ClockChủ Nhật, 29/10/2023 20:51

Chiếc ghế trống

TTH - Bạn có bao giờ cảm nhận trong một buổi tiệc, có một chiếc ghế trống, chiếc ghế như nhắc nhở một người vắng mặt, hay đúng hơn là nhắc nhở một sự hiện hữu vô hình. Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có biết bao chiếc ghế trống ở đó.

Rồi tới lượt mình

 

Với chị, một gia đình hoàn hảo không phải là giàu có, mà là thương yêu lẫn nhau, bởi anh chị em cùng cha mẹ, lớn lên có thể đi về muôn hướng, vào đời bằng những bước chân khác nhau, nhưng luôn có một nơi hướng về, đó là gia đình. Chị mong muốn có một buổi gặp mặt trọn vẹn.

Chị đích thân gọi từng đứa em một, bảo chị muốn làm một bữa tiệc gặp mặt tất cả trước khi chị đi Sài Gòn, lâu lắm rồi mấy chị em chưa gặp nhau. Gia đình có 6 anh chị em, ở quanh quẩn trong thành phố này mà còn không ghé nhà nhau, không gặp được nhau, huống hồ là một thành phố khác, mà cả thành phố nhỏ xíu xiu kia, ở những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ cũng chẳng chạm mặt nhau.

Khi má còn sống, vào ngày giỗ ba hoặc vào ngày cúng tất niên thì lấy cái cớ để anh em tụ nhau mà còn né mặt, đứa về trước, đứa về sau. Lạ thật, chị em mà gặp nhau còn xa lạ hơn người lạ, để bụng với nhau từng câu nói. Ba má chẳng để lại gia tài nên chẳng có gì để chia, mỗi đứa lớn lên tự tìm cách vào đời, chắc chính sự khốn khó khiến cho những trái tim yêu thương đóng kín với nhau.

Thỉnh thoảng, chị xem chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chị muốn khóc. Có biết bao người trong cuộc sống này lạc nhau, có khi lạc mãi đằng đẵng cả cuộc đời. Họ mong mỏi qua chương trình tìm lại người thân, chẳng phải để giàu có mà để biết rằng mình vẫn còn những người máu thịt. Người ta phải tốn công tìm nhau như thế đó, có khi đằng đẵng cả cuộc đời, để khi gặp nhau thì đã già lắm rồi. Còn đằng này, 6 anh chị em cùng cha mẹ mà không thể có một bữa cơm sum vầy được hay sao? Chẳng để chi cả, để thấy rằng dẫu đường vào đời khó khăn vô vàn, nhưng bầy chim non đã lớn, và vẫn còn có đủ.  Chị chỉ cần ít ra có một bữa cơm đủ 6 anh chị em, chỉ để nhìn nhau cười nói.

Ba và má lấy nhau rất sớm, ở cái tuổi mà thời bây giờ bọn trẻ vẫn còn rong chơi và loay hoay cho giấc mộng của mình. Năm 22 tuổi, ba lấy má. Má làm vợ năm 18 tuổi với vốn liếng vào đời của má chỉ là biết nấu những bữa cơm ngon theo ý của ba, may vá quần áo cho lũ con. Má đúng là mẫu người vợ của xa xưa, thuần phục chồng và cam chịu, hiếm khi bước ra các bậc thềm nhà nhưng lại thuộc làu các bộ phim kiếm hiệp của cái thời thuê ở các tiệm về xem.

Còn ba, khi đó ba đã trở thành một tài xế đường dài, chuyên chở hàng cho các vựa trái cây, rau, hoa… cung cấp cho các đầu mối. Ba ít học nhưng trí thông minh và có tài làm ăn cho nên chẳng mấy chốc ba đã gầy dựng cả một cơ ngơi với 40 chiếc xe vận tải khắp nơi để chuyển hàng. Ba kiếm tiền rất dễ, nhưng ông lại là người nhẹ lòng, khi bao quanh ông lại có biết bao bạn bè săn đón, nhờ vả và vay mượn. Ông hồn nhiên giúp đỡ bạn bè mà không hề so đo tính toán, chẳng cần bảo họ viết giấy nợ. Còn má thì bản tính là một cô gái hiền lành, chưa kịp vào đời đã lấy chồng, sinh liên tiếp sáu đứa con, hoàn toàn lệ thuộc kinh tế vào ba, cho nên má chẳng biết giữ tiền. Ba lo toan cho mọi người nhưng không lo toan cho 6 đứa con. Còn má thì thương con nhưng không biết cách để lo cho tương lai của con.

Rồi ba thất thế, bạn bè quay lưng, chẳng mấy chốc trắng tay. Má ra chợ mở một sạp hàng, bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh để lo cho ba, còn những đứa con tự thân mình lao vào guồng máy cơm áo gạo tiền. Cho đến khi ba qua đời, căn nhà bao nhiêu năm gắn bó của cả gia đình cũng phải bán đi. Chỗ níu kéo tình thân cũng chẳng còn.

