ClockThứ Ba, 15/08/2017 13:31

Bảo tàng Huế “phá thế” bị động

TTH - Gần đây, các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật (gọi chung là bảo tàng) tại Huế có nhiều thay đổi trong cách tổ chức hoạt động, giải pháp trưng bày nhằm “phá thế” bị động ngồi đợi khách và bước đầu có tín hiệu lạc quan. Song, để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp.

Học sinh đươc trải nghiệm làm tranh dân gian ở một hoạt động do Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị tổ chức

Thay đổi đúng hướng

Tham dự các cuộc triển lãm, trưng bày gần đây tại Huế, như: “Sắc Thu 2017” (Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị), “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật” (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế), triển lãm ảnh nghệ thuật “Áo dài – nét đẹp Huế” (Bảo tàng Văn hóa Huế)…., chúng tôi ấn tượng với sự thích thú của người thưởng lãm. Không ít ý kiến cho rằng, các bảo tàng tại Huế biết “phá thế” khó trong thời buổi bảo tàng gặp khó.

Anh Cao Ngọc Dũng, đến từ Hà Nội chia sẻ: “Xem triển lãm Câu chuyện đằng sau những kỷ vật, tôi bất ngờ khi thấy bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế làm cuộc triển lãm trưng bày các hiện vật gốc về Bác. Trưng bày những tư liệu, hiện vật về Bác thì rất nhiều bảo tàng đã làm, nhưng trưng bày hiện vật gốc thì hoàn toàn mới và dễ dàng tác động cảm xúc người thưởng lãm”.

Trưng bày “Báo chí Huế - Những chặng đường” do Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức được nhiều người đánh giá cao

So với hai năm trước, sự thay đổi trong cách tổ chức hoạt động, giải pháp trưng bày ngày càng thể hiện rõ. Nếu trước đây các bảo tàng thường áp dụng phương pháp trưng bày theo mô típ quen thuộc thì hiện nay đã chú ý hơn yếu tố hình thức, giải pháp trưng bày. Điểm dễ nhận thấy, các bảo tàng chú trọng đến giải pháp xử lý mặt bằng trong trưng bày, tức là có sự can thiệp của mỹ thuật vào bố cục nội dung trưng bày, đảm bảo tính logic, yếu tố thẩm mỹ và có hành trình tham quan khoa học tiện lợi. “Chúng tôi nghiên cứu kỹ chuyên môn trước khi có sự thay đổi giải pháp trưng bày. Trong quá trình làm cũng có tham khảo ý kiến khách thưởng lãm”, bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế nói.

Bà Franjoise, du khách đến từ Pháp chia sẻ: “Tôi có 3 lần đến Huế năm 2007, 2011, 2017 và cả 3 lần tôi đều có ghé một số bảo tàng tại Huế. So với hai lần trước, đây là lần tôi thấy hài lòng khi tham quan bảo tàng vì họ đã có sự thay đổi. Các bảo tàng chú ý hơn đến cách sắp xếp tư liệu, hiện vật cần trưng bày theo lối hiện đại nhưng vẫn tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của từng bảo tàng. Đây cũng là vấn đề tôi từng góp ý và tôi tin rằng nếu tiếp tục thay đổi theo hướng này, khách sẽ đến nhiều hơn”.

Gần đây, các hoạt động bề nổi cũng được đầu tư. Điển hình như hoạt động trưng bày và trải nghiệm sáng tạo tranh dân gian Việt Nam (27/4), Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị tổ chức để học sinh một số trường của TP. Huế trải nghiệm cách làm tranh dân gian. Nguyễn Tuấn Minh, học sinh Trường tiểu học Lê Lợi chia sẻ: Ở đây, con được tận tay làm tranh làng Sình, hiểu hơn kiến thức về tranh dân gian của Huế.”

Số liệu thống kê về lượng khách cho thấy, sự thay đổi bước đầu đang đúng hướng. Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, năm 2016 trung tâm thu hút khoảng 15.000 lượt khách. So với năm trước đó, lượng khách tăng khoảng 15%. Tại bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, sau giai đoạn đóng cửa 9 tháng (năm 2016) để chỉnh lý trưng bày, đầu năm 2017, việc thu hút khách thuận lợi hơn, trong tháng 5/2017 đón 107 đoàn, hơn 17.000 lượt khách. Các bảo tàng khác cũng chủ động hơn trong việc đón khách.

Cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Lâu nay các bảo tàng của Việt Nam bị ràng buộc bởi quan niệm trưng bày nặng tính giáo dục chính trị, tư tưởng, trong khi người thưởng lãm có nhu cầu khám phá văn hóa nhiều hơn.

Trên thế giới, các bảo tàng hoạt động hiệu quả bên cạnh phần cứng (cố định không thay đổi), thường tạo thêm không gian mở (phần mềm), thay đổi liên tục qua từng tháng để tạo sự mới lạ. Đây là điều các bảo tàng Huế nên tham khảo”

Hiệu quả bước đầu đã có, song để duy trì và tăng tính hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bà Franjoise góp ý, để hiệu quả hơn, các bảo tàng tại Huế nên đầu tư thêm hệ thống âm thanh, ánh sáng, có thể thêm các đèn tạo hiệu ứng sắc màu phù hợp. Phía ngoài các bảo tàng nên có thiết kế riêng để tạo dấu ấn hay có các bảng hiệu quảng bá phù hợp, giới thiệu để du khách có thể theo dõi, kích thích sự tò mò của họ.

Vẫn biết, sự thay đổi của các bảo tàng còn gặp nhiều trở ngại, nhất là kinh phí. Trong khi bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế mở cửa miễn phí, thì ở các điểm có bán vé, nguồn thu đang còn chừng mực do lượng khách có giới hạn. Tuy nhiên, các bảo tàng cần nghiên cứu giải pháp hợp lý, trước mắt đầu tư cơ sở vật chất cần thiết, phục vụ cho “chiến lược phá thế bị động”.

Về lâu dài, cần tính toán thêm nhiều giải pháp, trong đó phải đẩy mạnh công tác quảng bá. Ngoài ra, các bảo tàng vẫn còn hạn chế trong việc thu hút khách du lịch, do vậy ngành văn hóa, các bảo tàng nên chủ động ngồi lại với ngành du lịch cùng các doanh nghiệp lữ hành để trao đổi, mạnh dạn đưa tham quan bảo tàng thành một điểm đến vào các tour, tạo ra lợi ích cho hai phía.

Từ khi Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị được hợp nhất và Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ ra đời, đường Lê Lợi có một chuỗi hệ thống các thiết chế văn hóa nghệ thuật theo không gian mở trong mối gắn kết hài hòa, gồm: Công viên tượng cụ Phan Bội Châu, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Nơi đây được nhiều người “ví” như phố bảo tàng, không chỉ là phát triển về mặt văn hóa mà còn là cơ hội cho du lịch. Hiện, các bảo tàng đã bước đầu thay đổi, nhưng để chớp lấy cơ hội phát triển về cả văn hóa lẫn du lịch, vẫn cần thêm sự nỗ lực từ nhiều phía và nghiên cứu thêm nhiều giải pháp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sáng 29/12, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; tặng quà người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

TIN MỚI

Return to top