ClockThứ Bảy, 02/12/2023 15:33

Khắc phục những khó khăn trong phòng chống dịch HIV

Công tác phòng chống dịch HIV/AIDS vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực về tài chính; cần sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, địa phương để đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động, sớm đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Tôi là CBOWHO tôn vinh vai trò của cộng đồng trong thúc đẩy tiến trình chấm dứt AIDSNâng cao nhận thức và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDSTruyền thông phòng chống HIV/AIDS cho 300 sinh viên Trường đại học Y Dược Gia tăng ca nhiễm HIV nhóm đồng tính namGia tăng lây nhiễm HIV qua nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam

Đảm bảo điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Ảnh: TTXVN 

Nỗ lực lo nguồn thuốc, tài chính

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 33 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS; vaf luôn được thế giới đánh giá cao với nhiều thành quả đáng nể khi đặt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng hơn 200.000 người Việt Nam không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời của lãnh đạo các cấp; là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu trong thời gian qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đang phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch HIV hiện nay, bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhìn nhận: “Thời gian vừa qua, cùng với khó khăn chung của cả ngành y tế, công tác phòng chống HIV cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng khó khăn về cung ứng sinh phẩm, thuốc men cũng liên tục xảy ra sau dịch COVID-19.

Chúng tôi đã phải rất nỗ lực cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các nhà tài trợ phối hợp để đảm bảo phân phối các nguồn thuốc kịp thời, không làm gián đoạn điều trị cho người bệnh. Bởi với người đang điều trị bằng thuốc ARV, chỉ cần bị gián đoạn điều trị trong vòng trên 2 tuần là đã có thể phải chuyển đổi phác đồ điều trị, trong khi đó thuốc trong phác đồ điều trị bậc 2 có thể đắt gấp 10 lần phác đồ bậc 1 (phác đồ thông thường bệnh nhân sử dụng).

Thậm chí không có phác đồ bậc 2 thì người bệnh có thể dễ kháng với phác đồ và phải chuyển lên bậc 3 mà hiện Việt Nam chưa có phác đồ bậc 3, sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực phòng chống HIV cũng gặp phải tình trạng thiếu nguồn lực, nhân lực; nhất là nhiều cán bộ vốn đã được đào tạo chuyên sâu phải chuyển sang các lĩnh vực mới, chúng tôi lại phải đào tạo tiếp cho những cán bộ mới”.

Cũng theo bài Phan Thị Thu Hương, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tiếp tục đồng hành cùng với các tỉnh, thành phố để nỗ lực vực lại các hoạt động sau dịch COVID-19 và đã trở lại các hoạt động bài bản như trước đây, giảm dần nguy cơ lây nhiễm tại các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

Về thực trạng nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tài chính cho chương trình trong giai đoạn 10 năm từ năm 2012 – 2022 đã có nhiều thay đổi, nếu ngân sách viện trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang bị sụt giảm rất lớn, Việt Nam phải tăng nguồn ngân sách trong nước cho các hoạt động.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đối mặt với một số các thách thức về tài chính bền vững như: Viện trợ quốc tế đã chuyển đổi cơ chế hỗ trợ từ cung cấp dịch vụ trực tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật; địa bàn hỗ trợ cũng chỉ tập trung tại một số tỉnh trọng điểm lớn và có lộ trình chấm dứt viện trợ sau năm 2030.

Trong khi đó, ngân sách trong nước phân cấp chi theo Luật ngân sách và đến nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; tới 52/63 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt nội dung chi và định mức chi cho HIV/AIDS.

Trước những khó khăn đó, dịch HIV lại đang có nhiều thay đổi, số ca được phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ; đặc biệt ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ. Độ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng các mục tiêu được kỳ vọng. Theo Bộ Y tế, những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, cùng hành động mới có thể đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.

Cần sự quan tâm đầu tư

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại, nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Để đảm bảo các chương trình hoạt động bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.

Cùng với các cơ quan, địa phương, các tổ chức cộng đồng cũng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích để đảm bảo hiệu quả các hoạt động.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo Báo Tin Tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ: Nhà Trắng công bố kế hoạch hành động quốc gia giải quyết COVID-19 kéo dài

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch hành động quốc gia do Bộ y tế nước này phát triển để giải quyết khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn của hội chứng COVID-19 kéo dài (Long COVID-19) – một tình trạng phức tạp, có nhiều triệu chứng khiến người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như việc làm.

Mỹ Nhà Trắng công bố kế hoạch hành động quốc gia giải quyết COVID-19 kéo dài
Khối BRICS ký kế hoạch hành động tăng cường hợp tác

Các Bộ trưởng Công nghiệp các nước thuộc khối BRICS hôm qua (29/7) đã ký kết một kế hoạch hành động chung về việc hợp tác sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Miao Wei tiết lộ.

Khối BRICS ký kế hoạch hành động tăng cường hợp tác

TIN MỚI

Return to top