ClockChủ Nhật, 09/04/2023 06:26
“CÔNG DÂN TIÊU BIỂU” NGUYỄN ĐÌNH ANH KHOA:

“Tôi muốn gửi tặng danh hiệu này đến gia đình và cộng sự”

TTH - Nguyễn Đình Anh Khoa - một gương mặt thiện nguyện những năm qua đã quá quen thuộc với người dân xứ Huế. Nhắc đến anh, người ta nhớ ngay đến Hội Phản ứng nhanh 75 - PUN75 và ngược lại, từng lao vào tâm dịch, cùng chính quyền hỗ trợ bà con trong thời khắc khó khăn nhất với tâm niệm “phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương”.

Những người lo hậu sự cho người mất vì COVID-19Chuyến xe PUN75 hỗ trợ chở người nghi nhiễm đến khu cách lyCác địa phương cách ly người trở về từ vùng dịch và dự phòng khẩu trang miễn phí

leftcenterrightdel
 Anh Nguyễn Đình Anh Khoa 

Gặp gỡ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần trong những ngày đầu tháng 4 - khi anh hay tin được UBND tỉnh tuyên dương 1 trong 10 công dân tiêu biểu, Anh Khoa vẫn tràn đầy nhiệt huyết.

 “Tôi nghĩ mình là một người yêu Huế, muốn kiếm tìm, xây dựng những hoạt động mới và lan tỏa sứ mệnh sống có ích cho xã hội, cho quê hương”, Anh Khoa bắt đầu câu chuyện.

UBND tỉnh vừa công bố danh sách anh là 1 trong 10 công dân tiêu biểu. Còn anh, cảm xúc của anh như thế nào?

Tôi rất xúc động. Từng nhận được nhiều bất ngờ trong cuộc sống, nhưng thật lòng, cảm xúc nhận được thông tin mình là gương mặt tiêu biểu của tỉnh có điều gì đó lâng lâng hạnh phúc, rất khó diễn tả. Tôi đã điện thoại báo tin vui, chia sẻ hạnh phúc đó với mẹ, vợ, cùng người thân và cộng sự đã luôn đồng hành, hỗ trợ tôi trong mọi hành trình mà tôi theo đuổi. Với tôi, ngày nhận tin ấy là một ngày thật đặc biệt.

leftcenterrightdel
Nguyễn Đình Anh Khoa trong một lần cùng cộng sự PUN75 tham gia chống dịch COVID-19 

Nhắc đến anh, người ta sẽ nhớ ngay đến PUN75 với rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong đợt dịch COVID-19, nhớ đến những phong trào chung tay bảo vệ môi trường, người khởi xướng những giải thể thao… Với riêng anh, anh thấy mình đứng ở đâu trong những hoạt động đó?

Tôi cũng như nhiều người khác, những người lặng lẽ cống hiến sức mình cho thiện nguyện, cho cộng đồng và cho mảnh đất Huế thân yêu. Thú thật, giữa rất nhiều công việc ấy, đôi khi tôi cũng không biết mình đang đứng ở đâu. Tôi nghĩ rằng khi mình đã làm việc gì đó vì cộng đồng và xã hội thì phải làm hết 100% tinh thần, và nếu hơn thế nữa càng tuyệt vời. Tôi cũng tâm niệm, không chỉ mình làm mà còn phải biết kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là người trẻ với nhiều nhiệt huyết cùng nhau lan tỏa sứ mệnh yêu thương, phụng sự xã hội đến với tất cả mọi người, với nơi mình sinh ra, lớn lên và đang được thụ hưởng môi trường sống xung quanh.

Trong rất nhiều cống hiến của bản thân, đâu là cống hiến mà anh ấn tượng nhất?

Trong rất nhiều hoạt động xuyên suốt hướng đến cộng đồng, có lẽ hoạt động mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất chính là thành lập PUN75. Đó là hội gồm rất nhiều thành viên, đến từ nhiều khu vực, tầng lớp và lứa tuổi. Họ có thể là bác sĩ, doanh nhân, công nhân, lái xe...; trong đó, có nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường, nhà trường. Dù ở công việc nào, họ đều có điểm chung là luôn hướng đến một xã hội đầy tính nhân văn và sẻ chia yêu thương, đùm bọc.

Đối với tôi mà nói, trong một xã hội đầy biến động vì dịch COVID-19, thời khắc hàng triệu con người phải đối mặt với cửa tử vì sự tàn phá khủng khiếp của nó làm tôi cảm thấy ray rứt, bản thân như bị thôi thúc phải làm cái gì đó để hỗ trợ đồng bào, cùng phối hợp với chính quyền tạo nên sức mạnh đồng lòng vượt qua.

Thật sự tự hào bởi có những cộng sự cùng chí hướng “phụng sự xã hội” đã dũng cảm cùng tôi xông pha ra tuyến đầu để phục vụ bà con nhân dân chiến thắng đại dịch.

Trước khi đến thiện nguyện người ta biết anh là doanh nhân. Có nghịch lý nào giữa công việc kinh doanh và thiện nguyện không anh?

Trong doanh nhân, tôi luôn tâm niệm bên cạnh đưa doanh nghiệp của mình tiến lên thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Muốn làm được điều đó, bên cạnh tâm huyết phụng sự, bạn phải sắp xếp thời gian để phân bổ công việc và gia đình, hậu phương sao cho hợp lý thì việc gì chúng ta cũng có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Làm rất nhiều việc tốt, được xã hội ghi nhận, có khi nào anh thấy áp lực hay đối mặt với những lời ra tiếng vào không hay?

