ClockThứ Năm, 16/10/2014 06:17

Khói bếp

TTH - Câu thơ “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” là một trong những câu thơ nói về khói hay nhất. Những ai đã từng biết câu thơ này và đã từng cay mắt bởi những đám khói hoàng hôn quê cũ thì chính những sợi khói mong manh kia lại là sợi dây bền chặt kéo lòng về với những ngày xưa cũ.

Chiều cuối tuần trên chuyến xe từ A Lưới về Huế, bất chợt thấy một đám khói của nhà ai đó bay trên mấy ngọn cây lòng lại chạnh nhớ về nhà xưa. Là khi mặt trời tắt bóng, khói bếp quyện trên mái tranh cũ đã ngả màu. Màu lam của khói, màu nâu của mái tranh cũ và có khi là cả ánh bạc của những cơn mưa chiều nữa thật yên bình. Hồi nhỏ coi phim, mình ước mơ có một bữa ăn đầy đủ trong một căn phòng sang trọng xa xôi nào đó có hoa tươi và trái ngọt và những điệu nhạc du dương; chừ thì lại ước ao một bữa cơm ngày cũ tự tay mạ nấu với mắm muối, hến hàu, bầu bí quanh chiếc mâm tròn đặt giữa sàn nhà bên ngọn đèn dầu ngày mùa đông hay đặt trước sân nhà những ngày hè để được vừa ăn, vừa hứng những cơn gió nồm nam về tối…

Có nhiều loại khói mà khói tuổi thơ là khói rơm. Khói rơm có hương thơm ngai ngái mà nồng nàn của bùn đất ruộng đồng. Những buổi chiều tà, khi ba mạ đi làm đồng muộn, hai anh em mình phân công nhau thổi cơm. Nếu mình xách nước, vo gạo và lôi rơm thì thằng em lo chụm lửa nấu cơm. Chụm lửa nấu cơm thực ra cũng đơn giản, cứ đẩy rơm vô cho nó cháy hết, lấy lẻ khêu hất mun đi cho đến khi cơm sôi rồi cạn. Công đoạn cuối cùng lại là lấy lẻ khêu để dồn mun còn đang cháy đỏ ủ dưới nồi để cho cơm đủ chín. Mùi cơm thơm có lẫn ít mùi khói rơm ngon lạ…

Nhà quê thì nhà mô cũng có cái giàn bếp mà quê mình gọi là chàn bếp. Cái chàn bếp nâu sầm vì khói bám lủng lẳng mấy sợi bồ hóng là nơi để cất giữ một chùm chẹn nếp giống, mấy xâu thuốc lá để khô của bà nội; cuộn dây mây bó lúa, mấy cái đòn xóc chờ ngày mùa. Cái chàn bếp cũng là nơi cất giữ thức ăn và là nơi trú ngụ của cô mèo tam thể những ngày đông giá. Đó là một cô mèo rất mắn đẻ, cứ vài ba tháng lại cho ra một đàn con. Những chú mèo con cũng lớn lên từ bên bếp lửa để rồi phải xa mẹ khi biết mở mắt và biết quẩn quanh tìm cái để ăn bên mâm cơm. Riêng với nhà mình, cái chàn bếp đó là nơi gác chiếc nôi bằng mây mà mấy anh em mình lần lượt được bàn tay mạ âu yếm đặt nằm để rồi biết nghe lời mạ ru, biết “nói chuyện” và thiu thiu ngủ để rồi lớn lên từ đó. Chiếc nôi mây tồn tại đến hơn mười năm mà theo lời mạ là bền như rứa là nhờ khói bếp…

Có những buổi chiều hè mải mê với những trò chơi con trẻ bên sông, ngoài đồng từ tát cá, bắt châu chấu, đá banh… thì chính những đám khói chiều vấn vương khắp các mái nhà tỏa ra các xóm là tín hiệu để tất cả lũ trẻ con trong xóm kịp ù té chạy nhanh về nhà trước khi trời tối…Mình vốn là một thằng lười học bài cũ; chỉ khi có bài vở cấp bách lắm mới dặn mạ thức dậy thiệt sớm để coi bài. Những ngày đông giá, mình có thói quen ngồi học bên bếp lửa khi mạ dậy sớm thổi cơm sáng cho cả nhà cho dù có thằng bạn dọa là ngồi học bên bếp thì lú… Cũng may là mình đã không lú mặc dù sách vở của mình cũng đã xỉn màu vì khói bếp…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top