ClockThứ Bảy, 04/05/2024 06:50

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

TTH - Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là kết tinh của nhiều yếu tố, là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà đỉnh cao là quán triệt, vận dụng sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, “dĩ bất biến” là tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị; còn “ứng vạn biến” là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đó là một quyết định hết sức khó khăn nhưng đúng đắn, sáng tạo, dựa trên tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, phù hợp với diễn biến chiến trường của Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mà đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Những hình ảnh ấn tượng tại lễ sơ duyệt diễu binh, diễu hành chuẩn bị Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên PhủChiếu phim tài liệu mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ

 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, cờ giải phóng của ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ảnh: Tư liệu

“Đánh chắc thắng” - tư tưởng “ dĩ bất biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước ngày lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại; trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (1). “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Ðánh ăn chắc tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn” (2).

Lời căn dặn của Bác với quan điểm: “Chắc thắng mới đánh” chính là “bất biến” còn “Tướng quân tại ngoại; trao cho chú toàn quyền quyết định” là “ứng vạn biến”. Đây là cơ sở quan trọng, tạo động lực, củng cố quyết tâm để Đại tướng đưa ra quyết định lịch sử thay đổi phương châm tác chiến.

“Ứng vạn biến” thay đổi phương châm tác chiến - Quyết định lịch sử

Ban đầu phương châm chiến dịch được Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngày 14/1/1954, tại Thẩm Púa, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phê chuẩn kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ theo phương châm đó.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, qua theo dõi phân tích tình hình, ngày 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho dừng nổ súng để chuyển sang phương châm mới là “đánh chắc, tiến chắc”. Có sự thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch là vì địch đã không còn phòng ngự lâm thời, khi đã tăng quân số lên 12 tiểu đoàn, 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội xe tăng, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội vận tải, 1 phi đội máy bay, với hệ thống công sự kiên cố vững chắc, liên hoàn, hỏa lực mạnh. Chia thành 3 phân khu, với 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm cứ điểm, mỗi cứ điểm và cụm cứ điểm có khả năng độc lập tác chiến. (Quá trình chiến dịch, địch tăng viện 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội dù và các lực lượng khác khoảng 4.000 tên, đưa tổng quân số của Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 16.200 tên).

Địa hình Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300km, cách Luông Pha Băng 190km, có chiều rộng (Đông - Tây) từ 6 - 8km, chiều dài (Bắc - Nam) 18 - 20km nằm giáp biên giới Việt - Lào. Bao bọc xung quanh là một vùng rừng núi trùng điệp, độ cao trung bình 500m, có các mỏm đột xuất cao tới 1.461m, độ dốc lớn, án ngữ các con đường vào khu trung tâm. Khó khăn cho ta là khi pháo vào gần, khó giữ được bí mật khi tác chiến ban ngày, bộ đội dễ bị hỏa lực địch sát thương, các sông suối chia cắt. Địa hình có lợi cho phòng ngự, bất lợi cho tiến công, không cho phép chiến dịch triển khai “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Từ những yếu tố khó khăn của ta và những thuận lợi về quân số, vũ khí trang bị, khả năng phòng ngự của địch đã được thực dân Pháp tính toán một cách khoa học, đặc biệt là khâu cơ động chiếm lĩnh trận địa các loại pháo và tiếp tế, vận chuyển bảo đảm hậu cần cho chiến dịch của ta, từ đó địch tự tin khẳng định: “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”.

Hơn nữa, công tác chuẩn bị của ta cho tác chiến của chiến dịch chưa hoàn chỉnh, pháo binh chưa vào chiếm lĩnh xong, hướng Đại đoàn 312 hậu cần chưa bảo đảm đủ; bộ đội lại chưa có kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng quy mô lớn; cán bộ, chiến sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm tiến công tập đoàn cứ điểm, các biện pháp hạn chế hoả lực địch chưa chắc chắn.

Do vậy, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không bảo đảm chắc thắng”. Ngược lại với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta có điều kiện chủ động về thời gian, chủ động lựa chọn mục tiêu, mục tiêu nào thấy chuẩn bị chắc thắng thì đánh, cho phép chiến dịch tập trung ưu thế tuyệt đối vào từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng, phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến, tạo điều kiện cho chiến dịch vận dụng linh hoạt được các hình thức chiến thuật trong quá trình tiến công (đánh từng bước, xây dựng trận địa bao vây tiến công, triệt đường tiếp tế của địch).

“Đánh chắc, tiến chắc” sẽ hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch đó là hỏa lực pháo binh và không quân, đồng thời khoét sâu chỗ yếu của chúng là bao vây cô lập, tiếp tế tăng viện khó khăn. Đồng thời, hạn chế thương vong của bộ đội ta do hỏa lực địch gây ra và phù hợp với trình độ của bộ đội lúc bấy giờ (bộ đội lúc đó mới có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt từng cụm cứ điểm cỡ 1 tiểu đoàn địch, nay tiến lên tiêu diệt cụm cứ điểm nằm trong tập đoàn cứ điểm).

Từ những lý do trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là hoàn toàn đúng đắn, khoa học và thực tế đã chứng minh cho sự đúng đắn đó.

Quán triệt chủ trương “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị là bất biến; tuy nhiên, việc lựa chọn phương châm tác chiến sao cho phù hợp với thực tiễn chiến trường là sự thể hiện “ứng vạn biến”, tài thao lược của người cầm quân. Đó không chỉ là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của trận Ðiện Biên Phủ mà còn làm thay đổi vận mệnh dân tộc, kết thúc chặng đường lịch sử vẻ vang trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập luận văn, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

2. Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 14, H.2001, tr.59.

MẠNH HÙNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

70 năm Hiệp định Geneva: Hiệp định mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới

Theo Tổng biên tập tờ Resumen Latinoamericano của Argentina, ông Carlos Aznarez, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, việc đàm phán và ký kết Hiệp định Geneve ngày 21/7/1954, cách đây 70 năm, là một mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

70 năm Hiệp định Geneva Hiệp định mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới
Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) bắt đầu, mặc dù Thừa Thiên Huế còn là vùng “tạm chiếm” của đối phương, nhưng rất nhiều người con của Cố Đô, do chuyển ra các tỉnh phía bắc từ trước, đã tham gia Chiến dịch ĐBP trên nhiều cương vị khác nhau. Trong số đó, có 3 nhân vật do chút “duyên” quen biết, từ nhiều năm trước...

Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:
Một sự lựa chọn của lịch sử

Cách đây 40 năm, vào tháng 2/1984, Hội Khoa học Hoàng gia Vương quốc Anh tổ chức xét phong, bình chọn ra 10 vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, trong đó Việt Nam tự hào có 2 vị được đưa vào danh sách này - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một sự lựa chọn của lịch sử

TIN MỚI

Return to top