ClockThứ Hai, 10/04/2017 06:16

Xung quanh thực trạng khai thác cát trái phép: Vẫn còn phức tạp

TTH - Chỉ thị 07 ngày 25/3/2017 của UBND tỉnh nghiêm cấm việc khai thác cát (KTC) ban đêm. Thế nhưng, bất chấp quy định pháp luật, tình trạng KTC trên thượng nguồn sông Hương vào ban đêm vẫn diễn ra công khai.

Chủ yếu ban đêm

Khoảng 23h 30 ngày 4/4, tại đoạn sông Hương trước mặt điện Hòn Chén hướng về phía Quốc lộ 49A, vừa đặt chân tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy), chúng tôi đã nghe rõ tiếng nổ của phương tiện KTC có công suất lớn. Theo người dân địa phương, khu vực này hàng đêm xuất hiện một chiếc sà lan thường xuyên hút cát gần bờ sông và có bố trí người cảnh giới.

 Nhiều phương tiên ngang nhiên vận chuyển cát sai khung giờ quy định trên sông Hương (ảnh chụp vào rạng sáng ngày 5/4)

Lúc tiếp cận, chúng tôi băng qua một bãi tập kết cát sạn lớn, “mật phục” vào bụi rậm ven sông để ghi hình quá trình hút cát của chiếc sà lan này. Do “thấy động” trong quá trình di chuyển, các đối tượng dưới bờ sông liên tục pha đèn, một chiếc thuyền cảnh giới lập tức áp sát chúng tôi, sà lan hút cát tắt máy, ngừng khai thác.

Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ cấp phép cho 11 đơn vị khai thác tại 13 điểm. Phía thượng nguồn sông Hương chỉ cấp phép 3 điểm khai thác: bãi bồi cát, sỏi thôn Hạ (bãi Vĩ Dạ), xã Thủy Bằng; bãi bồi Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế; bãi bồi thôn Hộ (Buồng Tằm), xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy.  Song, những điểm khai thác chúng tôi ghi nhận đều không nằm trong những vị trí này.

Rời điểm khai thác này, chúng tôi ngược lên hướng cầu Tuần, đoạn sông Hương thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Thủy Bằng và xã Hương Thọ (TX.Hương Trà). Khoảng 0h ngày 5/4, 3 thuyền máy ngang nhiên KTC cách bờ chừng vài chục mét. Điều đáng nói, điểm KTC trái phép này nằm ở thôn Hải Cát, trước mặt trụ sở UBND xã Hương Thọ. Trên mỗi chiếc thuyền trang bị những bóng đèn chiếu sáng. Để tránh bị phát hiện, trong quá trình hút cát, những bóng đèn được bật, tắt liên tục. Vắng bóng lực lượng chức năng, suốt hơn một giờ đồng hồ, các thuyền thoải mái hút cát bên bờ sông như chốn không người!

Theo phản ánh của người dân, tình trạng KTC trái phép vào ban đêm diễn ra rầm rộ nhất ở thượng nguồn sông Hương, nhánh Hữu Trạch, đoạn sông trước mặt thôn Định Môn, khu vực  giữa xã Hương Thọ và xã Thủy Bằng. Khoảng 2 giờ sáng ngày 5/4, chúng tôi rời điểm KTC tại cầu Tuần, ngược lên thôn Định Môn, tại đoạn sông dài chừng hơn 1km này có khoảng 4-5 thuyền máy hút cát giữa dòng sông.

“Đoạn sông ngã ba thôn Định Môn, các đối tượng thường trộm cát vào ban đêm, tiếng nổ của động cơ máy khiến người dân không thể ngủ được. Chúng tôi nhiều lần phản ánh, thậm chí xua đuổi nhưng bất thành. Ngoài ra, điểm khai thác này có bố trí người thám thính phòng khi có các cơ quan chức năng kiểm tra”, ông N.V.N (thôn Định Môn) nói.

Cát về đâu?

Lần theo các thuyền khai thác trộm cát xuôi về hạ nguồn, tại cầu Phú Xuân, từ 4-5h30 sáng ngày 5/4,  khoảng 10 phương tiện có công suất lớn nhỏ chở cát với khối lượng hàng chục m3/phương tiện nối đuôi nhau hoặc chạy song song về phía hạ nguồn để tập kết. Trong khi đó, để đảm bảo điều kiện lưu thông, an toàn cho du khách… Chỉ thị 07 của UBND tỉnh quy định, đoạn từ cầu Dã Viên đến Cồn Hến cấm các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi có công suất lớn hơn 24CV, và cấm các phương tiện vận chuyển cát sỏi có công suất dưới 24CV lưu thông ngoài khung giờ từ 17 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì nhiều phương tiện vận chuyển cát “qua mặt” được sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Khu vực hạ nguồn sông Hương từ lâu tồn tại nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát không phù hợp với quy hoạch tại các xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Thanh (huyện Phú Vang). Những điểm tập kết cát này “nhập” cát vào ban đêm hoặc rạng sáng để tránh lực lượng chức năng. Từ những điểm tập kết này, những tuyến đường liên thôn, xã bị các loại phương tiện xe cơ giới “cày nát” trong quá trình vận chuyển. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thông tin, cát được tập kết tại các bãi cát sỏi trên địa bàn chủ yếu được nhập “hàng” vào ban đêm. Những thuyền nhập “hàng” thường di chuyển từ phía thượng nguồn sông Hương về. “Việc xử lý các thuyền này phụ thuộc vào lực lượng thanh tra giao thông, CSGT, chứ địa phương không thể làm hiệu quả được”, ông Toàn nói.

Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh cho biết: “Theo quy định, các thuyền khi vào khai thác tại các mỏ được cấp phải mua phiếu và không KTC ban đêm. Nếu khai thác ngoài điểm mỏ và vận chuyển cát từ thượng nguồn sông Hương trong khung giờ sai quy định thì nguồn gốc cát là trái phép”.

Di dời các điểm không phù hợp quy hoạch

Vừa qua, UBND huyện Phú Vang ra kế hoạch từ ngày 21/3-15/4 tiến hành giải tỏa, sắp xếp các bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi tự phát không phù hợp quy hoạch tại các xã Phú Thượng, Phú Mậu và Phú Thanh. Sở Xây dựng cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để xử lý các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.

Lê Thọ - Nguyễn Khánh

(Còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ

Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ, nhất là các đặc sản, sản phẩm lợi thế của địa phương là bước khởi điểm căn bản để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

TIN MỚI

Return to top