ClockThứ Ba, 20/02/2024 08:29

Diều rồng Huế tung bay trên bầu trời quốc tế

TTH - Không chỉ nổi tiếng trên “bản đồ diều” với những cánh diều khổng lồ từng tung bay ở nhiều nơi trên thế giới, Nguyễn Đăng Hoàng còn được xem là tay chơi cừ khôi khi tạo tác vô số con diều độc đáo, tạo nên thương hiệu “diều Hoàng”. Trong số đó, diều rồng - một biểu tượng của quyền uy, sức mạnh thiêng liêng qua đôi bàn tay tài hoa của Hoàng để rồi chao lượn trên bầu trời tại những cuộc trình diễn, liên hoan quốc tế khiến bao người trầm trồ, thán phục.

Thưởng lãm và trải nghiệm Diều HuếLễ hội Diều Huế diễn ra từ 16 - 23/4

Đầu rồng qua đôi bàn tay chế tác tài hoa của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng. Ảnh: Phan Thành 

Khó nhớ hết những con diều rồng theo chân Hoàng đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Nhưng nhắc về con diều rồng ấn tượng nhất, Hoàng đáp ngay: “Đó là con diều rồng dài 150m, nặng 9kg. Con diều này được mình kéo trên bầu trời quê hương, phía trước Đại Nội Huế vào Festival năm 2002”.

Quyền uy diều rồng

Đến với thú vui tao nhã này từ năm 12 tuổi, giờ đây cậu bé Hoàng ngày nào đã là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực diều Huế khi vừa bước qua tuổi 46. Tiếp chúng tôi vào ngày cuối năm, Hoàng đang bận rộn chạy đua thời gian với những con diều rồng theo đơn đặt hàng từ các vị khách phương Nam lẫn ngoại quốc. “Diều rồng ngoài thả còn được những vị khách đặt để làm trang trí…”, vừa cặm cụi uốn éo từng thanh tre, Hoàng vừa bắt đầu kể về cơ duyên đến với diều của mình. Cùng ở khu phố Gia Hội, ngày ngày ngang qua nhà nghệ nhân diều Huế - Nguyễn Văn Bê và chứng kiến người sau này là thầy mình sáng tạo từng con diều với đủ hình hài, sắc màu lung linh, cậu bé Hoàng đã bị cuốn hút khi nào không hay.

Diều rồng của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng.  Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Sau mỗi giờ học, Hoàng lại lân la ngắm nghía công việc ông Bê. Thấy có niềm đam mê và linh tính như mách bảo đây chính là truyền nhân, nghệ nhân lão luyện trong làng diều Huế đã quyết định truyền nghề, cầm tay chỉ việc cậu bé Hoàng đến với thú vui “cưỡi gió tìm mây”. Những ngón nghề tinh xảo trong cách chế tác, tính toán tốc độ gió, độ dài và sự cân xứng cho đến những kỹ thuật điêu luyện khi điều khiển diều được thầy Bê tận tâm truyền giảng cho Hoàng. Trong số đó, diều rồng có lẽ là một trong những loại diều khó nhất, không chỉ tốn kém thời gian mà đòi hỏi sự kỳ công trong mọi công đoạn.

“Phải uốn dựng khung tre sao cho đầu ngẩng cao, miệng há rộng, lộ rõ bộ răng nhọn, bờm và râu dài uốn lượn…”, anh Hoàng vừa nói vừa thị phạm. Người nghệ nhân này nói thêm về tre làm diều đó là loại tre lồ ô, dẻo, lóng dài để dễ uốn và chống được mối mọt. Một khi khung đầu xong mới đến công đoạn dán vải, đó là loại vải xoa vừa dễ trang trí nhưng lại chịu lực cản của gió tốt. Phần đuôi cũng quan trọng không kém, phải tính toán hệ mâm tròn được dàn trải đều từ trên xuống dưới, để tạo được sự cân xứng cũng như mềm mại, đưa ra thu vào một cách dễ dàng và tiện di chuyển.

Tùy theo sở thích mỗi người, nhưng với Hoàng, việc trang trí cho diều rồng vẫn theo lối truyền thống với chất liệu sơn dầu bằng 5 màu chủ đạo: đỏ, cam vàng, lục, tím. “Trang trí phần đầu mất thời gian nhất, bởi đó là bộ mặt, nơi thể hiện được sự quyền uy, mạnh mẽ của con rồng. Công đoạn này cần sự nắn nót và tập trung tối đa chẳng khác gì người họa sĩ sáng tác tác phẩm hội họa”, Hoàng ví von và bảo rằng, để hoàn thiện một con rồng mất chừng 30-40 ngày. Và để con diều rồng không chỉ nặng mà còn dài hơn cả trăm mét bay lên được bầu trời, tối thiểu gió phải ở mức cấp 3 hoặc 4 và cần khoảng 6 người nâng kéo.

