ClockThứ Hai, 26/03/2018 05:45

Khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán: Chưa tuân thủ về chiều sâu, phạm vi mỏ

TTH - Khai thác cát ngoài phạm vi các mỏ được UBND tỉnh cấp phép ở khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) diễn ra rầm rộ cả ngày và đêm.

Khai thác cát sỏi trái phép ở hạ nguồn suối VoiGiám sát việc khai thác cát ở Phong Điền

Ngoài cắm cờ trên bờ, phía dưới lòng sông, các chủ mỏ không thực hiện quy định cắm phao chỉ dấu

Không có phao định vị

Có mặt ở khu vực tả ngạn và hữu ngạn sông Hương đoạn qua bãi bồi Lương Quán (thuộc địa phận phường Thủy Biều (TP. Huế) và Hương Hồ (TX. Hương Trà), chúng tôi chứng kiến hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ với khối lượng từ vài chục đến cả trăm m3 cát, vào “ăn” cát ngoài phạm vi mỏ của các doanh nghiệp (DN) tại đây.

Khu vực bãi bồi Lương Quán được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 6,3 ha cho các đơn vị gồm: Công ty CP TMDV Hồng Phát (2,07ha), Công ty CP Châu Thành Phát (2,1ha) và Công ty CP XD 939 (2,1 ha). Mục đích của dự án nhằm khai thác cát, sỏi để cung cấp nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh, kết hợp khơi thông dòng chảy.

Ông Quang, đại diện chủ mỏ thuộc Công ty CP Châu Thành Phát khẳng định: Các tàu tới mua cát, khai thác cát đều được đơn vị xuất phiếu, có tàu hướng dẫn vị trí khai thác nằm trong phạm vi mỏ. Việc khai thác cát được tiến hành từ 5 giờ 30 sáng đến 18 giờ tối. Chúng tôi chỉ cho lấy cát trong phạm vi mỏ, còn khai thác bên ngoài là cảnh sát đường thủy, thanh tra môi trường xử lý. Thực tế đã có nhiều tàu không mua cát ở mỏ, của người dân tự lấy cát bên ngoài bị xử phạt.

Theo quan sát, ở khu vực mỏ cát của các đơn vị này, chỉ có cắm cờ trên bờ, không có phao chỉ dấu dưới nước đánh dấu phạm vi mỏ. Ông Quang cũng như đại diện các chủ mỏ được cấp phép ở đây đều thừa nhận, trước đây có cắm phao chỉ dấu phạm vi mỏ giữa lòng sông nhưng nay đã bị hỏng hết, nên chỉ “ước lượng” bằng mắt thường. “Mỗi năm, công ty tôi bị thiệt hại 70 triệu đồng tiền phao và cáp chỉ dấu. Do khi tàu thuyền ra vào khai thác cát cuốn đi”, ông Quang phân trần.

Do không có phao định vị nên các tàu thuyền ở đây “tùy nghi” khai thác. Trong nhiều ngày, PV đã có mặt ở khu vực 8, phường Hương Hồ (TX. Hương Trà), để quan sát quá trình khai thác cát “chui” ngoài phạm vi mỏ từ bãi bồi Lương Quán. Sáng 21/3, có khá nhiều tàu thuyền ngang nhiên lấy cát nằm cách bờ bên Hương Hồ chỉ chừng 50-60m, thậm chí đi sát vào bờ.

Bà Nguyễn Thị Trúc, một người dân ở khu vực này nói: “Tàu họ làm cả ngày lẫn đêm, không “phao phẹc” chi hết, mạnh ai nấy hút, người dân không giám sát được. Ở đây có cả tàu mua cát ở mỏ và tàu cát của người dân Phú Vang lên khai thác “chui”. Bờ kè hơn 100m qua khu vực 8 này bị sạt lở, Nhà nước mới bỏ tiền làm lại. Nếu cứ khai thác kiểu như thế này thì bờ sông bên này của Hương Hồ sẽ sạt xuống sông hết”.

Tại đây, tình trạng tàu khai thác cát sát bờ sông, nằm xa phạm vi mỏ được cấp phép diễn ra khá rầm rộ, mặc dù có một trạm chốt của lực lượng CSGT đường thủy gần khu vực này.

Đã xử phạt nhiều lần

Ông Võ Bá Bình, cán bộ Địa chính- Môi trường phường Thủy Biều cho biết, đến nay các DN được cấp phép tại bãi bồi Lương Quán đã tiến hành đền bù xong phần đất bị ảnh hưởng của các hộ dân. Trước đây, người dân trên địa bàn phường từng có đơn phản ánh lên cơ quan chức năng tình trạng khai thác cát ở khu vực bãi bồi Lương Quán không tuân thủ quy định về chiều sâu, phạm vi mỏ mà DN khai thác.

Người dân cho rằng, việc khai thác sâu sẽ ảnh hưởng đến địa tầng ở đây gây tình trạng sạt lở, sụt lún về lâu dài. Sau khi phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, địa phương đã đề xuất cấp trên xử lý hành chính một số trường hợp các chủ mỏ vi phạm. “Phường đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên về việc kiểm tra, tăng cường giám sát việc khai thác cát ở khu vực bãi bồi. Địa phương chỉ có vai trò phối hợp, tham mưu, còn việc đo đạc kiểm tra, giải quyết phải có máy móc và thuộc thẩm quyền của UBND TP. Huế, Sở TN&MT”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Đại Mạnh Lân, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho rằng, việc cắm mốc ranh giới vị trí khu vực mỏ ở bãi bồi Lương Quán đã được các DN thực hiện và Sở TN&MT vẫn tiến hành kiểm tra thường xuyên. “Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong quy trình hoạt động khai thác mỏ tại bãi bồi Lương Quán thực hiện theo quy định pháp luật, trong đó Sở TN&MT đã kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về khoáng sản, môi trường đất đai. Từ năm 2015 đến nay, đã thanh, kiểm tra nhiều đợt và đã phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hương đoạn qua bãi bồi Lương Quán”, ông Lân thông tin.

Trước đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát đặc biệt việc tuân thủ các đề án đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh hàng tháng về dự án khai thác cát tại bãi bồi Lương Quán. Đối với các đơn vị khai thác gần xong khối lượng khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác xem xét kỹ công tác hoàn trả mặt bằng đảm bảo cảnh quan môi trường, an toàn khu vực phục vụ cho việc nghiên cứu các dự án du lịch khu vực Thủy Biều.

Mất an toàn giao thông đường thủy

Tình trạng khai thác cát bát nháo tại bãi bồi Lương Quán đang “đe dọa” hoạt động giao thông đường thủy tại đây khi tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đối với tàu du lịch hoạt động trên sông Hương. Tại khu vực này, hàng ngày có hàng trăm lượt tàu du lịch qua lại, không có sự phân luồng thả phao nổi, biển báo đường thủy giúp các tàu du lịch di chuyển đúng luồng tuyến, an toàn qua khu vực này.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

TIN MỚI

Return to top