ClockChủ Nhật, 29/09/2019 06:43

Rưng rưng mùi củi

TTH - Chiều tà, lang thang về miền quê ven phố, nhìn khói bếp nhà ai bay lên trên những tàu lá chuối, nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng mạnh mẽ, nao núng không thôi.

Mùi khói vương chái bếpKhói bếp

Tôi nhớ da diết bóng mẹ còng lưng trên cánh đồng làng, đàn trâu thong thả gặm cỏ trên đê và nghe lòng rưng rưng quay quắt khi nhớ về bóng dáng ba tôi ôm từng bó củi xếp đặt gọn gàng trên chái bếp và quanh các chuồng gà vào những ngày hè.

Mùa nắng nào cũng vậy, mấy chục năm ròng, ba tôi vẫn luôn giữ thói quen là chuẩn bị củi cho chuyện bếp núc mùa mưa rét. Hết củi trong vườn ba lại ra cồn Mưng (gọi là cồn Mưng vì có cây mưng già nằm giữa cái cồn cỏ) trước cánh đồng để tỉa bớt những nhành cây khô già mang về kịp phơi nắng. Rồi ba lại lên động cát trên khe nước cách nhà tôi một cây số để kiếm củi từ cây tràm hoa vàng, gốc cây dại khác. Ba nói: “Ngày mưa  mà thiếu củi là thiếu lửa. Lửa phải đỏ suốt ngày để lấn át cái lạnh cắt da cắt thịt”.

Ở quê tôi, sau vụ mùa, nhà nào cũng có một đụn rơm to để vừa làm chất đốt nấu nướng, vừa cho trâu ăn những ngày lạnh. Đụn rơm to vẫn không đủ. Vì thế, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị thêm củi. Rơm thì để nấu ở chái bếp ngoài, củi thường đun ở gian bếp trong nhà. Ngày trước chẳng nhà nào biết đến bếp gas. Tất cả đều cần đến củi và rơm rạ. Tôi nhớ mãi trò chơi tuổi thơ. Cả đám con nít ngồi bệt giữa nền nhà để chơi đánh bài. Cái nồi đen màu lửa củi để ở giữa. Đứa mô thua là bị quẹt nhọ từ cái nồi đen xì.

Nhà có việc, mẹ và chị tôi vào bếp nấu xào để đặt cúng trên bàn thờ. Mẹ nhẹ nhàng đun củi vào bếp. Củi được phơi khô nên lửa bén đượm rất nhanh. Bên bếp lửa, dù mẹ bận rộn suốt ngày nhưng tôi vẫn nhận ra niềm vui trên gương mặt đã in nếp chân chim. Dù không nói ra nhưng tôi biết mẹ rất biết ơn và hài lòng lắm về ba, về sự lo toan, chu toàn cho vợ, cho con.

Miền Trung mưa nắng hai mùa rõ rệt. Nắng lắm, mưa nhiều. Những ngày mưa rét, chính những bó củi chất đầy của ba chuẩn bị từ trước có giá trị biết bao. Mùi khói bếp từ củi, mùi thức ăn mẹ nấu hòa quyện tạo nên mùi vị đặc trưng sao mà thân thương quá nơi miền quê nghèo. Tiếng nổ lách tách từ củi tre, củi nè trong bếp lửa nghe vui vui như niềm háo hức tiếng trẻ thơ chờ mẹ đi chợ về.

Tốt nghiệp đại học, tôi lập nghiệp ở phố thị. Sống ở thành phố nhiều năm, tôi không dùng bếp củi, bếp rơm nhưng nỗi nhớ về bếp lửa đun củi, về những giàn củi ba chất vào mùa nắng chuẩn bị cho ngày đông thì vẫn cứ vẹn nguyên. Mẹ tôi đã yên nghỉ được 3 năm rồi, ba tôi đã bước qua tuổi 83 nhưng vẫn giữ thói quen chuẩn bị củi cho mùa mưa. Dù anh em tôi đã sắm cho ba một cái bếp gas nhưng ba vẫn có thêm một cái bếp đun bằng củi. Hình như mỗi lần ngồi bên bếp củi ba lại thấy hình ảnh của người vợ tảo tần, nhân hậu của mình. Cái chái bếp bên hè nhà ngày xưa mẹ nấu vẫn tỏa khói mỗi ngày.

Trần Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khói thơm

Khói - thứ quà đẹp đẽ trong ký ức của tôi xuất phát từ gian bếp củi nhà ngoại.

Khói thơm
Góc bếp bập bùng lửa sáng

Khép lại những ngày thu, cơn mưa lúc rạng sáng vỗ về giấc ngủ muộn mằn như một sự nuông chiều bé mọn.

Góc bếp bập bùng lửa sáng
Ngày mưa, nhớ cái bếp củi

Tôi tin cái bếp ám khói là một mảng màu ký ức đong đầy yêu thương của những người ít nhất cũng thuộc thế hệ 7X, 8X trở về trước. Cho nên khi nhìn ngoài trời mưa nặng hạt, những làn gió làm lay động mấy cây cau nhà hàng xóm, tôi bỗng nhớ đến những làn khói của những bữa cơm chiều năm nào nhà còn nấu bếp củi.

Ngày mưa, nhớ cái bếp củi

TIN MỚI

Return to top