ClockThứ Hai, 23/09/2019 15:08

“Phi công huyền thoại” Nguyễn Văn Bảy đã bay theo những cánh chim trời

Từ tối 22/9, người dân ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp truyền tin nhau ông Bảy đã mất tại Bệnh viện quân y 175 (TP HCM) do xuất huyết não, hưởng thọ 84 tuổi. Người dân vùng quê nói với nhau trong sự xúc động, nghẹn ngào mà như là báo tin buồn về một người thân trong gia đình mình.

Ông Bảy vui với ruộng vườn lúc tuổi già.

Làng xóm buồn hiu vắng bóng ông

Giờ đây, căn nhà nhỏ giản dị nằm giữa cánh đồng, bên cạnh một ruộng nấm rơm vắng đi bóng dáng của một con người bình thường đã làm nên huyền thoại. Ao cá phía sau nhà lặng sóng, những cánh sen không một cơn gió lay. Cảnh vật cũng biết buồn khi phải xa mãi người chủ gắn bó với mình nhiều năm qua: Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công không quân nhân dân Việt Nam.

Ông là một trong số ít phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.

Còn với người dân vùng đất sen hồng nơi ông sinh ra, lớn lên và sinh sống những ngày cuối đời, ông Bảy là một huyền thoại sống. Từ một người nông dân miền Tây chân chất, ông đã được đào tạo để trở thành 1 phi công lái máy bay và nhiều lần làm kẻ thù khiếp sợ.

Người dân nơi đây nhớ mãi vì ông đã làm nên niềm tự hào, rằng, chúng ta không phải là những phận người An Nam nhụt khí, mà có thể là những chiến binh lao vút vào không trung, chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, Tổ quốc mình.

Phi công Nguyễn Văn Bảy đạt đẳng cấp ACES bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ.

“Đất nước hòa bình – tao trở về với đồng ruộng”

Là câu nói ấn tượng, đậm chất Nam bộ của “phi công huyền thoại” khi trả lời phóng viên “Vì sao ông không ở lại thành phố an nhàn tuổi già?”. Trong nhiều lần nói chuyện, chưa khi nào ông tự nhận hoặc nhắc đến danh hiệu cao qúy “phi công huyền thoại” mà đồng chí, đồng đội và nhân dân đặt cho mình.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1935 tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông Bảy sinh ra trong một gia đình nghèo, có đến 10 anh em, ông là người con thứ 7 và do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên cái tên Nguyễn Văn Bảy dần thành tên chính.

Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành lớp đào tạo, tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.

Trong thời gian 1965-1968, ông tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES.

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, ông nghỉ hưu, rồi làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009, gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.

Còn nhớ lại khi đặt vấn đề vì sao ông lại chọn nơi còn nhiều khó khăn để sinh sống lúc tuổi già, ông Bảy tâm sự rất thật: “Tôi là con em nông dân, lớn lên lúc nước mất nhà tan, thân trai ra đi đền nợ nước. Xong chuyện nước non, đất nước hòa bình, phát triển thì tôi lại trở lại với đồng ruộng ở chính nơi mình sinh ra thôi”.

Người vinh dự nhiều lần gặp Bác

Trong những lần về thăm ông tại quê nhà Lai Vung, chúng tôi đã được dịp nghe ông kể những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ông kể được gặp Bác khi cùng 2 đồng đội được Bác trao Huy hiệu sau khi được phong Anh hùng về thành tích bắn hạ máy bay Mỹ. Sau đó, ông có thêm 6 lần được trao Huy hiệu Bác Hồ, lúc thì Bác trực tiếp trao, lúc do lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân trao. Nhiều lần Bác đến thăm đơn vị, ông đều được thay mặt để báo cáo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với Bác.

Ông kể cuối năm 1967, sau khi đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ, chính Bác Hồ đã gợi ý cấp trên không nên để ông tiếp tục trực tiếp nghênh chiến với máy bay Mỹ, mà lui về làm công tác huấn luyện, điều hành. Sau này, ông mới được biết lý do là Bác lo ngại những phi công chiến đấu hàng đầu nếu trực tiếp tham gia có thể hy sinh, tổn thất sẽ rất lớn trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ quyết liệt.

