ClockThứ Bảy, 16/07/2016 14:21

Bát nháo hướng dẫn viên tự do

TTH - Tại các điểm tham quan, tình trạng hướng dẫn viên (HDV) vi phạm các quy định của ngành du lịch khá nhiều. Bất chấp pháp luật, một số điểm di tích xuất hiện người nước ngoài hành nghề HDV.

Biết nhưng khó kiểm soát

Điều 76, Luật Du lịch quy định HDV du lịch có nghĩa vụ “đeo thẻ HDV trong khi hướng dẫn du lịch”. Nhưng tại một số điểm tham quan, khá nhiều HDV du lịch hành nghề không đeo thẻ trong lúc thuyết minh cho du khách. Họ thuộc nhiều Công ty lữ hành từ các tỉnh, thành khác dẫn khách đến Huế.

Theo quy định, hướng dẫn viên phải đeo thẻ khi dẫn khách đi tour. Ảnh: Thu Thủy

Tại chùa Thiên Mụ, trong vài giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi ghi nhận gần chục HDV hoạt động không thẻ. Một HDV đang thuyết minh về chiếc xe ô tô – di vật của Hòa thượng Thích Quảng Đức cho du khách nước ngoài thấy chúng tôi ghi hình liền… bỏ đi nơi khác. “Trong suốt thời gian tham quan, chúng tôi được anh H. giới thiệu, thuyết minh các điểm đến nhưng không thấy anh này đeo thẻ HDV du lịch”, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh nói.

Tình trạng HDV du lịch không đeo thẻ cũng xuất hiện tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Một cán bộ kiểm soát vé tại lăng vua Khải Định cho biết: “Đa số HDV dẫn khách đến đều có thẻ nhưng cũng có một số không đeo, có thể do họ…quên”?!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh thanh tra Sở Du lịch thừa nhận: “Tình trạng HDV không đeo thẻ khi hành nghề tại các điểm tham quan chắc chắn có và chúng tôi cũng biết. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra của Sở chỉ có 3 thành viên nhưng 2 người chưa được cấp thẻ tác nghiệp độc lập nên khó có thể kiểm soát. Hơn nữa, khi đi thanh kiểm tra phải có sự phối hợp giữa các ban ngành, nhất là Phòng PA81 - Công an tỉnh. Bởi lẽ, nếu lực lượng mỏng, gặp những trường hợp chống đối sẽ khó xử lý”.

Khó kiểm tra năng lực?

"Các đơn vị lữ hành nếu cung ứng đủ HDV sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Đối với Viettravel, khi có như cầu, chúng tôi sẽ tập hợp, điều tiết lực lượng HDV, nếu cần thiết sẽ kí hợp đồng với cộng tác viên. Theo tôi, các đơn vị lữ hành, du lịch chứng minh được nhu cầu nhưng thiếu các HDV ngoại ngữ hiếm thì có thể liên kết với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phân viện Hán Nôm hay các trường đào tạo ngoại ngữ, tuyển chọn các bạn sinh viên có năng lực, sau đó đề xuất Tổng cục Du lịch cấp thẻ tạm thời từng tháng để hỗ trợ. Viettravel trước khi nhận HDV thường kiểm tra kỹ lưỡng về chuyên môn và đạo đức, mọi hành vi khi HDV đi theo đoàn giám sát, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm"
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh tại Huế

Mở rộng về hiện trạng hoạt động HDV du lịch trong khu di sản Huế, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn – Thuyết minh (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nói: “HDV du lịch hoạt động tự do là một vấn nạn. Nếu HDV du lịch người nước ngoài thuyết minh sai về điểm đến khó kiểm soát do không hiểu ngôn ngữ đã đành, nhưng đến HDV du lịch tự do người Việt thuyết minh bằng tiếng Việt mà sai thông tin cũng khó ai quản lý được. Chính quy trình cấp thẻ hành nghề cho HDV du lịch tự do hiện nay quá đơn giản, chỉ quan tâm đến các thủ tục cấp thẻ mà chưa kiểm soát chặt năng lực của người được cấp thẻ nên lực lượng này đang phát triển một cách ồ ạt. HDV tự do không thuộc đơn vị quản lý nào, lại có đủ tư cách pháp lý (có thẻ do Tổng cục Du lịch cấp) ra vào bất cứ điểm tham quan nào nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát nội dung hướng dẫn”.

Ông Nguyễn Thái Hòa cho rằng: “Theo quy định, không có khái niệm HDV du lịch tự do, cụm từ đó do các cá nhân HDV tự đặt ra. Hiện nay, lượng HDV quá đông trong khi các đơn vị lữ hành ít là nguyên nhân xuất hiện “HDV tự do”. “Việc cấp thẻ căn cứ vào chứng chỉ nghiệp vụ HDV của các trường chuyên ngành, đối với HDV quốc tế phải có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn hay có bằng đại học ngoại ngữ; HDV nội địa trình độ trung cấp trở lên và có chứng chỉ lớp đào tạo nghiệp vụ HDV. Về năng lực của HDV chỉ có nơi đào tạo hay các đơn vị lữ hành khi tuyển dụng mới đánh giá được, chúng tôi chỉ có trách nhiệm cấp thẻ”, ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở du lịch cho biết thêm.

