ClockChủ Nhật, 13/10/2019 05:53

Cuối đêm

TTH - Họ ngồi trên vỉa hè. Ba người. Với một cây ghi-ta. Những âm thanh lẫn vào góc phố. Chừng như cũng không ai để ý đến mấy người đàn ông đã không còn trẻ. Cả chúng tôi nữa, ghé vào cũng vì đó là nơi còn bán nước giải khát khi đã cuối đêm.

Duỗi được đôi chân sau chặng đi dài là một trạng thái dễ chịu. Nhưng rồi tôi nhận ra, sự dễ chịu ấy còn đến từ âm điệu quen thuộc mình đã chọn làm nhạc chờ điện thoại. Quay lưng lại với tôi, và có lẽ cũng là người già nhất, người đàn ông trông đắm đuối lắm khi vừa ôm đàn, vừa hát. Không thấy, nhưng tôi hình dung những ngón tay chơi vơi khi thả những giai từ “phố vẫn hoang vu từ lúc em đi/rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…”

Hải Phòng đêm ấy chỉ có một chút gió. Phố Minh Khai cũng không mấy dài. Mà cũng có thể vì chỗ tôi ngồi khá gần đầu đường. Cách một tầm mắt đã là ngã tư. Cách vài bước có một dãy bàn ghép lại để đủ chỗ cho một đoàn phụ nữ. Họ chắc đến trước chúng tôi một lúc vì thức uống vẫn chưa vơi đi là bao. Bên đó xông xênh hơn với váy áo nhưng hình như cũng ít rôm rả chuyện trò. Không biết có phải vì những ca từ được cất lên từ phía bên này không.

Tôi cất điện thoại vào túi khi gặp xốn xang. Đâu đó là những mùa cũ. Những thương nhớ cũ đã vùi cất ùa về trong bất chợt. Không cụ thể, chỉ là sự đánh thức những cảm xúc. Có lẽ ai rồi cũng từng có lúc tự dỗ dành và cất nép mình, để thương tiếp những gì đang có…Ca từ của bài hát không hẳn là tiếc nuối. Nhiều hơn là ngậm ngùi. Thế nên tôi tin, chí ít thì nó cũng là sự “điểm danh” ở không ít người. Như người đàn ông quay lưng lại phía tôi kia, chừng như ông đang lấy tiếng từ trong ký ức. Như người đàn ông trẻ hơn kế cạnh đang nhắm mắt để trôi trong vào giai điệu. Như cậu chủ mải hòa lời mà quên mất là phục vụ chưa mang nước uống được gọi theo khẩu vị, khách chừng như cũng quên đi cơn khát để nhè nhẹ đưa người theo điệu nhạc.

Bên cạnh tôi, Ngà chừng như cũng bị “điểm danh” khi khe khẽ hát theo từ lúc nào. Cô gái vừa xa chồng mới cưới để đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến công tác. Chiếc mũ lưỡi trai vẫn treo trên mái tóc dài nhưng dáng ngồi trông đã bồn chồn. Cách mà Ngà bẽn lẽn lắc đầu khi người đàn ông trong nhóm quay lại mời hát cùng, trông dễ thương như một cô gái nhỏ.

Nhưng Ngà cũng làm tôi bắt đầu nghĩ khác về cô, khi nghiêng vai về phía tôi bảo nhỏ “Mấy bác nói hay, cô nhỉ!”. Đó là khi người đàn ông ôm đàn bung những nốt cuối, rồi nói với những người ngồi cùng “lời gian dối cũng xin qua rồi thật đấy, nhưng cứ còn gọi thầm tên nhau, là được!…”

Ngân Hạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng xử văn minh với vỉa hè

Hơn một năm nay, mỗi lần ngang qua khu vực Thành nội vào tầm chiều tối, tôi hay ghé mắt vào khu vực vỉa hè đường Mai Thúc Loan, tuyến cắt ngang với đường Lê Thánh Tôn. Chẳng phải tò mò hay có cảnh gì vướng mắt, mà vì ngay nút giao 2 phố có ghè sữa đậu nành nóng “nhà làm” mà chủ là người bạn của tôi từ thời cấp tiểu học.

Ứng xử văn minh với vỉa hè
Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

Ngày 27/2, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết: hai DA đầu tư chỉnh trang vỉa hè dọc tuyến Quốc lộ 1 (QL1A) qua trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền với tổng mức đầu tư 87tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 85% kế hoạch, góp phần tạo điểm nhấn và kết nối các đô thị ở địa phương này.

Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

TIN MỚI

Return to top