ClockThứ Năm, 16/01/2014 11:09

Nồng cay hương gừng

TTH - Khi những lò mứt đỏ lửa là những người trong xóm tôi thấy vui vì nhờ đó sẽ có việc làm, kiếm thêm được một khoản tiền lo sắm Tết.

Thân quen lắm với chủ lò và khéo tay thì được nhận làm công bắt mứt. Việc bắt mứt tuy nhẹ nhàng song cũng phải làm khi mứt chưa bị nguội mới hiệu quả. Một công đoạn khác quan trọng nhưng vất vả không kém là cạo gừng, làm sạch vỏ trước khi bào mỏng đem đi luộc. Muốn nhận được việc này cũng phải có chút ít quen biết và đảm bảo lượng gừng sau khi cạo không hao quá nhiều.

Gừng tươi nhận về được rửa qua, sau đó đổ vào những chiếc thùng, chiếc chậu to ngâm nước cho mềm vỏ. Tiếp đó là dùng dao, muỗng căn cơm, nắp chai bia và các dụng cụ tự tạo khác làm sạch vỏ, loại bỏ đất bám ở các khe nhỏ là được. Củ gừng xù xì, xấu xí qua công đoạn này như được mặc một lớp áo mới vàng mơ, sạch sẽ. Nói thì đơn giản vậy nhưng bắt tay vào làm mới thấy lấy được tiền người ta không dễ chút nào. Cứ mỗi đợt cạo vỏ gừng xong, 10 ngón tay trở nên nhăn nheo đầy vết cắt chằng chịt do sơ ý khi làm việc. Ám ảnh nhất là hơi nóng của gừng cứ bừng bừng trên hai bàn tay đến nỗi người đắp chăn bông nhưng khi ngủ, đứa nào đứa nấy đều đưa hai tay ra ngoài vì nóng không chịu nổi. Nhỏ bạn hàng hàng xóm ngồi kể rằng, có lần nó đã mơ thấy hai tay bén lửa bốc cháy nhưng khi tỉnh lại mới biết là vì cạo vỏ gừng nên bị “tự kỷ ám thị”.

Cạo mỗi cân gừng hồi ấy tiền công được tính từ 500 đến 1.000 đồng tùy nơi nhưng nếu cả nhà cùng làm chăm chỉ, mỗi đêm kiếm được chừng 20.000 đồng đến 30.000 đồng, gần Tết tích cóp cũng được nửa triệu đồng hoặc hơn. Cách đây mười bảy, mười tám năm về trước, số tiền này có thể giúp một gia đình sắm được nhiều thứ cho ngày Tết. Có nhà đông người còn bỏ thêm tiền túi, mua được sợi dây chuyền vàng tây đeo cho con. Thấy bạn năm ngoái bỗng chốc lên đời đeo vàng, mấy đứa tụi tôi mê lắm, đua nhau làm quên ăn, quên ngủ. Rảnh là phi ra ngồi lúi húi cạo mấy rổ gừng, đêm làm đến một, hai giờ sáng mới chịu đi ngủ. Chính vì mê kiếm tiền nên có đứa bỏ bê học hành, bài kiểm tra toàn lượm “ngỗng”, lượm “trứng”. Riêng mẹ tôi thì khác, bao giờ mẹ cũng ngồi dò bài xem thử chị em tôi đã thuộc chưa rồi mới cho ra sân làm việc.

Sau mỗi đợt cân gừng sạch trả cho chủ lò, họ lại cho chúng tôi những miếng gừng nhỏ bị gãy trong quá trình gọt, bào để về nấu nước chè. Hơn thế là những bì mứt gừng vụn ngọt lịm, cay cay khiến bọn con nít nhà nào nhà nấy mừng rơn. Sung sướng nhất là được nhận tiền công toàn đợt sau những ngày 20 Tết để đi mua sắm, đứa đòi áo, đứa đòi bánh kẹo, đồ chơi. Riêng chị em tôi nhịn mua sắm để bỏ heo đất, hai năm tích cóp như thế, nhà tôi sắm được một chiếc máy cassete nghe nhạc mini. Của chẳng đáng là bao nhưng mỗi lần mở nhạc tưng bừng, chị em tôi vỗ ngực tự hào khoe với bạn: “tiền công tao cạo gừng mua được đó nghe”!

Bây chừ những lò mứt ở Kim Long ngày càng ít hơn do nhu cầu tiêu thụ giảm. Xưa mới tới đầu xóm đã nghe mùi gừng quyện đường nồng nàn trong gió, giờ thì vắng hẳn. Nhà ai bỏ món mứt gừng trong ngày Tết chứ nhà tôi thì không. Mẹ tôi bảo cái món đó là đặc trưng của Tết truyền thống, uống trà mà không có mứt gừng, miệng lạt lẽo chi chi. Và hơn thế, nó đã đem đến cho nhà tôi mấy cái Tết vui vẻ ấm cúng. Nhắc đến ngày Tết càng không thể quên một thời nồng cay hương gừng…

A. Túc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top