thật gần bên khung cửa...

Bài: Ngọc Hà - Ảnh: Trung Phan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”

Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành mai vàng thì kiểu mứt, bánh “nhà làm” cũng là một trong những lựa chọn của nhiều gia đình, như cách để giữ gìn phong vị của tết cổ truyền.

Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”
Bữa quà chiều với bánh ram ít

Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

Bữa quà chiều với bánh ram ít
Nhớ bánh cung đình

Từ hạt đậu xanh, hạt nếp hay củ huỳnh tinh, bàn tay tài hoa của người phụ nữ Huế chế biến thành nhiều loại bánh khác nhau để dọn mời, dâng cúng tổ tiên trong dịp tết về.

Nhớ bánh cung đình

TIN MỚI

Return to top