ClockThứ Ba, 08/02/2022 06:15

Anh hùng Hồ Vai 4 lần được gặp Bác

TTH - Những ngày cuối năm, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và sự dẫn đường của cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, chúng tôi đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Đức Vai (Hồ Vai).

Bác Hồ trong lòng người dân xứ HuếLàng của những anh hùng

Đoàn công tác thăm và trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Vai

Nơi đến là căn nhà nhỏ trên đồi cao yên tĩnh, nép mình sau dãy phố nhộn nhịp của thị trấn A Lưới. Tiếp chúng tôi là một cụ già đã bước qua tuổi bát tuần, tóc bạc trắng, phong thái giản dị và luôn tươi cười trong mỗi câu chuyện. Ít ai nghĩ rằng đó là Anh hùng Hồ Đức Vai lừng lẫy năm nào trong khói lửa chiến trận với bao chiến công hiển hách, khiến kẻ địch bao lần khiếp sợ. Ông chính là “linh hồn” của đội du kích A Lưới, vừa là chiến sĩ đánh địch giỏi, vừa là người chỉ huy gan dạ, mưu trí, chỉ bày đồng đội lối đánh du kích hiệu quả.

Trong cuộc đời của ông, thời khắc vào hồi 16 giờ ngày 15/10/1965, Hồ Đức Vai cùng các đồng chí trong đoàn được thăm Bác Hồ, là giây phút thiêng liêng đáng nhớ nhất. Trước mắt ông, là một cụ già mặc bộ quần áo ka ki trắng, chân đi dép cao su, thật không ngờ, Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc lại giản dị đến thế. Ông hồi tưởng: “Gặp Bác, mình chỉ khóc thôi”. Ông được ôm Bác, được Bác ôm vào lòng. Mừng mừng tủi tủi vì “Lúc đó, ai cũng khóc, cũng hạnh phúc. Cái đời của mình chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy”.

Trước đó, vào những năm 1960, Hồ Vai lúc ấy đang là anh du kích của xã, nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam giọng của Bác động viên đồng bào, chiến sĩ đánh Mỹ, cứu nước. Những câu chuyện về Bác, đức hy sinh cao cả và những hành động yêu nước, thương dân, cống hiến cả cuộc đời vì độc lập tự do của Người đã khiến anh du kích Hồ Vai ngưỡng vọng một cách thành kính. Khi lao động sản xuất, lúc chiến đấu đều lấy tấm gương của Bác và những lời nhắc nhở của Người làm kim chỉ nam hành động. Hồ Vai đã tự nguyện lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình để thể hiện một lòng son sắc theo cách mạng. Năm 1965, anh du kích Hồ Vai lúc đó mới 25 tuổi vinh dự được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất tổ chức tại Tây Ninh, là một trong số 32 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm đó. Năm 1965, anh hùng Hồ Vai trong đoàn 5 người được cử ra Bắc gặp Bác Hồ, gồm các anh hùng Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng và Lê Chí Nguyện.

Anh hùng Hồ Đức Vai nhớ lại, đó là thời khắc vinh dự gặp Bác Hồ, được Bác đón tiếp rất tình cảm, chu đáo. Một phần vì chúng tôi là người miền Nam ra và nhất là tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bác hỏi thăm về tình hình mặt trận, đời sống quê hương lúc bấy giờ. “Điều mà Bác hỏi tôi nhiều nhất là về cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi trình bày đầy đủ, mạch lạc và được Bác ngợi khen”, Anh hùng Hồ Đức Vai hồi tưởng và không bao giờ quên câu nói của Bác: “Cháu ra Hà Nội rồi lại về Nam chiến đấu. Ở đâu cũng vậy, cháu phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, có khỏe mới làm được nhiều việc, mới đánh thắng giặc Mỹ. Nhất là cháu phải xây dựng tình đoàn kết với các đồng chí anh em, với Nhân dân, tuyệt đối không phân biệt dân tộc này với dân tộc khác”.

Cũng từ lần gặp đầu tiên đó, Bác Hồ chính thức đặt tên họ Hồ cho chàng du kích người dân tộc Pa Cô là Hồ Đức Vai. Danh xưng ấy đã gắn bó với ông cho đến tận bây giờ. Và ông cũng chính là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên mang họ Hồ. Anh hùng Hồ Đức Vai có đến 4 lần được gặp Bác. Lần cuối cùng, trước khi vào lại miền Nam chiến đấu, ông nhớ như in lời Bác dặn:“Cháu giờ là cán bộ lãnh đạo rồi, cháu vào trong đó phải làm gương nhé. Trong công việc hằng ngày, cái gì trái, dù nhỏ nhất cũng phải tránh. Cái gì phải, khó khăn mấy cũng phải làm...”. Lời dặn ấy ông khắc cốt ghi tâm, việc trái không làm, việc phải phải làm đến cùng.

