ClockThứ Bảy, 08/07/2023 13:00

Tìm dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn

TTH - Sau hai đợt khai quật khảo cổ học Di tích quốc gia núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) các chuyên gia đã phát hiện một số dấu tích, di vật góp phần khẳng định đây xưa kia là đàn Nam Giao - nơi Nguyễn Huệ lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế. Cũng từ những thông tin khảo cổ mới nhất, các chuyên gia kiến nghị tiến hành xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Đàn tế trời ở núi Bân có sự khác biệt, chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên

leftcenterrightdel
 Di tích núi Bân - nơi các chuyên gia tiến hành khai quật

Giai đoạn 2 việc khai quật Di tích núi Bân kết thúc vào giữa tháng 6 vừa rồi. Trước đó, giai đoạn 1 đã hoàn tất vào cuối tháng 7/2022 với rất nhiều thông tin thú vị, mới lạ. Việc khai quật này được các chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai.

Hai lần khai quật để tìm câu trả lời

Đoàn khai quật đã công bố một số thông tin quan trọng cùng với những nhận định, đánh giá của một số chuyên gia nghiên cứu sử học. Ở giai đoạn 1, các chuyên gia đã mở 9 hố ở các phía Tây, Nam, Đông và Bắc với diện tích gần 150m2. Ở những hố này, xuất hiện những vết tích bó móng kè đá, kè gạch, những mặt nền san phẳng cùng các đường ta - luy, phản ánh rõ quy mô, tính chất của di tích. Nhiều gạch đá cũng được xuất lộ trong đợt khai quật lần này, trong đó những những mảnh gạch bìa thu được qua nghiên cứu, giám định đã xác định được tính chất, niên đại của hiện vật trong khung thế kỷ XVIII.

Từ đó đi đến nhận định, bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân có chân đế hình vuông, xung quanh kè đá và gạch. Phía trên có 3 tầng đất, được tạo theo kiểu hình nón cụt bằng cách ban xẻ triền núi trên cơ sở các đường đồng mức hình quả trứng, tạo thành ba vòng nền có chiều cao và chiều rộng không đều nhau, chu vi các vòng nền giảm dần theo chiều cao của ngọn núi.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) - người trực tiếp tham gia khai quật cho biết, từ những dấu tích được phát hiện giai đoạn 1, đoàn đã kiến nghị khai quật giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2, các chuyên gia mở rộng các hố đào, phát triển tiếp nối các bề mặt ở các bề mặt với tổng diện tích hơn 200m2 để làm rõ hơn quy mô, kết cấu. Qua đó, phát hiện ngoài những cạnh đàn là vách núi đá tự nhiên, nhiều vị trí được xây xếp, bổ sung bằng gạch đá tạo thành mặt bằng hình bát giác, mỗi cạnh dài từ 32-33m.

“Những dấu tích bó móng kè đá và gạch được làm xuất lộ, đặc biệt là gạch được tìm thấy trong các hố đào, qua nghiên cứu giám định đã xác định được tính chất, niên đại của hiện vật trong khung thế kỷ XVIII. Gạch ở đây có kích thước và màu sắc hoàn toàn tương đồng với các loại gạch bó móng tìm thấy tại các đền, phủ thời chúa Nguyễn và các công trình kiến trúc xây dựng trong giai đoạn đầu triều Nguyễn. Điều đó góp phần chứng minh tính xác thực của đàn tế giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân”, ông Chất nhận định.

Tầm quan trọng đặc biệt ở cấp độ quốc gia

Cũng theo vị chuyên gia này, những di vật khai quật bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu về vật liệu tham gia xây dựng đàn tế, còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đối sánh tư liệu, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích thời Tây Sơn trên vùng đất Phú Xuân - Huế.

Nói thêm về di tích quốc gia được công nhận vào năm 1988 này, ông Chất cho rằng núi Bân cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và vinh danh. Trong đó, phải sớm chuẩn bị tư liệu để tiến tới xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ những thông tin ở cả hai giai đoạn khai quật khảo cổ, TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho rằng, song song với quá trình xây dựng hồ sơ trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, cần chỉnh trang không gian di tích núi Bân thì cũng cần có một nơi để trưng bày các giá trị về triều đại Tây Sơn.

Trao đổi thêm về di tích núi Bân, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhìn nhận, không chỉ trong phạm vi Cố đô Huế, có thể nói di tích núi Bân có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt ở cấp độ quốc gia. Chính vì thế, việc khai quật khảo cổ học đã bổ sung rất nhiều tài liệu, qua đó phát hiện nhiều thông tin thú vị.

Từ những kết quả khảo cổ đó, ông Hải cho hay sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm để sở tiến hành xây dựng hồ sơ, đề xuất công nhận di tích núi Bân và những phần liên quan trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, đề nghị tiến hành quy hoạch chi tiết khu vực này, xây dựng một số thiết chế văn hóa phù hợp, như: Tôn tạo lại di tích núi Bân đúng thông tin qua khai quật, xây dựng đền thờ để tưởng niệm vua Quang Trung và các danh tướng, danh thần dưới triều đại này; quy hoạch biến nó trở thành trung tâm sinh hoạt lớn của phía Tây TP. Huế - nơi tập trung rất đông dân cư; mở rộng tôn tạo núi Bân và cả núi Ngự Bình cạnh đó…

Núi Bân có các tên gọi khác là Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành, cao 43m, nằm ở phía nam núi Ngự Bình. Cuối năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã tổ chức lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung tại đây, sau đó kéo quân ra Bắc đánh tan quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.

Trong suốt gần 100 năm qua, di tích núi Bân đã được xếp hạng và đưa vào diện cần bảo vệ. Gần đây nhất, năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích núi Bân cùng với xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000m2 ngay bên cạnh.


Bài, ảnh: Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm dấu tích Champa xưa dưới lòng đất

Sau đợt khai quật khảo cổ kéo dài gần 2 tháng ở di tích tháp đôi Liễu Cốc, đoàn các chuyên gia đã đề nghị tiến hành mở rộng diện tích khai quật khảo cổ để làm rõ hơn quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích.

Tìm dấu tích Champa xưa dưới lòng đất
Kỷ niệm 235 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh

Sáng 6/1, tại Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ (phường An Tây, TP. Huế), UBND TP. Huế tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 235 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh. Tham dự có đại diện lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn.

Kỷ niệm 235 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Đi tìm dấu tích văn hóa địa phương

Trải qua hơn 40 năm sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa, ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, có nhiều đóng góp đối với văn hóa huyện Phong Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Đi tìm dấu tích văn hóa địa phương

TIN MỚI

Return to top