Từ bầu trời quê hương ra bầu trời thế giới

Nhờ sự điêu luyện trong tạo hình và kỹ năng tính toán theo bản năng cũng như kinh nghiệm “thuận tự nhiên” mà con diều rồng của Hoàng cứ mỗi lần xuất ngoại luôn nhận được sự quan tâm của giới chơi diều cũng như công chúng ngoại quốc. Từ Pháp, Ý cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, cứ mỗi lần điều khiển con diều rồng bay giữa bầu trời cùng hàng trăm con diều đến từ các quốc gia khác, Hoàng lại rưng rưng cảm xúc tự hào. Đó là niềm tự hào khi được đại diện cho Việt Nam không chỉ thi thố mà còn là cầu nối quảng bá giá trị văn hóa, tôn vinh nghệ thuật truyền thống “múa rối trên không” của Huế đến với bạn bè năm châu.

 Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng trong trang phục áo dài truyền thống, bên lá cờ Tổ quốc trong một dịp đi tham dự lễ hội diều ở nước Ý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có kỷ niệm trong đời Hoàng không bao giờ quên trong dịp đến Pháp biểu diễn. Vừa đặt chân đến đất nước này, một vị khách bản địa đã săn đón Hoàng với ước muốn sở hữu được con diều rồng mà nghệ nhân đại diện cho Việt Nam mang sang. Nghĩ đơn giản, Hoàng bảo “ừ thôi, để lại con diều rồng cho anh ta, rồi mình lấy con diều khác để thi thố cũng được”. Thế rồi khi ban tổ chức hay tin đã không đồng ý, đề nghị Hoàng bằng mọi giá phải tìm cách “chuộc” lại con diều rồng về để biểu diễn, rồi sau đó muốn làm gì cũng được.

“Thế là mình một phen há hốc chạy đi tìm lại. Vị khách ấy khi đó đã chuyển con diều ấy lên thủ đô Paris - Hoàng kể lại với giọng hồi hộp như chuyện vừa mới trải qua - Nhưng khi nghe mình giải thích, anh ấy cũng kịp đưa con diều rồng về lại để mình mượn trình diễn”. Ngày được kéo lên, cánh diều rồng của Hoàng với phong cách, đường nét riêng tung lượn trên bầu trời nước Pháp trong sự ngưỡng mộ và hấp dẫn đến mê đắm của người yêu nghệ thuật diều từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về.

Ông Lê Phùng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế - người từng đi với Hoàng ở một số liên hoan diều tại các nước trên thế giới đã không khỏi thán phục tài năng cũng như niềm đam mê với diều, và trên hết đó là cống hiến để quảng bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Những lần như thế, diều rồng của Trung Quốc cũng xuất hiện, nhưng con diều nước bạn dù được làm một cách tinh xảo với công nghệ tiên tiến đến mấy vẫn không cuốn hút bằng nghệ thuật làm diều thủ công truyền thống Huế.

“Nơi nào Hoàng đến và trình diễn diều rồng, nơi đó mọi người lại ngạc nhiên và thán phục. Họ thán phục bởi vẻ đẹp và ngạc nhiên bởi sự lớn nặng như thế mà vẫn có thể bay được trên không”, ông Phùng hồi tưởng.

Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bay cao những cánh diều

Lần đầu tiên sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, lễ hội Diều Huế 2022 được tổ chức từ 16 đến 23/4 tại Công viên Tứ Tượng...

Bay cao những cánh diều
Khai mạc “Lễ hội Diều Huế 2019”

Sáng 8/6, Sở Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, TP. Huế tổ chức Lễ hội Diều Huế 2019. Đây là một điểm nhấn trong chuỗi lễ hội, sự kiện gắn với du lịch diễn ra trong năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khai mạc “Lễ hội Diều Huế 2019”
Đa sắc diều Huế

Hơn 100 con diều đủ loại của hai CLB Diều Huế và CLB Diều Anh Vũ đã tụ hội tại lễ hội diều Huế nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2018 diễn ra vào chiều 27/4 tại Nhà văn hóa TP. Huế (65 Trần Hưng Đạo, TP. Huế).

Đa sắc diều Huế
Tính cách Huế

Tại sao người Huế không làm diều Huế, không làm đèn lồng để bán mà phải nhập từ nơi khác về? Kỹ nghệ làm diều chắc chắn không nơi nào “qua mặt” được Huế.

Tính cách Huế

TIN MỚI

Return to top