ClockThứ Ba, 24/01/2023 13:45

“Bén duyên” với nông nghiệp xanh

TTH - Phát triển bền vững từ nông nghiệp xanh là đam mê và mục tiêu lớn nhất của chàng trai trẻ Lê ngọc Tuân (sinh năm 1992). Anh là một trong 32 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2022, vừa được tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Hai gương mặt của Thừa Thiên Huế nhận Giải thưởng Lương Định Của

Lê ngọc Tuân với đam mê nghiên cứu nhân giống nấm đông trùng hạ thảo

Đam mê nghiên cứu

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên Lê Ngọc Tuân (chuyên ngành Sư phạm Sinh học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế) đam mê nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu. Sở thích đó thôi thúc chàng trai trẻ ấp ủ dự định được sống cùng đam mê.

Năm 2017, sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, Lê Ngọc Tuân quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư và thu được những thành công nhất định. “Thừa thắng xông lên”, Tuân tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nuôi cấy và sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.

Nói về quyết định của bản thân, Tuân cho biết sản xuất nấm dược liệu là thách thức lớn nhất trong ngành sản xuất nấm. Đây cũng là hướng đi còn khá mới ở Thừa Thiên Huế và có nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng thị trường nấm đông trùng hạ thảo.

Các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của Lê Ngọc Tuân được đông đảo khách hàng quan tâm

Đầu năm 2020, Lê Ngọc Tuân quyết định chọn vùng gò đồi quê hương Hương Bình (thị xã Hương Trà) làm nơi dừng chân khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao, với hai nhà xưởng sản xuất nấm bào ngư và đông trùng hạ thảo trên diện tích gần 4000m2, kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Theo Tuân, kinh tế của người dân Hương Bình chủ yếu dựa vào 2 loại cây trồng chính là cao su và keo. Đây là 2 loại cây góp công rất lớn trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương, nhưng lại mang tính mùa vụ và hiệu quả kinh tế không cao. Trăn trở và mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh cùng 6 thành viên khác đã thành lập HTX nông nghiệp xanh Narasa và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Những bước đi đầu tiên

Ngày đầu khởi nghiệp, anh Tuân phải vào tận Đồng Nai để “tầm sư học đạo” mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Nhờ những kiến thức được tích lũy trong hơn 2 năm công tác tại phòng nghiên cứu của một công ty, anh chỉ mất khoảng một thời gian ngắn để nắm vững quy trình, kinh nghiệm và quyết định nhập phôi về Thừa Thiên Huế để thử nghiệm.

Lê Ngọc Tuân tại Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2022

Một trong những khó khăn lớn khi khởi nghiệp vẫn là vốn, đặc biệt là khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một khoản tiền khá lớn. Bắt tay vào thử nghiệm nuôi cấy phối nấm đông trùng hạ thảo, không ít lần anh Lê Ngọc Tuân gặp thất bại do nhà xưởng, thiết bị chưa đạt chuẩn do thiếu kinh phí. Cũng từ đó mà anh tập trung nghiên cứu, ứng dụng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được để tự chế các máy móc, dụng cụ cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí.

Anh Tuân bộc bạch, nghiên cứu đặt nền móng cho sản phẩm đã lắm gian nan thì câu chuyện phát triển, mở rộng kinh doanh sản phẩm lại thêm phần khó khăn. Những ngày đầu, nấm đông trùng hạ thảo của HTX chỉ có sản phẩm tươi và sản phẩm sấy khô, rất khó để tiếp cận và chinh phục khách hàng. Động lực đó khiến anh tiếp tục “vùi đầu” nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều cách chế biến, kết hợp nhằm đa dạng hóa dòng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo.

Đầu năm 2021, HTX phát triển thành công thêm nhiều dòng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khác nhau từ trung cấp đến cao cấp, như: Sấy khô thượng hạng, yến chưng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, rượu đông trùng hạ thảo... Nhờ được đầu tư bao bì, đóng gói chỉn chu nên sản phẩm ngày càng được hoàn thiện và được đông đảo khách hàng biết đến. Cũng từ đó mà anh Tuân cùng các cộng sự đã thành lập showroom và văn phòng đại diện tại TP. Huế, xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing để tiếp tục phát triển thương hiệu.

Đến nay, thương hiệu Narasa đã có thêm nhiều showroom nhượng quyền tại tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sau gần 3 năm xây dựng, doanh thu đến năm 2021 của HTX gần 3 tỷ đồng và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ.

 “Khát vọng xanh”

Chia sẻ niềm vui khi nhận Giải thưởng Lương Định Của, Lê Ngọc Tuân cho rằng đây không không chỉ vinh dự mà còn là may mắn khi được “bơi ra biển lớn”, có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những bạn trẻ cùng chung chí hướng lập nghiệp. Cũng từ đó bản thân cảm thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục phát triển thương hiệu mới có thể gắn bó được với đam mê làm nông nghiệp xanh. Về lâu dài, HTX sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thêm nhà xưởng nhằm mang đến những sản phẩm ngày càng chất lượng và vươn xa toàn quốc, hướng đến thị trường quốc tế.

Hiện anh Lê Ngọc Tuân cũng đã thành lập thêm mô hình Narasa Hills - Edu farm, Coffee, BBQ, Camp tại thị xã Hương Thủy. Đây cũng là hướng đi mới giúp xây dựng thương hiệu Narasa theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Thời gian tới, các em học sinh và du khách có thể đến để tham quan và tự tay trải nghiệm sản xuất rau rạch, nấm bào ngư và đông trùng hạ thảo… Ngoài ra, sản xuất, cung cấp rau rạch và các giải pháp trồng rau xanh tại mỗi hộ gia đình cũng hướng kinh doanh tiềm năng.

“Thương hiệu “Narasa” là viết tắt của “Nấm - Rau sạch”. Đây cũng là kim chỉ nam của bản thân và các cộng sự nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên chính mảnh đất quê hương, góp xây dựng cuộc sống xanh cho mọi người”, anh Lê Ngọc Tuân chia sẻ về dự định tương lai.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giống lúa mới “bén duyên” miền quê A Lưới

Hai giống lúa mới chất lượng cao HG244 và HN6 được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đưa vào gieo cấy trong vụ hè thu 2024, phù hợp với chân ruộng tại miền núi A Lưới, đạt năng suất trên 60 - 70 tạ/ha.

Giống lúa mới “bén duyên” miền quê A Lưới
Dưa lưới công nghệ cao bén duyên rú cát

Trên rú cát rộng bao la ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) mới đây xuất hiện trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời hứa hẹn mang lại hiệu quả về kinh tế cao với năng suất, chất lượng vượt trội.

Dưa lưới công nghệ cao bén duyên rú cát
Hướng đến nông nghiệp xanh

Hướng đến nền “nông nghiệp xanh”, bền vững được xác định là mục tiêu, hướng đi phù hợp của tỉnh trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hướng đến nông nghiệp xanh
Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

Nhiều năm qua, từ chủ trương của Đảng, quyết nghị của của Quốc hội, Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã thực hiện một số chính sách, trong đó phải kể đến Quyết định Số 994 /QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững ( 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

TIN MỚI

Return to top