ClockThứ Ba, 16/05/2017 05:56

Nhớ mãi những lần được gặp Bác

TTH - Có không ít câu chuyện chứa đựng cảm xúc chân thành, lòng biết ơn sâu sắc, niềm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người vinh dự được gặp Bác Hồ. Qua từng câu chuyện, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng sâu nặng, tình cảm bao la của Bác đối với vùng đất, con người Thừa Thiên Huế - nơi có hơn 10 năm Người và gia đình từng sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước.

Ông Nguyễn Đăng Sót nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ

Vinh dự ba lần gặp Bác

Đã 87 tuổi, nhưng với ông Nguyễn Đăng Sót ở xã Quảng An (Quảng Điền) những kỷ niệm được gặp Bác Hồ khó có thể nào quên. Ông không nguôi câu chuyện về Bác: “Trong thời gian công tác ở Đoàn xe 12 trực thuộc Thủ tướng phủ, tôi được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng có 3 lần được gặp Bác lâu nhất, lại được Bác căn dặn những điều có ý nghĩa sâu sắc nhất mà tôi không bao giờ quên”.

Theo lời ông Nguyễn Đăng Sót kể lại, năm 1957, Bác đi thăm 5 nước XHCN, trong đó, có Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc... Thời gian này, ông làm anh nuôi của cơ quan Đoàn xe 12. Hôm đó, khoảng 4 giờ sáng, đồng chí Viên, Đội trưởng đoàn xe xuống nói với ông: “Cậu dậy đánh răng, rửa mặt rồi đi với đồng chí Hòe, thư ký công đoàn sang Gia Lâm tiễn Bác”. Khi ông đến sân bay Gia Lâm đã có khoảng 100 người. Chừng 5 phút sau thì Bác Hồ đến. Nét mặt Bác nghiêm nghị nhưng cũng rất tươi vui. Ông đứng gần máy bay nên khi Bác lên thang máy bay được thấy Bác rất rõ. Bác đi đôi dép cao su và vẫn bộ quần áo kaki. Khi lên khỏi cầu thang máy bay, Bác không quên quay lại nói lời cám ơn những người đã đưa tiễn và tin tưởng chuyến đi sẽ gặp may mắn.

Lần thứ 2 ông Nguyễn Đăng Sót được gặp Bác đó là tối 30/12/1957. “Khoảng 7 giờ kém 15 phút, các đồng chí cán bộ tổ chức của cơ quan đi báo cho từng người là cán bộ miền Nam tập kết sang Phủ Chủ tịch gặp Bác. Được tin, tôi mừng rỡ, trống ngực đập thình thịch. Từ chỗ làm sang Phủ Chủ tịch đi bộ chỉ 5 phút, nhưng hai chân tôi cứ líu ríu, hồi hộp vô cùng. 7 giờ 30 phút tối, Bác đến. Vừa đi, Bác vừa vỗ tay. Cả hội trường reo mừng. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống rồi nói: “Nãy giờ các cô, các chú mong Bác nhiều, nhưng không phải Bác qua trễ mà Bác chia giờ rồi. Bác nói chuyện đến 8 giờ, còn 50 phút nữa các cô, các chú vừa liên hoan, vừa xem phim, 10 phút về nhà đi ngủ là đúng 9 giờ”.

Lần thứ ba ông được gặp Bác là lúc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất. Thời gian này ông đang học Đại học Ngân hàng ở Sơn Tây và đang bận kết thúc môn học. “Ngày hôm sau về đến nhà, tôi đến thăm và đang nói chuyện với chị Cúc – vợ anh Thanh thì chợt thấy Bác vào thăm. Tôi và mẹ anh Thanh đều đứng dậy chào: “Thưa Bác”. Bác ra hiệu mọi người đứng yên, rồi Bác đến bên bàn thờ dâng hương. Xong, Bác quay lại nói: Mệ, cô Cúc cùng toàn thể gia quyến! Chú Thanh ra đi đối với Đảng ta, Nhà nước ta, Quân đội ta là một đau buồn lớn. Bác rất đau lòng, nhưng ta biến đau buồn đó thành hành động thiết thực”.