Về lại miền Tây A Lưới, Hồ Đức Vai cùng đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh đánh Mỹ hàng trăm trận. Trong những lời Bác Hồ dạy, ông tâm đắc: “Mình học theo Bác tính cách “Nói đi đôi với làm”. Mình đã nói cái gì mình làm cái đó, làm cho bằng được. Vì thế, luôn được anh em hết sức tin tưởng”. Ông cũng truyền thông điệp từ trái tim mình đến đồng bào: “Bác quá vĩ đại. Lời Bác nói thấm sâu vào tâm can tuổi trẻ. Khi tôi về đã mang họ Hồ, tôi phát động trong đồng đội và bà con mình cùng đổi sang họ Bác”.

Anh hùng Hồ Đức Vai trầm tư nói về ngày buồn nhất đó là khi nghe tin Bác mất. Ông nhớ lại, khi nghe đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đến với đồng bào, chiến sĩ miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, Hồ Đức Vai và nhiều đồng đội đã tiếc thương khóc. Ông đã nhịn đói 5 ngày để tưởng nhớ Bác. “Lúc đó, thương Bác quá, nhưng không biết phải làm sao. Chỉ biết nhịn đói để nói cái chí của mình, để nhớ thương Bác”, người anh hùng thật thà trải lòng mình với hiện thực của nỗi đau khi đất nước mất đi Người cha già dân tộc năm nào.

Trong bức thư gửi Bác năm 1969 hiện được Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ trong Kho tư liệu, Hồ Đức Vai đã viết: “Bài học chính trong đạo đức và đời hoạt động của Bác rất cao cả, đẹp đẽ nhưng cũng rất gần gũi, dễ thấy. Do đó, cháu hết sức làm theo lời Bác dạy, cống hiến toàn bộ bản thân cháu cho sự nghiệp cách mạng, lấy lợi ích của Đảng, của Nhân dân làm mục đích duy nhất của cuộc sống, làm hạnh phúc cho toàn dân”.

Sau năm 1975, Hồ Đức Vai từng có hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người anh hùng lại đem tâm huyết, sự hiểu biết của mình để đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đưa tiếng nói, tâm tư nguyện vọng người đồng bào dân tộc thiểu số đến với Đảng, với Nhà nước, với Quốc hội và đặc biệt xây dựng và phát triển tinh thần đoàn kết dân tộc ngày một vững chắc.

Sau khi về hưu, Anh hùng Hồ Đức Vai lấy công tác từ thiện làm lẽ sống, đặc biệt thời gian ông làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện A Lưới. Cuộc đời của ông là một tấm gương ngời sáng những phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, kiên cường và tận tụy trong bất kỳ mọi hoàn cảnh, mọi trách nhiệm.

Bài, ảnh: TRƯỜNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình “Khát vọng bình yên”

Tối 14/6, Tại Cung hữu nghị Việt-Xô, Bộ Công an tổ chức Chương trình “Khát vọng bình yên”, tôn vinh điển hình tiên tiến, ca ngợi những chiến công, thành tích xuất sắc của tập thể, cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình “Khát vọng bình yên”
Bác Hồ trong lòng người dân xứ Huế

Đối với người dân Thừa Thiên Huế, nhất là những người từng gặp Bác Hồ, tết đến, xuân về lại càng thiêng liêng hơn, ý nghĩa hơn, bởi trong tâm trạng nao nức đón tết, lòng mọi người lại càng bồi hồi nhớ Bác, nhớ những mùa xuân, nhớ những lời căn dặn của Người.

Bác Hồ trong lòng người dân xứ Huế
Nhớ mãi những lần được gặp Bác

Có không ít câu chuyện chứa đựng cảm xúc chân thành, lòng biết ơn sâu sắc, niềm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người vinh dự được gặp Bác Hồ. Qua từng câu chuyện, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng sâu nặng, tình cảm bao la của Bác đối với vùng đất, con người Thừa Thiên Huế - nơi có hơn 10 năm Người và gia đình từng sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước.

Nhớ mãi những lần được gặp Bác

TIN MỚI

Return to top