ClockThứ Bảy, 04/05/2019 07:28

Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Tiễn biệt vị tướng lừng lẫy!

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước - một vị tướng lừng lẫy, gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc - đã yên nghỉ tại TP HCM

Một lần được gặp Chủ tịch nướcNhớ lời Đại tướng dặnCử hành trọng thể Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức AnhLễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Indonesia và AustraliaLãnh đạo các nước chia buồn về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần

Sáng 3/5, tại Nhà Tang lễ quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương - theo nghi thức Quốc tang. Cùng thời điểm này, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và nhà thờ họ tộc ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các đại biểu dự lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) sáng 3/5.

Hơn 1.000 đoàn vào viếng

Sáng sớm ở Hà Nội, trời đổ mưa lớn nhưng người dân vẫn đổ về Nhà Tang lễ quốc gia để đưa tiễn Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước.

Đúng 7 giờ, lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được cử hành trọng thể trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ". Với niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, làm trưởng đoàn; Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, làm trưởng đoàn; Đoàn Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn..., đã vào viếng và chia buồn cùng gia quyến Đại tướng. Tới viếng và chia buồn còn có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam...

Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Thủ tướng Hun Sen làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane làm trưởng đoàn; cùng các đoàn đại diện chính phủ Nhật Bản, Cuba, ngoại giao đoàn... đã đến viếng.

Tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước.

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TP HCM và thành viên Ban Tổ chức Lễ tang do ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - dẫn đầu đã vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước.

Tại nhà thờ họ tộc của Đại tướng ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đông đảo người dân đã kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng trong niềm thương tiếc khôn nguôi.

Sáng cùng ngày, tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Quân khu 9 (TP Cần Thơ), Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong ngày, hơn 1.000 đoàn đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, tại Hà Nội, TP HCM, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ...

Các em học sinh đến viếng tại nhà thờ dòng họ Đại tướng Lê Đức Anh ở quê nhà Thừa Thiên - Huế

Nhớ mãi vị tướng tài ba

Đúng 10 giờ 45 phút, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, được cử hành trọng thể.

Đọc điếu văn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động nêu rõ: "Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Đồng chí là một trong 2 sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả".

Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân. Trong niềm xúc động, Thủ tướng bày tỏ: "Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, noi gương đồng chí, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước, trong đó có đồng chí đã trọn đời cống hiến; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước - nghẹn ngào: "Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác, vượt qua 4 cuộc kháng chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thực sự có ích cho đời... Gia tài của ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha...".

Một chiến sĩ chào tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong nền nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, ra cỗ linh xa. Xe đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh rời Nhà Tang lễ Quốc gia đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Gia đình Đại tướng Lê Đức Anh có nguyện vọng đưa ông vào an táng tại TP HCM bằng máy bay hành khách, không phải chuyên cơ. Thành viên trong gia đình mua vé như các hành khách khác.

Lúc 15 giờ, chuyên cơ đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Xe đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước bắt đầu di chuyển từ sân bay đi qua các tuyến đường TP HCM, lần lượt di chuyển qua Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhà riêng của Đại tướng tại số 240 Pasteur, phường 6, quận 3 và đến Nghĩa trang TP HCM (quận Thủ Đức). Đến 17 giờ cùng ngày, lễ an táng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, đã được tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang TP HCM.

Giúp đỡ quân đội Campuchia trưởng thành

Trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: "Vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí là một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, giàu lòng nhân ái và cuộc sống giản đơn. Xin vĩnh biệt đồng chí và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ vĩnh hằng".

Thương tiếc vị tướng tài ba, quả cảm, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân viết: "Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc. Chúng tôi xin nguyện tiếp bước con đường cách mạng của đồng chí, chung sức, đồng lòng, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo để bảo vệ, xây dựng và phát triển TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...".

Thủ tướng Hun Sen viết vào sổ tang: "Kể từ ngày gặp nhau lần đầu ở Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) vào đầu năm 1978 cho tới sau này, cá nhân bác cùng quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia rất nhiều. Lực lượng Vũ trang Đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập với sự giúp đỡ trực tiếp của bác. Khi đó, bác là Tư lệnh Quân khu 7 Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, việc ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, công cuộc xây dựng lại đất nước Campuchia, đặc biệt sự trưởng thành của quân đội Campuchia..., đều có sự đóng góp của bác.

Kể từ khi gặp nhau tới lúc chia tay nhau, bác luôn quan tâm tới tôi, phu nhân và các con tôi không khác gì cha và con, ông và cháu. Với tư cách là một nhà chính trị và tư lệnh quân đội, tôi luôn coi bác là nhà chiến lược tài ba về quân sự và chính trị mà tôi chưa từng gặp người nào như vậy ở các nước khác".

Theo NLĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

​13h hôm nay (26/7), Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi lễ Quốc tang, đồng thời ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và quê nhà Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng nay, 26/7, tiếp tục Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay 26/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức trọng thể đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) từ 7h đến 13h.

Sáng nay, 26 7, tiếp tục Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc

Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), cùng thời gian này tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc
Nhật Bản long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Shinzo Abe

Chiều 27/9, Chính phủ Nhật Bản đã long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Shinzo Abe tại Võ Đạo quán Nhật Bản (Nippon Budokan) ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là quốc tang thứ hai dành cho một cựu thủ tướng trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai ở Nhật Bản.

Nhật Bản long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Shinzo Abe

TIN MỚI

Return to top