ClockThứ Tư, 06/05/2020 13:23

Cần sản phẩm đẳng cấp cho dòng khách chi trả cao

HNN - Tiếp theo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường khách truyền thống của Huế ở Tây Âu, Bắc Mỹ cũng đang bùng phát dịch COVID-19, do đó, khả năng lượng khách đến với Cố đô sẽ giảm sâu trong thời gian đến. Làm gì để hạn chế các thiệt hại và chuẩn bị tốt để phát triển ngành du lịch sau dịch là yêu cầu đang được đặt ra.

Thương hiệu du lịch Huế tăng thêm trong mùa dịchGần 1.000 khách đến Huế tham quan, vui chơi và nghỉ dưỡngGói kích cầu phải đủ “mạnh” để thu hút khách

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, đây là lúc để du lịch Huế nhìn nhận lại những cái được, cái mất, có định hướng để tái cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ; xúc tiến quảng bá điểm đến để giúp du lịch Huế sớm ổn định và phát triển bền vững.

Qua dịch bệnh này, du lịch Huế bộc lộ những yếu điểm nào cần khắc phục thưa ông?

Có thể thấy một sự khác biệt khá rõ của du lịch Huế với các trung tâm du lịch khác trên cả nước là về thị trường khách. Huế vẫn đang duy trì được lượng khách nhất định là nhờ vào thị trường khá ổn định là Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc. Thị trường chính, cũng là truyền thống này lại là dòng khách chi tiêu cao, lưu trú nhiều ngày. Hiện nay, Huế chưa có sản phẩm đủ sức giữ chân dài ngày và khiến du khách móc hầu bao nhiều hơn.

Qua sự cố này cũng phải khẳng định, định hướng của du lịch Thừa Thiên Huế cần đưa ra là không nên chạy theo về số lượng. Mục tiêu của Huế phải là khách chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Muốn cụ thể hóa mục tiêu trên, ngoài các thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Huế phải có ít nhất 3 - 4 thị trường tiêu biểu ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, cả Đông Âu và châu Úc để có thể có 2 con số (từ 10% khách trở lên) trong tổng thị phần khách đến. Lâu nay, các thị trường truyền thống có mức chi trả cao trên, vẫn chưa có nước nào nổi trội, vượt qua 10% thị phần.

Để tăng lượng khách đến Huế của các thị trường trên, Huế cần triển khai ít nhất hai việc. Trước tiên là phải tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến. Tỉnh nên có những đợt xúc tiến quảng bá sâu, rộng ở các thị trường tiềm năng đó; kết hợp với các đơn vị truyền thông của các thị trường này để hỗ trợ quảng bá.

Khách châu Âu tham quan Huế

Thứ hai, với những thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày hơn thì phải có những cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu cao, cùng với các sản phẩm dịch vụ, giải trí, ẩm thực, mua sắm xứng tầm đi kèm. Quan trọng nhất là sản phẩm phải đủ đẳng cấp, khác biệt, độc đáo, có hồn văn hóa của Huế để hút khách... Theo tôi, phục dựng lại cuộc sống hoàng cung là sản phẩm cần sớm được khai thác. Đồng thời, xây dựng thêm những sản phẩm mới độc đáo của bản địa như những show diễn tái hiện quá khứ, đời sống, văn hóa xã hội của người dân địa phương,… Những sản phẩm được tổ chức lại bài bản, bởi hiện vẫn đang còn tính nửa vời, manh mún.

Ở châu Âu đang bùng phát dịch bệnh, khả năng khách đến sẽ giảm, vậy Huế cần làm những gì?

Khách châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục giảm là điều sẽ xảy ra. Trước mắt, Huế cần xây dựng chương trình kích cầu nhằm thu hút khách nội địa trong mùa hè đến, đồng thời tiếp tục quảng bá thu hút các thị trường truyền thống ở châu Á, Tây Âu, Bắc Mỹ. Cần chủ động chuyển dịch đến những thị trường du lịch tiềm năng, thị trường có tốc độ và khả năng tăng trưởng cao như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu và Nga thậm chí phải có kế hoạch xúc tiến quảng bá, tổ chức kích cầu dành riêng cho những thị trường hàng đầu và thị trường mới này.

Vấn đề quan trọng trong lúc này là phải kết hợp giữa việc chủ động ứng phó hiệu quả với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ phòng chống COVID-19, với việc tuyên truyền tạo ra tâm lý an toàn, an tâm cho người dân, cho người làm du lịch và du khách; giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch an toàn, thân thiện.

Là người có nhiều năm công tác trong ngành du lịch, ông nghĩ như thế nào về sự phục hồi của du lịch sau khi dịch COVID-19 được dập tắt?

Quy luật phát triển du lịch theo sơ đồ hình sin, có thời kỳ cao trào và có lúc thoái trào. Theo kinh nghiệm của tôi, sau những đợt suy thoái kinh tế, đặt biệt là những dịch bệnh như SARS, MERS, khi những tác nhân này bị chấm dứt, chắc chắn du lịch sẽ bùng nổ một cách mạnh mẽ. Nhu cầu du lịch, đi lại, thăm thú, mua sắm, ẩm thực của con người sẽ tăng lên đột biến để bù đắp lại do thời gian dài bị dồn nén. Sẽ có rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao kết hợp với du lịch sẽ được tổ chức.

Lúc này, cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch phải cần dựa trên những ảnh hưởng, mất mát do dịch COVID-19 để rút ra những bài học, tạo ra những cơ hội để khôi phục và phát triển sau dịch. Các doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn và thiệt hại, không trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, mà nên tái cơ cấu thị trường khách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp, thích ứng hơn với thị trường. Bình tĩnh đánh giá tổn hại, cái được cái mất để sau này nếu có sự cố lặp lại sẽ hạn chế được rủi ro.

Đức Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Tại các địa phương trên địa bàn quận Thuận Hóa, việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà còn là hành trình định vị giá trị văn hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP
Phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp địa phương

Hội Nông dân (HND) thành phố Huế đang tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn, chủ động đổi mới phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất nông sản hữu cơ…

Phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp địa phương
Tạo câu chuyện cho sản phẩm làng nghề

Không chỉ tạo dựng không gian quảng bá và hỗ trợ những làng nghề ngay tại chỗ cũng như đưa đặc sản Huế đi xa, các bạn trẻ kiến tạo thương hiệu Đặc sản Kinh Đô - Sốngcentre Huế còn lồng vào đó câu chuyện cho mỗi sản phẩm và áp dụng công nghệ vào sản xuất, với mong muốn thực hiện thành công mệnh sứ kế nghiệp và thay đổi làng nghề, để những thương hiệu làng nghề xứ Huế cất cánh và mở rộng được thị trường.

Tạo câu chuyện cho sản phẩm làng nghề
THƯƠNG MẠI HÓA SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:
Còn nhiều rào cản

Nhiều kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học, sáng tạo vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa. Để gỡ rào cản này, ngoài những cơ chế, chính sách đổi mới, cần liên kết theo hình thức đặt hàng giữa nhà nghiên cứu, nhà sáng chế với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng.

Còn nhiều rào cản

TIN MỚI

Return to top