ClockThứ Ba, 20/12/2016 14:31

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 5, sáng 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát

Tờ trình về việc xây dựng Quy chế quy định về công tác phối hợp và trình tự, thủ tục tiến hành một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Quy chế được xây dựng nhằm mục đích thống nhất áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, xử lý kết quả giám sát; giải quyết những vướng mắc thường gặp trong thực tế; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của các chủ thể giám sát.

Quy chế đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; phù hợp với các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định của pháp luật có liên quan; kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát. Quy chế phát huy vai trò điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo số lượng phù hợp, không làm cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm công tác phục vụ hoạt động giám sát thống nhất, chuyên nghiệp.

Dự thảo Quy chế gồm 7 chương, 54 điều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành sự cần thiết và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Quy chế nhằm bảo đảm thực hiện thẩm quyền về giám sát và tổ chức hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội thấy rằng Tờ trình cần đề cập sâu hơn tới những vường mắc, bất cập, hạn chế trong triển khai thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thực tiễn hoạt động giám sát để thấy rõ hơn việc xây dựng Quy chế nhằm khắc phục những tồn tại từ thực tế.

Tán thành với việc Quy chế không quy định lại những nội dung đã rõ trong Luật, tránh quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội... tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thấy rằng mảng giám sát của HĐND là rất cần thiết những do phạm vi và công tác chuẩn bị nên chưa đưa phần hoạt động giám sát của HĐND vào dự thảo Quy chế. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tới đây cần chuẩn bị để có quy chế hoạt động giám sát của HĐND.

Đánh giá hiệu quả hoạt động chất vấn

Quy chế quy định cụ thể về: tiêu chí, cách thức lựa chọn, nguồn thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc trả lời chất vấn bằng văn bản. Việc tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội theo hướng lấy nhóm vấn đề chất vấn làm trọng tâm, những cá nhân liên quan tham gia trả lời chất vấn nhằm đưa ra giải pháp giải quyết triệt để vấn đề chất vấn; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng trả lời các chất vấn thuộc trách nhiệm của các Phó Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phụ trách.

Sau hoạt động chất vấn tại mỗi kỳ họp, ngoài việc ban hành nghị quyết về chất vấn, Quy chế quy định việc xin ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động chất vấn thông qua Phiếu xin ý kiến đánh giá kết quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; quy định này giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở đánh giá được hiệu quả hoạt động chất vấn một cách khách quan, chính xác, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.

Đối với việc tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Quy chế quy định rõ vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó trả lời chất vấn, các cá nhân có liên quan trả lời làm rõ thêm những vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn được giao; cách thức để xác định khi nào thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sau chất vấn.

Dự thảo Quy chế quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đồng thời, cụ thể hóa trình tự, thủ tục này tại khoản 3 Điều 11 dự thảo Quy chế.

Ủy ban Pháp luật có quan điểm, trình tự tiến hành hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là nội dung đã được quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. So với quy định của Luật, dự thảo Quy chế bổ sung mới một số nội dung như quy định về người phát biểu khai mạc, chủ trì, phát biểu kết thúc, bế mạc phiên họp chất vấn. Tuy nhiên, trách nhiệm chủ tọa, điều hành, phân công điều hành các phiên họp của Quốc hội đã được quy định tại Điều 64 và Điều 95 Luật tổ chức Quốc hội, Điều 15 Nội quy kỳ họp Quốc hội, do đó, không cần thiết quy định cứng như trong dự thảo Quy chế. Mặt khác, trình tự tiến hành phiên họp chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy, cần cân nhắc không quy định lại trong Quy chế này.