Lời Bác vang mãi trong suy nghĩ của tôi. Sau đó, tôi lên đường vào chiến trường miền Nam và đã kiên cường chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Nhớ lời Bác dạy

Trong câu chuyện về Bác Hồ, bà Phạm Thị Thu Hồng, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) bao giờ cũng nhắc đến kỷ niệm sâu sắc trong đời là được gặp Bác. “Bản thân tôi là một nữ giải phóng quân, một ca sĩ bình thường, chỉ mang lời ca, tiếng hát đi phục vụ bộ đội giải phóng và Nhân dân miền Nam đánh Mỹ. Năm 1967, đoàn chúng tôi được ra thăm miền Bắc, biểu diễn văn nghệ và trao đổi kinh nghiệm. Tôi còn nhớ như in, hôm đó là một chiều cuối thu, tiết trời Hà Nội giá lạnh, có một đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch đến gặp đồng chí Thế Linh và đồng chí Thanh Huyền – Chính trị viên của Đoàn nói: “Bác Hồ nghe có đoàn văn công giải phóng ra, có 6 cháu gái, Bác Hồ muốn được thăm các cháu”. Khi đồng chí ở Văn phòng Phủ Chủ tịch ra về, đồng chí Linh gọi tôi và chị Lộc là hai ca sĩ của đoàn lên giao nhiệm vụ: “Tối nay, hai đồng chí được đoàn cử vào gặp Bác Hồ. Hai đồng chí về chuẩn bị một số bài hát nào thật hay và có ý nghĩa...”.

Đúng 7 giờ tối, 2 chị em tôi gọn gàng trong bộ bà ba đen, đội mũ tai bèo. Ngồi trên xe mà lòng tôi nghĩ miên man, sắp xếp những điều sẽ thưa với Bác, sẽ cố gắng hát thật hay để Bác vui. Xe vừa đến, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác ra đón chúng tôi vào phòng và nói: “Hai em ngồi đó, Bác Hồ sẽ đến ngay thôi”. Đồng chí Vũ Kỳ vừa nói dứt lời thì Bác Hồ cũng vừa bước vào. Hai chị em tôi ôm chầm lấy Bác mà khóc òa lên. Nhớ tới nhiệm vụ được phân công, không muốn làm mất nhiều thời gian của Bác, tôi và chị Lộc tranh thủ hát và kể chuyện cho Bác nghe. Đầu tiên tôi trình bày điệu hò Huế. Chị Lộc hát những bài về xứ Nghệ... Bác nghe chúng tôi hát rồi cười vui vẻ. Chúng tôi hiểu là Bác hài lòng...

Mấy hôm sau, tôi và chị Lộc lại được vào thăm Bác. Hôm đó, chị em chúng tôi được xem phim khoa học cùng với Bác và các bác, các cô chú trong Phủ Chủ tịch. Xem xong Bác hỏi: Phim có hay không hai cháu? Dạ thưa Bác hay lắm. Chúng tôi trả lời. Hay thế nào? Bác lại hỏi. Cả 2 chúng tôi không trả lời được. Bác xoa đầu chúng tôi và dặn dò: Nhiệt tình thôi chưa đủ, phải chịu khó học tập mới làm được nhiều việc”. Lời dạy của Bác đã đi vào tâm khảm tôi suốt cả cuộc đời…

In sâu hình bóng Bác

Năm 1959, thực hiện chủ trương giữ và bảo vệ “hạt giống đỏ” của miền Nam, được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, ông Đinh Chuông, xã Hồng Quảng (A Lưới) được cử ra miền Bắc học tập. Không có sự thông báo trước, một ngày mùa thu tháng 9/1963, Bác Hồ đã đến thăm trường.

“Lần đầu tiên được gặp Bác nên ai cũng muốn được gần Bác, được nhìn kỹ Bác hơn và muốn nghe Bác nói rõ hơn. Bác ân cần thăm hỏi, bắt tay từng thầy cô giáo và âu yếm xoa đầu từng học sinh. Riêng tôi vô cùng sung sướng vì được bàn tay ấm áp của Bác xoa lên mái đầu và hỏi: “Cháu học giỏi không? Tôi như muốn òa khóc lên vì xúc động. Sau lần gặp ấy, trong tôi đã in sâu hình bóng Bác”- ông Chuông bồi hồi nhớ lại.

Một niềm vinh dự lớn nữa là năm đó, ông đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Vì vậy, ông được có mặt trong đoàn thiếu nhi cháu ngoan Bác Hồ của Trường Dân tộc Trung ương miền Nam vào Phủ Chủ tịch thăm Bác, thăm nhà sàn nơi Bác ở. “Bác tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Bác ân cần thăm hỏi nơi ăn, chốn ở, tình hình học tập và những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Đứng trước Bác chúng tôi hứa quyết tâm gắng phấn đấu học tập tốt, trau dồi đạo đức để xứng đáng với sự quan tâm, mong mỏi của Bác”.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế" do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

TIN MỚI

Return to top