ClockThứ Năm, 25/08/2016 05:46

“Võ công truyền quốc sử Văn đức quán nhân tâm”

TTH - Đó là câu đối của GS. Vũ Khiêu mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tròn 85 tuổi (1996). Sự đánh giá tổng quát đó sâu sắc nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ độ bao quát. “Võ công” của Võ Nguyên Giáp đã vượt ngoài phạm vi quốc gia. “Văn đức” của ông không chỉ chinh phục nhân tâm Nhân dân Việt Nam mà chinh phục nhân tâm cả nhân loại...

Vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất

Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự trong thế kỷ XX không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Không ai nghi ngờ điều đó. Tài thao lược của Võ Nguyên Giáp thường được đánh giá bằng hai từ: kiệt xuất. Cố Thượng tướng GS. Hoàng Minh Thảo, nhấn mạnh: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”. Những đánh giá về tài cầm quân của tướng Giáp đến từ mọi nơi trên thế giới đều có nội dung tương tự.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet

“Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”, đó là đánh giá của nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình về Võ Nguyên Giáp (1992).

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”. Tổng Tư lệnh lực lượng Mỹ trên chiến trường Việt Nam (1964 - 1968) W. Westmoreland cũng ghi nhận: “Ông Giáp có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”.

Truyền thống quân sự Việt Nam là “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, dĩ nhu xử cương v.v. Đó là cách đánh sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn, mạnh. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, kiên quyết tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà biết kết hợp bảo toàn lực lượng để tiết kiệm sức quân, tiết kiệm sức dân, bảo đảm kháng chiến lâu dài... Đây cũng là những nét văn hóa quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Sự độc đáo đó đã có cơ sở từ bề dày ngàn năm giành và giữ nền độc lập của các thế hệ cha ông. Đó cũng là cách “cầm quân” của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam” sau khi điểm qua quá trình chỉ huy của vị Tổng Tư lệnh nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay nhận xét rằng: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”

Một danh tướng đậm chất nhân văn

Khi đánh giá một võ tướng người ta hay dùng chữ trung, chữ trí, chữ dũng, chữ công. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ta còn thường nói tới chữ văn, chữ đức, chữ nhân. Một tên khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều người biết là Văn. Có câu chuyện kể rằng, khi một học giả nước ngoài nêu câu hỏi: “Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm một câu hỏi: Tại sao khi lựa chọn một “võ tướng”, Hồ Chí Minh lại giao trách nhiệm “cầm quân” cho một nhà sử học, một nhà văn hóa. Mỗi người có thể đưa ra câu trả lời khác nhau, song lịch sử đã cho thấy sự lựa chọn của Hồ Chí Minh là hoàn toàn xác đáng. Võ Nguyên Giáp là người thực hiện trực tiếp và xuất sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của dân tộc - một phần đáng tự hào của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam - trong thời đại mới, góp phần quan trọng phát triển hoàn thiện Học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng còn là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh với gần 100 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người anh của nhiều thế hệ tướng lĩnh và chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Là Tổng Tư lệnh nhưng ông đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết. Thượng tướng Trần Văn Trà viết: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.

Võ Nguyên Giáp - tướng Giáp, anh Văn - như mọi người quý trọng và thân thiết gọi ông - là người chỉ huy văn võ song toàn, là một Tổng Tư lệnh đức tài trọn vẹn. Nhân dân trân trọng ông ở cái tâm vì nước, ở cái đức vì dân. Truyền thống đánh giặc thao lược và nhân văn của dân tộc được Võ Nguyên Giáp làm tỏa sáng đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trong thế kỷ XX rực lửa.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sáng 29/12, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; tặng quà người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Dâng hoa tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Lê Đức Anh

Nhân kỷ niệm 80 năm Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/2024), ngày 11/12, Đoàn Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phường Thuận Hòa, TP. Huế) và tưởng niệm Đại tướng Lê Đức Anh tại Nhà Văn hoá - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh (xã Lộc An, huyện Phú Lộc).

Dâng hoa tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Lê Đức Anh
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top