ClockThứ Ba, 13/11/2018 13:15

Khống chế bệnh tay - chân - miệng

TTH - Bệnh tay - chân - miệng (TCM) tuy chưa bùng phát mạnh ở Thừa Thiên Huế, song nó đang là mối lo ngại của nhiều gia đình có trẻ nhỏ. Các nhà chuyên môn cho rằng, đang vào mùa cao điểm phát sinh bệnh TCM đợt 2 trong năm, do đó cần phòng, ngừa kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng

Kiểm tra khi trẻ có triệu chứng về bệnh TCM tại BV huyện Quảng Điền

Bệnh nhân đa số là trẻ em

Theo số liệu từ ngành y tế, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 190 trường hợp mắc bệnh TCM, không có trường hợp tử vong; tăng 110  trường hợp so với năm 2017. Số ca mắc TCM chủ yếu là trẻ em từ 1 - 3 tuổi, chiếm hơn 82%. Tại Khoa Khám bệnh,Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế, hiện bình quân mỗi ngày có 8-12 trường hợp được ghi nhận mắc bệnh TCM, với đa phần là trẻ từ 1-2 tuổi.

Thị xã Hương Trà hiện là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về mắc bệnh TCM, với hơn 70 trường hợp (từ đầu năm 2018 đến nay); trong đó từ đầu tháng 10 đến nay có 33 trường hợp, tăng hơn 50 trường hợp so với năm 2017. Số trẻ  mắc TCM không chỉ điều trị ở BV thị xã Hương Trà mà rất nhiều trường hợp được cha mẹ đưa vào cơ sở y tế TP. Huế điều trị. Lưu tâm hơn ở huyện Quảng Điền những năm trước bệnh TCM chỉ rải rác hàng tháng, nhưng gần đây đã xuất hiện 35 trường hợp và phần lớn chỉ tập trung ở 2 thôn Hạ Lang, Hà Cảng, xã Quảng Phú (gần 30 ca). Các trường hợp mắc bệnh TCM ở Quảng Điền được người nhà đưa đến điều trị tại BV thị xã Hương Trà và cơ sở 2, BV Trung ương Huế (Phong Điền), chỉ vài trường hợp ở Quảng Thái, Quảng Lợi... điều trị tại BV ở địa phương.

Bác sĩ Trần Văn Minh, Phó liên khoa Kiểm soát bệnh tật y tế công cộng và ATTP, BV huyện Quảng Điền cho biết chưa năm nào bệnh TCM lại xuất hiện như những tháng gần đây. Dù ở địa phương chưa ghi nhận ca bệnh TCM nào nhiễm khuẩn EV71 nhưng không vì thế mà mọi người chủ quan, lơ là. Bởi, đây đang trong mùa dịch bệnh TCM nên phải chủ động phòng chống, tránh để tránh bệnh lây lan. Những ngày gần đây tại huyện Quảng Điền, ngành y tế chủ động các ban ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh TCM.  Khoa Kiểm soát bệnh tật y tế công cộng và ATTP, BV huyện Quảng Điền liên tục tuyên truyền đến các trường học, nhất là cấp học, mầm non, các nhóm trẻ gia đình vì đây là môi trường bệnh TCM dễ xuất hiện và lây lan. Đồng thời về các địa bàn dân cư xuất hiện bệnh TCM tiêu độc khử trùng nhằm khống chế các bệnh dịch có thể xảy ra vào những tháng cuối năm.

Chủ động phòng, chống dịch

Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da… khi thấy các triệu chứng như bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống, bú ít và chảy nước bọt nhiều); bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, gối... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Tại hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh toàn tỉnh mới đây, lãnh đạo ngành y tế đề nghị các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với ban ngành địa phương, trường học chú trọng phòng chống bệnh TCM, như chủ động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý, cách ly, điều trị hiệu quả chất lượng, tránh xảy ra trường hợp tử vong...

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số các trường hợp mắc bệnh TCM trở nặng là do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà. Do đó, phụ huynh cần nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh. Khi những trường hợp mắc bệnh TCM được bác sĩ cho phép điều trị tại nhà thì cần nghỉ ngơi, tránh kích thích, ăn lỏng, chia nhỏ nhiều bữa; vệ sinh răng miệng, thân thể và hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol hoặc Efferalgan, kháng sinh nếu có bội nhiễm. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ sốt cao hoặc nôn ói kèm theo giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, quấy khóc nhiều, mệt mỏi thì cần đến ngay cơ sở y tế để tái khám. Biến chứng của bệnh TCM là viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các biến chứng này thường diễn tiến rất nhanh và có thể gây tử vong.

Bác sĩ CK I Dương Vĩnh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, BV thị xã Hương Trà khuyến cáo: Để phòng chống bệnh TCM hiệu quả, mọi người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đặc biệt vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ… Người dân cần phải ăn chín, uống sôi; đảm bảo nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn lau, dụng cụ ăn uống. Khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng...

Bài, ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số ca sốt xuất huyết giảm, ca bệnh tay chân miệng tăng

Chiều 6/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, toàn tỉnh có 113 ca bệnh tay chân miệng (TCM) và có dấu hiệu gia tăng vào mùa tựu trường. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần lưu ý vệ sinh môi trường nơi ở và vệ sinh phòng bệnh cho trẻ.

Số ca sốt xuất huyết giảm, ca bệnh tay chân miệng tăng

TIN MỚI

Return to top