ClockThứ Năm, 31/05/2018 17:16

Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập để phòng chống tham nhũng

TTH.VN - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế - Nguyễn Chí Tài khẳng định như vậy tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 31/5.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận 3 dự án LuậtGắn tăng trưởng với đảm bảo an sinh xã hộiKỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hộiĐại biểu Quốc hội kỳ vọng vào phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIVĐưa nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hộiQuan điểm khác nhau về bổ sung hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận chiều 31/5 . Ảnh: Quốc Vương

Bổ sung đối tượng, quy định rõ hành vi

Mở đầu buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế Nguyễn - Chí Tài cho rằng, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi là dự án Luật quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên cần được đánh giá, cân nhắc kỹ để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ nhất, về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, ở phần lực lượng vũ trang, đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị cần bổ sung thêm chức danh phó trưởng công an xã. Vì trong Luật Phòng chống tham nhũng chỉ mới đề cập đến đối tượng là phó trưởng công an phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong Luật Công an Nhân dân chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến có quy định phó, trưởng công an cấp xã phải là lực lượng công an chính quy.

Thực tiễn, ngay tại Thừa Thiên Huế, có những xã trọng điểm, tình hình an ninh chính trị phức tạp, xã địa bàn vùng giáp ranh với các tỉnh đã được bố trí công an chính quy. Vì vậy, cần thống nhất bổ sung thêm chức danh phó trưởng công an xã, phường, thị trấn trong đối tượng này.

"Về các hành vi tham nhũng ở điều 2 có 12 hành vi. Ở khoản 8 có hành vi “đưa hối lộ, môi giới được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”, theo quy định là chưa chặt chẽ. Đề nghị bỏ cụm từ “được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn” bởi đưa hối lộ mà lại giải quyết công việc vì vụ lợi thì chắc chắn cấu thành hành vi tham nhũng. Tại khoản 11 cũng quy định 1 hành vi tham nhũng đó là “không thực hiện nhiệm vụ công vụ vì vụ lợi”, đề nghị bổ sung thêm “không thực hiện” hoặc “thực hiện không đúng, không đầy đủ” để đảm bảo sâu hơn", đại biểu Nguyễn Chí Tài nói.

Về điều 3 giải thích từ ngữ sửa đổi, bổ sung, trong mục 2 ở mục người có chức vụ, quyền hạn, đại biểu Nguyễn Chí Tài thống nhất những gì ghi trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một nhóm người có chức vụ, quyền hạn, đó là “người giữ chức danh trong các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp”. Điều này phù hợp hơn với thẩm quyền trong mực kiểm soát tài sản thu nhập, bổ sung quy định này sẽ phù hợp với khoản 4, điều 32 (phương án 2) về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập có nói đến đối tượng này.

Ở điều 5 và điều 72 về quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng của công dân, đại biểu Nguyễn Chí Tài thống nhất như dự thảo là “công dân có quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng và được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, theo ông Tài, trong dự thảo luật chưa quy định cụ thể về cách thức, cơ chế thực hiện quyền bảo vệ, cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ và bảo vệ như thế nào. Ông Tài cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng cần xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng để đưa vào luật cho cụ thể, đảm bảo hơn nữa việc khuyến khích công dân phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng.

Tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Các đoàn ĐBQH tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5. Ảnh: Quốc Vương

Về xử lý tài sản, thu nhập không kê khai tại điều 59, đại biểu Nguyễn Chí Tài thống nhất với một số ý kiến các đại biểu. Tuy nhiên, ông Tài nhận thấy qua cơ sở giải thích ý kiến của thanh tra vẫn chưa hợp lý, đồng thời đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá lại cơ sở pháp lý và vấn đề triển khai thực hiện như thế nào để đưa ra một phương án cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao.

"Về thực hiện minh bạch kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, điều 99 tại khoản 2 quy định người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng như trong quy định tôi thống nhất. Nhưng ở đây có một số chức danh rất quan trọng như chủ tịch hội đồng thành viên, hay là chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn chưa quy định. Chủ tịch và thành viên đại diện quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán cũng chưa quy định. Cần bổ sung đối tượng này vào thực hiện kiểm kê khai, minh bạch tài sản của người có chức. Tại khoản 3 quy định về ban kiểm soát trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ theo quy định của khoản 2 điều này quy định chưa hợp lý. Bởi vì trưởng ban kiểm soát vừa là đối tượng kê khai, đồng thời là người chịu trách nhiệm kiểm soát chính của việc kê khai là không hợp lý. Như vây là “vừa đá bóng, vừa thổi còi", đại biểu Nguyễn Chí Tài nêu ý kiến.

.Điều 112 về xử lý trong việc thực hiện công khai, minh bạch, đại biểu Nguyễn Chí Tài thống nhất người chịu trách nhiệm về thực hiện công khai, minh bạch theo kết luận của cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ áp hình thức kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo. Theo ông Tài phải có thêm một cụm từ nữa là “cách chức” trong trường hợp tham nhũng được cử tri và người dân phản ảnh để tạo răn đe, phòng ngừa tốt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng.

"Ở điều 117 quy định xử lý hành vi vi phạm về hời hạn kê khai tài sản không minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, tại khoản 2 tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “kể từ ngày phải kê khai, giải trình mà không có lý do chính đáng” sau cụm từ “từ 30 ngày làm việc trở lên” và khoản này nên viết lại như sau: Người chậm kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập từ 30 ngày làm việc trở lên kể từ ngày phải kê khai, giải trình mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo”", đại biểu Nguyên Chí Tài đề nghị.

Thái Bình- Tấn Trọng (ghi)           

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top