ClockThứ Sáu, 05/02/2021 14:18

Bác Hồ trong lòng người dân xứ Huế

TTH - Đối với người dân Thừa Thiên Huế, nhất là những người từng gặp Bác Hồ, tết đến, xuân về lại càng thiêng liêng hơn, ý nghĩa hơn, bởi trong tâm trạng nao nức đón tết, lòng mọi người lại càng bồi hồi nhớ Bác, nhớ những mùa xuân, nhớ những lời căn dặn của Người.

Phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn tặng quà, thăm hỏi động viên Anh hùng LLVTND Hồ Vai

Nhớ những lần gặp Người

“Không người Việt Nam nào lại không nhớ Bác Hồ. Tôi dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi khi nhìn những mầm xanh báo hiệu một mùa xuân mới là trong lòng không nguôi nhớ Bác, nhớ những lần gặp Bác”, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Hồ Vai, người dân tộc Pa kô (A Lưới) xúc động. 

Anh hùng Hồ Vai nhớ lại: “Những ngày ở miền Bắc, trong lòng tôi cùng những người cùng trang lứa luôn mong ngóng được vào thăm A Vóc Hồ (A Vóc - cách gọi kính trọng của người Pa kô). Khi được gặp Bác, Bác hỏi tôi: “Cháu người dân tộc Pa kô phải không? Đời sống của gia đình và quê cháu bây giờ thế nào? Đồng bào dân tộc ở quê cháu có nói được tiếng Kinh như cháu không? Thế cháu có giỏi chữ dân tộc không?”. Tôi trả lời tất cả các câu hỏi của Bác. Bác nói, thế là rất tốt”. 

Mời chúng tôi chén trà ấm đầu ngày, Anh hùng Hồ Vai hồ hởi: “Ngày chúng tôi được gặp Bác, thấy Bác khỏe mạnh, ai trong chúng tôi cũng mừng. Trong Nam bà con nghe đài chỉ mong hoài được nghe tiếng Bác nói, nhất là đêm giao thừa hằng năm để theo dõi sức khỏe của Bác, ai cũng mong Bác khỏe mạnh”. 

Bà Hồ Kăn Lịch, nữ Anh hùng LLVTND, dân tộc Pa kô 7 lần được gặp Hồ Chủ tịch. Bà hồi tưởng: “Nếu không có Bác Hồ thì dân tộc Pa Cô không có được như ngày hôm nay. Bây giờ ai cũng lấy họ Hồ, con cháu cũng lấy họ Bác. Trên bàn thờ nhà ai cũng thờ Bác. Sinh nhật Bác, ngày lễ, ngày tết chúng tôi đều thắp hương cho Bác. Ai cũng dặn dò con cháu phấn đấu học tập tấm gương của Bác”.

Bác luôn ở trong tim chúng con

Ông Đinh Chuông, quê A Lưới - người được gặp Bác Hồ kể lại: “Năm 1959, tôi được cử ra miền Bắc học tập. Không báo trước, vào một ngày mùa thu tháng 9/1963, giữa lúc cả Trường Dân tộc Trung ương miền Nam đang sôi nổi thực hiện phong trào làm sạch, đẹp nhà trường bằng những hoạt động lao động xã hội chủ nghĩa thì Bác đến thăm. Bác đã ân cần thăm hỏi, bắt tay từng thầy cô giáo và âu yếm xoa đầu từng cháu. Riêng tôi, bàn tay ấm áp của Bác xoa lên đầu và hỏi: “Cháu học giỏi không?”. Tôi như muốn òa lên vì xúc động. Sau lần gặp ấy, hình bóng Bác mãi in đậm trong trái tim tôi”.

Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (Cu Theo), phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) cũng mang theo trong ký ức hình ảnh đẹp đẽ về vị cha già dân tộc. Ông Hòa chậm rãi kể: “Sau một thời gian an dưỡng và đi thăm một số nơi ở Hà Nội, sáng 4/9/1968, các chú ở K15 đánh thức anh em chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày để đi thăm Bác. Khi đến Phủ Chủ tịch, chúng tôi trông thấy Bác Hồ và bác Tôn. Tôi và các bạn ôm lấy hai bác. Bác Hồ hôn và xoa đầu tất cả chúng tôi. Và rồi tôi đã kể chuyện đánh Mỹ cho Bác nghe. Bác xoa đầu tôi cười và khen: “Cháu giỏi lắm”! Câu chuyện giữa chúng tôi với Bác Hồ, bác Tôn và bác Phạm Văn Đồng kéo dài đến hơn 9 giờ tối”.

Ông Đặng Minh Hường, người Phú Lộc tuy không được gặp Bác nhưng lại nhận được món quà ý nghĩa từ Người. 18 tuổi ông Hường đã tham gia cách mạng. Năm 1954, ông được cử đi học tại Trường Lục quân khóa IX tại Trung Quốc; năm 1956 ông là giáo viên quân sự Trường Tập huấn cán bộ Bộ Tổng tham mưu và năm 1958 là Giám đốc Trường Hạ sĩ quan quân khu 3 tại Hà Nam. Tết Kỷ Hợi 1959, ông vinh dự nhận được tấm thiệp chúc tết của Bác Hồ với những vần thơ: “Chúc mừng đồng bào năm mới. Đoàn kết thi đua tiến tới. Hoàn thành kế hoạch ba năm. Thống nhất nước nhà thắng lợi”. Những vần thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đem lại niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống mà còn động viên, khích lệ toàn dân hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

Tôn kính, nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người chọn cho mình một cách lưu giữ hình ảnh về Người khác nhau, riêng ông Nguyễn Lương Hốt ở phường Thuận Thành (TP. Huế) chọn sưu tầm gần một vạn con tem có hình ảnh Bác. “Tất cả những việc làm của Bác đều là bài học quý giá không những đối với cả dân tộc mà đối với nhân loại. Tôi trở thành nhà sưu tập tem về Bác cũng không ngoài mong muốn truyền lại cho thế hệ sau hình ảnh và câu chuyện về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc”, ông Hốt trải lòng.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

Triển lãm chuyên đề “Thừa Thiên Huế với công tác xây dựng văn hóa gia đình”; Hội thi rung chuông vàng “Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” diễn ra chiều 27/6 tại xã Thủy Thanh. Hoạt động do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp Phòng Văn hóa & Thể thao, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức.

Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam
Nơi lưu dấu chân Người

Thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm. Đó là thời kỳ từ năm 1895 - 1901, khi Người mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi) và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).

Nơi lưu dấu chân Người

TIN MỚI

Return to top