Tăng hiệu quả giám sát chuyên đề

Giám sát chuyên đề là hoạt động giám sát yêu cầu phải phối hợp nhiều cơ quan, tiến hành trong nhiều tháng, phạm vi rộng; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu không có những quy định cụ thể, chặt chẽ sẽ gặp nhiều vướng mắc, bất cập, hiệu lực, hiệu quả giám sát còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người tổ chức thực hiện.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua đối với giám sát chuyên đề, quy chế quy định cách thức tổ chức các Đoàn giám sát theo định hướng: Trưởng các đoàn công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các đoàn công tác khi làm việc với các cơ quan, địa phương. Quy định cụ thể về nguyên tắc, các phương thức hoạt động của Đoàn giám sát để Đoàn giám sát, các cơ quan hữu quan chủ động, thống nhất khi tổ chức thực hiện. Quy định rõ hơn về trần số lượng các đoàn công tác, các địa phương cần giám sát, số lượng đại biểu tham dự, thời gian trình bày báo cáo... nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và nguồn lực thực hiện, thực hiện sự điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tránh lãng phi; trách nhiệm, vai trò của Tổ giúp việc trong việc tham mưu, phục vụ toàn bộ các hoạt động của Đoàn giám sát, giúp cho hoạt động của Đoàn giám sát được linh hoạt, hiệu quả hơn; trong đó, có sự phân định giữa hai mảng công việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức phục vụ và nội dung chuyên môn. Quy định việc Tổ giúp việc giúp Đoàn giám sát theo dõi, tổng hợp, đánh giá rút kinh nghiệm sau khi Đoàn giám sát kết thúc hoạt động; trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thành phần các đoàn giám sát, trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát; về thông tin, tài liệu, nghi thức làm việc, công tác tài chính, phương tiện phục vụ hoạt động giám sát... nhằm tháo gỡ những khó khăn gặp phải khi triển khai các hoạt động trong thực tế, tạo sự chủ động, thống nhất, chuyên nghiệp trong thực hiện...

Tờ trình của Ban soạn thảo nêu hai loại ý kiến về việc quy định trần số lượng khi thực hiện một số hoạt động của Đoàn giám sát như số chuyên đề giám sát hàng năm, số đoàn công tác, số địa phương đến làm việc trực tiếp, thời gian tổ chức, số lượng đại biểu và thời gian trình bày tham luận đối với hội thảo, tọa đàm do Đoàn giám sát tổ chức… Ngoài các quy định này, dự thảo Quy chế cũng quy định trần số lượng đối với một số hoạt động giám sát khác như số chuyên đề giám sát mà mỗi cơ quan đề xuất khi xây dựng chương trình giám sát, số ngày tổ chức phiên chất vấn, số nhóm vấn đề chất vấn được dự kiến…

Quan điểm của cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành theo hướng cần quy định các nội dung này trong dự thảo Quy chế. Tuy nhiên, đề nghị không quy định những nội dung quá chi tiết như thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận…, nội dung này nên để Trưởng Đoàn giám sát xem xét, quyết định linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế. Cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị không quy định "cứng" về thời gian tổ chức hội thảo, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận... Nội dung này nên giao cho Trưởng Đoàn giám sát, căn cứ tính chất, nội dung, phạm vi của hoạt động giám sát sẽ quy định cụ thể vấn đề này.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải không tán thành với quy định tại khoản 1 tại Điều 51 của Quy chế, quy định việc tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị cử tri. Đại biểu đề xuất bỏ quy định "...Bản điện tử được gửi đồng thời đến Văn phòng Quốc hội qua Vụ Phục vụ hoạt động giám sát để phục vụ hoạt động chất vấn"; thay vào đó là quy định phối hợp với Ban Dân nguyện để chuẩn bị các nội dung của việc tổng hợp kiến nghị cử tri, "đây là nội dung được giao cho Ban Dân nguyện"- đại biểu Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề "hậu giám sát", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, về thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản cần quy định rõ từ 3-5 ngày. Ngoài ra, đối với quy định người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình cũng cần mềm dẻo trong trường hợp người được chất vấn có nhiệm vụ quan trọng khác không thể không thực hiện ngay. Trường hợp này có thể báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Quy chế để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp lần sau.

Trước đó, đầu giờ sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Tại toà nhà Quốc hội, sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn: Tập trung đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng. Các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn ĐBQH nêu.

Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Tập trung đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm

TIN MỚI

Return to top