Trong những ngày đau thương của cả dân tộc, đầu tháng 9/1969, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy có một vinh dự lớn là được Quân chủng Phòng Không- Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ. Trong 2 ngày đêm cùng đồng đội thay phiên nhau canh trực bên linh cữu Người, ông phải tự động viên thật bản lĩnh để đứng nghiêm, không biểu lộ cảm xúc, trong khi trong lòng nước mắt trào dâng trước mất mát đau thương tột cùng. Sau mỗi lần được đổi ca trực kéo dài khoảng 30 phút, trở vào phòng nghỉ, ông và các đồng đội lại ôm nhau khóc.

Ngày 9/9/1969, cũng chính ông là người lái chiếc Mig-17 dẫn đầu biên đội bay thấp trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người.

Về miệt vườn sinh sống những tháng ngày cuối đời, thấy cảnh người dân nghèo chưa có điện, ông Bảy vận động doanh nghiệp, bà con góp tiền cùng chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê. Nhiều người dân nơi đây cho biết, hàng tháng ông dùng số lương hưu của mình, tiền hoa lợi từ vườn cây, ao cá, cho thuê đất trồng lúa để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh và những cựu chiến binh đang khó khăn; thường xuyên góp gạo từ thiện cho Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật địa phương.

Ông hay được mời đến các trường học trên địa bàn để nói chuyện lịch sử với thầy cô và học sinh. Mang đậm nét đặc trưng miền Tây, thi thoảng vào chiều muộn, ông cùng bà con, hàng xóm quây quần ngồi lai rai vài ly rượu gạo với con cá lóc nướng trui, cuộn vài lá sen non. Những lúc này, ông thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ ở địa phương về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bộ đội ta; đồng thời, trong suy nghĩ, ông luôn kỳ vọng vào sự tiếp nối thành công của thế hệ trẻ.

Phi công huyền thoại trong mắt cựu thù

Đường đến nhà ông Bảy phải đi theo quốc lộ 80 dọc bờ sông Hậu về phía thượng nguồn 12 cây số tới huyện Lai Vung, rẽ vào con đường nhỏ, đi tiếp chừng 4 cây số, rồi lại rẽ vào con đường nhỏ hơn chừng 2 cây số. Khó khăn trong đi lại nhưng đã có nhiều cựu phi công của nước Mỹ đã cất công tìm đến xóm nhỏ này, trong đó có Trung tướng Steve Ritchie, được cho là phi công Mỹ giỏi nhất trong cuộc chiến Việt Nam và đại tá - tiến sĩ Marshall L.Michel, người có nhiều công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Họ đã đến đây chỉ để gặp cho bằng được một phi công Việt Nam đã bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES.

Những ngày gần đây, biết tin anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bất ngờ đổ bệnh, nhiều cựu phi công Mỹ đã lo lắng gửi điện hỏi thăm, nhờ Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân đăng lên Facebook.

“Kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, chắc chắn ông sẽ luôn đứng đầu trong các phi công của mọi thời đại. Nhưng những nỗ lực của ông trong hòa bình và hòa giải có thể còn quan trọng hơn nữa khi tình bạn giữa các nước chúng ta và giữa các đối thủ trước đây đã phát triển. Biết ông, đối với bản thân tôi là một điều đặc biệt trong cuộc đời. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông những điều tốt lành", Rick Hartnack - cựu Thuyền trưởng USMC và người hỗ trợ F-4 với phi công Charlie Tutt đã viết như vậy.

"Gửi đến ông Nguyễn Văn Bảy, tôi rất tiếc được biết tin ông nhập viện. Mong ông nhanh chóng bình phục, mình còn lời hẹn lần tới tôi và ông sẽ so "râu" cơ mà? Tôi vẫn thường mặc chiếc áo thun in hình chụp chung của tôi với ông, mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông. Trân trọng", Curt Dose.

Không hông ai có thể tránh khỏi quy luật của cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện về một người anh hùng sống giản dị, không màng danh lợi, chân chất với ruộng đồng cho đến phút cuối đời, thật chan hòa và đẹp làm sao.

Vĩnh biệt ông – người phi công huyền thoại. Người con anh hùng của đất mẹ sen Hồng.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top