ClockThứ Bảy, 30/07/2022 07:30

Tranh Kiều trên pháp lam

TTH - Lần đầu tiên trong không gian cổ kính của cung An Định, người xem ngỡ ngàng khi được xem những bức tranh trên nền chất liệu độc đáo nhưng rất sang trọng, đó là pháp lam Huế. Và câu chuyện được kể trên những mảng màu ấy cũng đã rất quen thuộc với mọi người: Thúy Kiều.

Ra mắt bộ tranh Kiều bằng pháp lam Huế

Bộ tranh 20 bức vẽ về Kiều trên nền pháp lam Huế thu hút sự chú ý của nhiều người

Ý tưởng tranh Kiều trên pháp lam Huế khởi nguồn từ một cuộc hội ngộ của nhóm bạn hữu yêu Huế ở TP. Hồ Chí Minh. Không lâu sau, nhóm bạn hữu bay ra Huế và tìm gặp thạc sĩ Đỗ Hữu Triết cũng như các cộng sự của ông ở Công ty TNHH Pháp Lam Huế đã hiện thực hóa ý tưởng.

Bộ tranh độc bản

Nghệ nhân Triết kể rằng, ban đầu khi nghe qua hơi đắn đo nhưng rồi anh em trong công ty cũng quyết định “thử cuộc chơi”. 20 bức tranh cùng lúc được nhiều họa sĩ thực hiện dựa trên tiêu chí làm sao giữ nguyên phong cách của bản gốc đầu tiên. “Dù gặp rất nhiều trở ngại, nhưng câu chuyện nghiên cứu pháp lam từ kỹ nghệ đưa lên mỹ thuật khiến tôi và cộng sự rất đam mê nên quyết tâm theo đuổi”, anh Triết nói và sau rất nhiều tháng, bộ tranh cũng hoàn thành.

Bộ tranh bao gồm 20 tác phẩm, được lấy từ nguyên gốc là tranh minh họa truyện Kiều của họa sĩ Mạnh Hưng vẽ trong sách “Truyện Thúy Kiều” do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925. Mỗi bức tranh có 1 câu thơ của truyện Kiều, được các họa sĩ pháp lam giữ nguyên đường nét và bố cục của tranh gốc, nhưng sáng tạo thêm màu sắc bằng kỹ thuật pháp lam.

Ngày trưng bày đến người xem, màu sắc của bộ Kiều pháp lam chứng minh một điều rằng, không bó hẹp trong khuôn khổ trang trí mà còn đạt đến sự phối màu hòa quyện của hội họa. Đặc biệt, bộ tranh này là tác phẩm độc bản duy nhất vẽ Kiều bằng pháp lam ở Việt Nam hiện nay.

Để làm được bộ tranh này là chuyện không hề đơn giản. Bởi lẽ pháp lam Huế từng bị thất truyền. Và mãi cho đến năm 2000 thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự đã dày công nghiên cứu để hồi sinh ngành nghệ thuật độc đáo này. Bước đầu những nghiên cứu đã cho ra kết quả ấn tượng, được giới nghiên cứu đánh giá cao.

Quay trở lại thời gian, pháp lam là tên gọi của sản phẩm mỹ thuật có cốt bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men, với những hình ảnh và màu sắc trang trí, rồi đem nung ở nhiệt độ cao mà tạo thành.

Do cách thức chế tác đặc biệt đó nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu trước sức va đập hoặc sự ăn mòn của môi trường. Vào thời Nguyễn, các nghệ nhân Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam từ Trung Quốc, rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế. Nghệ thuật pháp lam Huế phát triển mạnh vào dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Táo bạo

Hôm đưa tranh đến với An Định cung, có rất đông chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đến chiêm ngưỡng. Đứng rất lâu bên từng tác phẩm, họ không khỏi trầm trồ về sự sống động, tinh xảo và câu chuyện được kể rất điêu luyện bởi một lớp các nghệ sĩ từng hồi sinh cho nghề pháp lam Huế sống lại. Họ nói với nhau rất nhiều về pháp lam, về câu chuyện giữ nghề truyền thống, đưa những sản phẩm ấy đi xa hơn, đến với nhiều nơi hơn…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nói ngắn gọn với mọi người dự buổi triển lãm rằng, việc khôi phục nghề pháp lam Huế đã để lại ấn tượng rất lớn trong ông. Đó là thành tựu đứng đầu trong câu chuyện khôi phục nghề xưa của Huế đã thất truyền. Nay đứng trước những tác phẩm tranh về Kiều được trình bày bằng pháp lam Huế, ông hy vọng sẽ mở ra một chân trời mới.

Theo ông Thông, xưa Huế là Kinh đô triều Nguyễn, trung tâm thủ công của cả nước quy tụ rất nhiều thợ giỏi từ miền Bắc vào, miền Nam ra. Nhiều quan xưởng, tượng cục cũng ra đời trong giai đoạn này, cho sản xuất rất nhiều sản phẩm tinh xảo và đại diện cho nghệ thuật Việt Nam, trong đó có pháp lam. Dấu ấn rõ ràng nhất thông qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, tự khí và pháp lam trang trí ngoại thất tại các cung điện, lăng tẩm...

Tuy nhiên, khi nhà Nguyễn suy tàn hầu như tất cả những quan xưởng, tượng cục tan rã theo, pháp lam từ đó cũng dần thất truyền. “Vì vậy việc khôi phục lại pháp lam khiến tôi ấn tượng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh và nói rằng đó là thành công lớn, tất nhiên không thể cầu toàn, bằng mọi giá phải làm ra những sản phẩm y nguyên pháp lam triều Nguyễn được.

PGS. TS. Phan Thanh Bình - chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật cũng chung nhận định và cho rằng, sự kiện ra mắt bộ tranh Kiều bằng chất liệu pháp lam Huế là một trong những hoạt động nghệ thuật cực kỳ táo bạo. Cái táo bạo theo vị chuyên gia này nằm ngay ở màu sắc và sự thể hiện tài tình của các nghệ nhân đã làm cho pháp lam Huế trở nên mới lạ, hấp dẫn.

“Tôi cho đây là một bước tiến dài. Những tác phẩm này đã cho thấy pháp lam Huế không chỉ là dòng nghệ thuật hàn lâm chỉ có ở di tích, mà còn kiến tạo ra những sản phẩm tạo hình độc lập”, PGS.TS. Phan Thanh Bình khen ngợi và tin rằng sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa trong việc phục hồi nghề truyền thống Huế nói chung, pháp lam nói riêng.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyện Kiều của Nguyễn Du qua góc nhìn của Phật giáo

Rất đông tăng ni, Phật tử, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn học, giảng viên và người yêu văn chương đã có một buổi chiều thú vị khi được cư sĩ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thuyết trình về nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Truyện Kiều của Nguyễn Du qua góc nhìn của Phật giáo
Bản chép tay Truyện Kiều của hoàng gia triều Nguyễn

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học của Việt Nam. Các bản chép tay truyện Kiều cổ từng được biết đến, song mới đây nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo công bố bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn mà chúng tôi thấy có nhiều thông tin thú vị...

Bản chép tay Truyện Kiều của hoàng gia triều Nguyễn

TIN MỚI

Return to top