Tôi tâm niệm làm cái gì chữ “tâm” cũng phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi đã “có tâm, vững tâm” thì những lời ra tiếng vào cũng không làm tôi suy nghĩ nhiều.

Mặt khác, tôi mong muốn giữ lửa cho mình cũng như các cộng sự. Tôi lấy niềm vui trong công việc, trong phụng sự làm niềm khích lệ để tiến lên nên cũng không bị áp lực quá lớn. Tất nhiên, nếu tôi sợ áp lực thì tôi đã không làm những công việc đó.

Nhưng cũng có đôi lúc đuối sức, muốn từ bỏ?

(Suy nghĩ) Có chứ! Nhiều nữa là khác. Nhưng tôi đã tìm mọi cách để vượt qua. Tôi luôn động viên bản thân và luôn tìm cho mình những điều lạc quan, tràn đầy năng lượng, tinh thần để hướng đến những mục tiêu mà mình theo đuổi.

Động lực nào để anh làm tốt được những công việc thiện nguyện mà mình theo đuổi?

Tôi nghĩ đơn giản. Động lực chính là làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, lan tỏa yêu thương và phụng sự xã hội đến nhiều hoàn cảnh chưa may mắn, để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tôi những công việc ấy còn động lực cá nhân, cũng là tấm gương để cho con mình thấy được, học và làm theo.

Rồi khi đạt được danh hiệu “Công dân tiêu biểu”, anh có thấy áp lực hơn với mình không?

Khi đạt được danh hiệu này, với tôi, ngoài vinh dự, tự hào, đồng nghĩa với trách nhiệm vô cùng lớn đối với xã hội. Nhưng may mắn, bên cạnh tôi bao giờ cũng có những người đồng chí hướng, hướng đến những việc làm tử tế, nên dù trách nhiệm nặng cỡ nào cũng sẽ vượt qua được.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, danh hiệu có được ngày hôm nay về mặt hành chính mà nói là cá nhân, nhưng với tôi đó là danh hiệu của tập thể, của mọi người đã đồng hành với tôi trong các hoạt động. Tôi muốn gửi tặng danh hiệu này đến gia đình, các cộng sự, họ là những người lặng lẽ cùng tôi vui buồn trong mọi hành trình.

Anh có thấy thực tế dường như nhiều người có phần e ngại khi làm điều tốt trong xã hội hiện nay không?

Tôi nghĩ có. Thực tế trong xã hội có rất nhiều người muốn làm điều tốt, điều hay, nhưng họ e ngại bởi họ sợ tổn thương chính bản thân và gia đình mình. Bên cạnh đó, có người lo nghĩ trong quá trình hoạt động không may phạm phải điều tiếng thì sẽ bị đánh đổi quá nhiều.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu họ dành nhiều thời gian, tâm huyết và hiểu sâu hơn về những ý nghĩa đó thì họ sẽ không còn e ngại nữa.

Anh có lời nhắn gửi gì đến với mọi người, nhất là những người trẻ nhiệt huyết với công việc xã hội, hướng đến cộng đồng?

Có một người anh đi trước từng động viên tôi: “Hãy chọn cho mình một cuộc sống ý nghĩa thông qua việc đóng góp chút công sức bé nhỏ cho quê hương”. Tôi muốn chia sẻ với những người trẻ, những ai đang theo đuổi công việc thiện nguyện điều đó, và muốn nói thêm: “Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và hãy sống sao cho thật ý nghĩa”.

Nói như anh có phải “sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”?

Câu nói ấy phản ánh đúng thực trạng của cá nhân tôi hiện tại. Cuộc sống của tôi là vậy, với mong muốn luôn cho đi để cảm thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhàng. Bởi khi chúng ta lìa trần thì cũng chẳng mang theo được bất kỳ điều gì.

Và anh sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện của mình đến khi nào?

Thiện nguyện là một sứ mệnh quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi nguyện sẽ tiếp tục công việc này đến khi tôi không còn trên đời nữa. Ngoài ra, tôi sẽ luôn kiếm tìm những thế hệ kế thừa để họ trở thành những người cộng sự mới tiếp nối sứ mệnh này.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

PHAN THÀNH (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng danh người thầy thuốc Nhân dân

Được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Hai; 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; là 1 trong 10 công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 và nhiều danh hiệu cao quý khác, nhưng đối với Bác sĩ (BS) Trương Như Sơn, HUV, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang, phần thưởng lớn nhất là người dân được khám, chữa bệnh tốt nhất, được đảm bảo và nâng cao sức khỏe.

Xứng danh người thầy thuốc Nhân dân
Người “lột xác” chợ Đông Ba

Từ một điểm “mang tiếng xấu”, xuống cấp từ hạ tầng đến văn hoá kinh doanh, chợ Đông Ba đã và đang “lột xác” để là một thành trì lưu giữ, bảo vệ các giá trị văn hoá Huế như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố. Và người góp phần “lột xác” chợ Đông Ba chính là bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba - một trong những công dân tiêu biểu của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2022. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thị Như Thanh về sự “lột xác” của một ngôi chợ vừa tròn 123 năm tuổi.

Người “lột xác” chợ Đông Ba
Gặp “công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế”

Đến Trường trung học cơ sở (THCS) Phan Thế Phương (Quảng Công, Quảng Điền) hỏi, không ai không biết thầy Trần Ngọc Tuấn- “Công dân tiêu biểu của Thừa Thiên Huế” 2 năm liền (2018, 2019).

Gặp “công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế”

TIN MỚI

Return to top