Thực tế, việc xử phạt HDV du lịch hoạt động không đeo thẻ chỉ cần thông qua việc kiểm tra trực quan, thì việc xử lý HDV thuyết minh sai nội dung về điểm đến còn khó hơn nhiều. Ông Dũng nhìn nhận: “Chỉ có thanh tra du lịch mới có thẩm quyền xử lý việc thuyết minh du lịch không đúng nội dung nếu có đủ chứng cứ. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thanh tra hiện nay thiếu người và hạn chế về khả năng ngoại ngữ, trong khi các tình huống luôn diễn ra bất ngờ và không phải người nào (nếu bắt gặp) cũng mạnh dạn ghi lại để có chứng cứ và tố cáo. Riêng đối với lực lượng HDV tự do, các cơ quan chức năng cần xem xét và quy định chặt chẽ hơn điều kiện cấp, đổi thẻ hành nghề, nhằm nâng cao chất lượng thuyết minh tại các điểm đến”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch thanh kiểm tra hoạt động HDV tại các điểm du lịch. Lực lượng chức năng sẽ triển khai, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Cẩn trọng với HDV nước ngoài 

Việt Nam cấp thẻ HDV du lịch cho 19 ngôn ngữ. Theo ông Trương Thành Minh – Phó phòng Lữ hành Sở Du lịch thì ở Huế, các ngôn ngữ, như Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thái Lan có ít HDV. “Tiếng Tây Ban Nha chỉ có 5 HDV (3 người đã bỏ nghề), Hàn Quốc 8 HDV, Trung Quốc 60 HDV  (9 người đã bỏ nghề)… Do nhu cầu cao trong khi các trường đào tạo chuyên môn về những ngoại ngữ này ít nên nó trở thành ngoại ngữ hiếm, khi có những đoàn khách đến tham quan cần phải sử dụng ngôn ngữ trung gian”, ông Trương Thành Minh nói.

Các HDV, thuyết minh viên không đeo thẻ khi đưa khách tham quan chùa Linh Mụ

Hiện nay, tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện người nước ngoài làm HDV du lịch. Chị Phạm Thị Dung, một HDV lâu năm ở Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, cho biết: “Chưa kể sự có mặt của đội ngũ HDV tự do và HDV suốt tuyến, ngay tại các điểm di tích Cố đô Huế vẫn có tình trạng người ngoại quốc hướng dẫn, thuyết minh về di sản văn hóa Huế. Đến HDV tiếng Việt còn khó kiểm soát thông tin, huống chi là người ngoại quốc. Điều này không chỉ cơ quan làm du lịch địa phương thất thu mà chất lượng dịch vụ, thông tin chính thống của điểm đến cũng không kiểm soát được”.

Ông Nguyễn Việt Dũng, nói thêm: “Trong quá trình hoạt động, thỉnh thoảng anh chị em HDV thông báo có xuất hiện HDV du lịch người Trung Quốc hoạt động, nhưng không phổ biến, dưới hình thức đoàn có HDV người Việt và Trung Quốc. HDV người Việt hoạt động như một bức bình phong, đối phó bằng các thủ tục pháp lý nếu gặp đoàn kiểm tra.

“Theo tôi, tình trạng này trước đây xuất phát từ Hà Nội, khi lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao nên các đối tượng “nhảy” sang các tỉnh, thành khác. Thông qua các đơn vị lữ hành, họ thỏa thuận miệng, núp bóng các HDV người Việt. Chính vì nguồn lợi trên trời rơi xuống, nhiều đơn vị lữ hành giấu giếm”, ông Hòa chia sẻ.

Gần đây, từ sự việc một người Trung Quốc ở Đà Nẵng có hành vi sai trái trong hoạt động hướng dẫn du lịch, Trung tâm BTDTCĐ Huế càng nêu cao cảnh giác để sự việc không tái diễn ở khu di sản Huế. Để ngăn chặn tình trạng HDV ngoại quốc hoạt động trong khu di sản Cố đô Huế, đơn vị đề nghị anh chị em hoạt động trong lĩnh vực HDV có thông tin kịp thời khi bắt gặp sự việc, đồng thời không nhận đoàn khách khi có HDV nước họ đi cùng và quan trọng là cần thuyết minh đúng khi giới thiệu về những nội dung liên quan. “Chúng tôi luôn chú ý đến vấn đề thuyết minh, không chỉ đối với HDV nói tiếng nước ngoài mà còn đối với cả HDV nói tiếng Việt. Ở các điểm tham quan do trung tâm quản lý, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với ngành du lịch và các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động HDV du lịch, hạn chế tối đa những thuyết minh không chính xác về lịch sử văn hóa dân tộc”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, HDV du lịch phải kí hợp đồng có thời hạn với doanh nghiệp lữ hành hoặc hợp đồng cộng tác viên; khi hành nghề buộc phải đeo thẻ và hợp đồng, kèm theo chương trình của đơn vị lữ hành đó. Một đơn vị lữ hành phải có hợp đồng dài hạn với 3 HDV mới đủ điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. “Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi phạt 71 triệu đồng đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, phạt 20 triệu đồng đối với người nước ngoài hành nghề HDV tiếng Hàn Quốc. Đợt thanh tra ngày 9/7, chúng tôi kiểm tra 9 trường hợp và xử phạt 1 trường hợp không đeo thẻ khi hướng dẫn khách; đợt thanh tra lần này kéo dài từ ngày 7/7-7/8”, ông Hòa cho biết.

Bài, ảnh: NHÓM PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”
Hỗ trợ thí sinh tự do tham gia kỳ thi THPT quốc gia

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 là năm cuối cùng thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Vì thế, nhiều thí sinh tự do đăng ký thi lại để xét tuyển vào trường đại học mình mong muốn. Đồng hành cùng thí sinh tự do, các trường THPT tích cực hỗ trợ cho các em từ việc hướng dẫn đăng ký hồ sơ đến ôn tập.

Hỗ trợ thí sinh tự do tham gia kỳ thi THPT quốc gia

TIN MỚI

Return to top