ClockThứ Năm, 21/12/2017 05:51
38 HỘ NHÀ CHỒ XÃ ĐIỀN HẢI:

Sẽ định cư trong năm 2018

TTH - Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư để di dời các hộ dân thuộc vùng bị ảnh hưởng thiên tai tại thôn 8, xã Điền Hải, huyện phong Điền được phê duyệt từ năm 2013. Vậy nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai, khiến 38 hộ dân trên nhà chồ, cặp phá Tam Giang sống trong thấp thỏm lo âu, nhất là trong mùa mưa bão…

Tái định cư phải đi trước một bướcTái định cư vùng sạt lở ven biển Phong Hải

 Khu nhà chồ tại thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền cặp bên phá Tam Giang, rất nguy hiểm khi mùa mưa bão tới

Nơm nớp lo bão

Ông Hoàng Công Anh, hộ dân sống trên nhà chồ, thôn 8 cho biết, quê ông ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền), trước đây gia đình sống lênh đênh trên đò. Năm 1986, ông nội ông đã làm nhà chồ trên vùng này để ở. Sau đời ông nội đến bố ông và ông là đời thứ 3 tiếp nối ở trên nhà chồ từ đó đến nay.

Ông có 6 người con, hiện 3 người đi làm ăn xa; còn lại vẫn sống trên nhà chồ với ông; trong đó có người con gái lấy chồng và đã có con. Như vậy, nhà chồ này đã cõng 5 thế hệ. Đời sống kinh tế dựa vào nghề sáo mùng, lừ… trên phá Tam Giang, thu nhập chỉ đủ ăn. Trước đây, nhà chồ chỉ là tranh tre, lá nứa. Năm 1999, ông sửa lại nhà chồ bằng cột bê tông, làm lại tồn gỗ xung quanh và lợp ngói để ở, nhưng vẫn rất sợ bão, sóng lớn. Nay, Nhà nước có chủ trương xây dựng khu tái định cư, ông mong muốn được cấp đất, xây dựng nhà để ở tránh bão lũ, yên ổn làm ăn.

Cũng như gia đình ông Anh, gia đình ông Trần Lý, gốc từ phường Phú Cát (TP. Huế) lênh đênh theo đuôi con cá trên phá Tam Giang. Năm 1996, ông xin UBND xã Điền Hải cho dựng nhà chồ trên vùng đất này để có chỗ “chui ra chui vào”. Cứ thế, gia đình ông theo đuôi con cá, con tôm, sống qua ngày. Ông mong muốn được Nhà nước cấp đất, xây dựng nhà, tránh bão lũ. Nếu Nhà nước thu tiền sử dụng đất thì gia đình ông không thể, bởi sau bao nhiêu năm sống trên sông nước, gia đình ông chỉ tích lũy được một ít, đủ để xây dựng nhà cấp 4 để ở.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn 8, hiện nay trên địa bàn thôn có 38 hộ nhà chồ, chủ yếu sống dựa vào sông nước và đa số đều là hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, có 15 hộ nuôi cá lồng (cá trắm) trên đầm phá, còn lại là đánh bắt cá, tôm, cua bằng lưới, sáo, mùng, lừ… Hiện nay, mỗi khi có mưa bão, thôn, xã phải đi vận động từng hộ nhà chồ di dời lên vùng cao, nhà kiên cố, tránh thiệt hại về người và tài sản. Năm 2013, xã, huyện đã có kiến nghị và tỉnh đã có phương án di dời các hộ nhà chồ lên định cư trên bờ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy triển khai. Các hộ không thể sửa chữa nhà ở vì tâm lý sẽ chuyển đi. Hiện, các hộ rất khó khăn vì nhà chồ này không có thẻ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn. Chúng tôi mong muốn, tỉnh, huyện, xã sớm cấp đất tái định cư để các hộ yên tâm làm ăn, sinh sống.

Miễn tiền sử dụng đất

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền

Tạo môi trường thông thoáng cho phá Tam Giang

Đối với việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư cho các hộ nhà chồ thôn 8, xã Điền Hải, UBND tỉnh đã thống nhất hỗ trợ 2 tỷ đồng, số tiền còn lại huyện sẽ cân đối ngân sách để thực hiện. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thành việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư; đồng thời chỉ đạo ngành chức năng sớm phân lô, cắm mốc. Sau khi hoàn thành hạ tầng, UBND huyện sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh áp dụng chính sách về giao đất ở cho các hộ dân nhà chồ theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; đồng thời giải tỏa các nhà chồ, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp và thông thoáng cho bờ phá Tam Giang khu vực xã Điền Hải

Thanh Hải

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2013, UBND xã Điền Hải và huyện Phong Điền đã có tờ trình về việc xin chủ trương đầu tư dự án tái định cư vùng đầm phá thiên tai, sạt lở. Theo đó, dự án sẽ di dời 40 hộ với 182 khẩu (nay chỉ còn 38 hộ với trên 150 khẩu) thuộc thôn 8.

Tháng 10/2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 5149/UBND-XDHT về việc thống nhất quy mô đầu tư công trình hạ tầng khu tái định cư cho những hộ này. Trong đó, sẽ san nền trên diện tích khoảng gần 2ha, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện và các công trình khác với tổng mức đầu tư dự kiến 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết, theo kế hoạch đến hết năm 2017, xã Điền Hải sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn một số tiêu chí, trong đó, tiêu chí về nhà ở vẫn còn 38 nhà chồ tạm bợ nên không đạt chuẩn như kế hoạch đã đề ra. Về vấn đề này, xã cũng như người dân đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh. Hiện nay, huyện Phong Điền đang cho triển khai đền bù, giải tỏa đất tại thôn 2 để xây dựng khu tái định cư cho 38 hộ nhà chồ.

Tại Quyết định số 2849/QĐ-UBND ngày 30/5/2017, UBND huyện Phong Điền đã phê duyệt xây dựng công trình hạ tầng khu tái định cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai thôn 8, xã Điền Hải. Theo đó, khu tái định cư được xây dựng trên diện tích 1,2ha tại thôn 2 với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng do nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, đền bù giải phóng mặt bằng trên 1,2 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng và 1 số chi phí khác. Khu tái định cư sẽ phân thành 42 lô với 4 tuyến đường giao thông (1 tuyến chính và 3 tuyến nội bộ) với chiều dài trên 680m, hệ thống cấp nước, cấp điện… do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền làm chủ đầu tư.

Ông Trịnh Đức Nhu, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Hiện, ban đang làm các thủ tục để lựa chọn nhà thầu và sẽ triển khai trong đầu năm 2018. Nếu thời tiết thuận lợi, việc thi công sẽ kéo dài khoảng 3 tháng và hoàn thành bàn giao mặt bằng cho huyện để tái định cư cho các hộ dân nhà chồ, xã Điền Hải.

Ông Hồ Văn Nhân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Phong Điền cho biết, theo khoản 3, điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định về thu tiền sử dung đất đã nêu rõ: “Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Như vậy, các hộ này sẽ được giao đất xây dựng nhà ở, không thu tiền sử dụng đất. Phòng sẽ có văn bản tham mưu huyện để kiến nghị tỉnh cấp đất cho các hộ xây dựng nhà ở, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu tái định cư cho 38 hộ nhà chồ nằm cạnh nhà văn hóa thôn 2 và thôn 8, cách phá Tam Giang chưa đầy 170m, gần Quốc lộ 49B, rất thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của bà con. Đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng và sớm giao đất tái định cư cho người dân cần sớm được UBND huyện Phong Điền giải quyết, góp phần ổn định cuộc sống người dân trong tương lai.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

TIN MỚI

Return to top