Khi những đứa con phải vào đời bằng những bước chân chông chênh, phải tự thân mình bươn chải thì lòng tràn ngập sự oán hận gia đình. Mà cuộc sống thì có gia đình nào giống gia đình nào? Bước chân vào đời của mỗi người đôi khi cứ vấp ngã, khi đó mưa gió vô thường khiến trái tim trở nên chai lạnh. Chị may mắn hơn tất cả anh chị em là có một gia đình toàn vẹn, chồng chị là một người đàn ông giỏi giang, biết nắm bắt lấy cơ hội, tạo ra một gia đình êm ấm. Chị có một gia đình hạnh phúc, nhưng những đứa em của chị không phải tất cả đều như thế.

Thằng Hoan, em kế chị bỏ học nửa chừng, học lái xe tải. Hoan trở thành cánh tay đắc lực cho ba trong những cuộc hành trình. Trong sáu chị em, ba yêu thương nó nhất, nhưng nó lại là một đứa con trai không biết làm ăn khi có cơ hội, mà chỉ dùng những đồng tiền ba cho tiêu xài một cách hoang phí. Khi gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Hoan dăm lần bảy lượt đòi bán nhà, nhưng bất thành. Bởi ngày xưa ba có giấc mơ đẹp là căn nhà sẽ có 6 tầng lầu, mỗi tầng lầu là một gia đình của các con, nhưng mãi không thành hiện thực. Hoan đâm ra oán hận mấy anh chị em còn lại, thề không nhìn mặt. Nó rời khỏi căn nhà với lời thề không trở lại. Hôm đó hình như con phố gió giông làm lá cây rụng đầy.

Ngẫm lại trong cuộc đời, đâu có gia đình nào toàn vẹn. Và cả những đứa con mà cha mẹ sinh ra, cũng chẳng thể nào biết được tính tình nó. Còn lại 5 chị em, mỗi người mỗi một cách để vào đời, chẳng có đứa nào học trọn bậc đại học, giỏi lắm là mày mò sau này tự học lấy tấm bằng tại chức, nhờ đó mà thoát nghèo. Chẳng có đứa nào giàu, giỏi lắm là cất được một ngôi nhà và nuôi nấng cho con cái ăn học. Chị chỉ muốn sáu chị em thỉnh thoảng tụ họp lại, gọi là vui. Nhưng đôi khi tới ngày giỗ ba, giỗ má mà thằng Hoan chẳng về. Nó không về thắp nén nhang cho ba má vì nó bảo ba má không để nhà thừa tự. Nhưng nó lại tự mua cây trái ra nghĩa trang, tự nó một mình cúng bái. Khi nhìn thấy đĩa trái cây đã bị những người hôi của ở nghĩa trang vội lấy đi, chỉ còn những cây nhang cháy, khói lượn lờ, chị buồn. Bởi dù sao Hoan cũng là đứa em trai của chị, là máu thịt, là từ nhỏ chị đã phải ẵm bồng nó, đón đưa nó đi học…

Tất cả anh chị em đều có mặt trong buổi tiệc. Vẫn còn một chiếc ghế trống, đó là chiếc ghế dành cho Hoan. Mọi người chẳng ngạc nhiên về chiếc ghế trống, bởi Hoan gần như vắng mặt trong các buổi gặp mặt gia đình. Hôm qua, gọi điện cho nó, chị bảo có thể sẽ rất lâu chị em mới gặp mặt lại, cho nên chị muốn nó cùng có mặt. Chị nói: “Hoan à, khi đã là máu thịt của nhau thì vẫn là máu thịt. Em nhớ đến cùng mấy đứa em, em nhé?” Nó nói: “Dạ, em sẽ đến chị Hai à”.

Buổi tiệc diễn ra gần một giờ đồng hồ, chiếc ghế dành cho Hoan vẫn còn trống. Mấy đứa em nói chuyện về cuộc sống, nhắc lại những kỷ niệm của chị em. Ai cũng nói cười, và chiếc ghế vẫn trống. Đáng lẽ chị bảo người phục vụ dẹp chiếc ghế đi, bởi chiếc ghế trống là nhắc nhở về một gia đình không hoàn hảo, dẫu không ai nhắc đến sự vắng mặt của Hoan.

Chị bảo tất cả rót đầy ly bia, nâng ly cho buổi đoàn tụ hiếm hoi này. Vừa lúc đó chị nghe tiếng gọi: “Chị Hai, em xin lỗi vì tới trễ”. Thằng Hoan đã tới, cuối cùng nó đã tới.

Chiếc ghế trống đã có người ngồi.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt

TIN MỚI

Return to top