ClockThứ Năm, 25/06/2015 11:41

Gió nam trời hạn

TTH - Trưa ni bước ra sân cơ quan gặp một cơn mưa nhẹ ngang qua, lắc rắc vài giọt giữa trời đang gay gắt nắng rồi thôi. Mưa ni ở làng kêu là “mưa ngoi nam”; cứ có mưa như ri là gió phơn nóng Tây Nam hay còn gọi là gió Lào bắt đầu thổi về từng cơn khô khốc. Làng mình phía bắc Huế, cách Quảng Trị cũng chừng 15 cây số nên gió nam cũng là một thứ “đặc sản” của mùa hè. Gió thổi từ tờ mờ sáng cho đến khi tắt mặt trời, nhường lại cho những cơn gió nồm phơi phới thổi từ biển vô. Những ngày nghỉ hè, mẹ tôi vẫn thường thức mấy anh em dậy sớm, kẻo không thì bị “gió nam đè” phải đến trưa trằn mấy bò dậy nổi.

Gió nam, buổi sáng sớm thấy còn dễ chịu nhưng khi mặt trời lên cao thì kêu trời không thấu vì có gió mà không thấy mát; gió như thổi từ một lò lửa ra làm mấy ngọn cây se sắt lại…Gió nam thổi khoảng 3 ngày là ruộng đồng bắt đầu cạn nước đúng vào kỳ lúa đang lên xanh. Từ đồng xa đến đồng gần những bộ tròn trào được dựng lên tát nước chống hạn. Quê tôi cái gàu tát nước được gọi là bộ tròn trào (tròn là cái gàu bằng nhôm và trào là ba cây tre khô chụm lại với nhau). Mà tát nước cho lúa cũng phải đi từ sáng sớm hoặc chiều xuống, khi mà gió nam chưa kịp thổi hoặc vừa mới dứt nước ở các con kênh mới chịu dâng lên. Cái cảnh tát nước đêm trăng thanh bình đã được thi vị hóa bây chừ chắc không còn nữa khi mà máy móc phục vụ cho nông nghiệp đã được trang bị đầy đủ giúp sức cho người. Thật diệu kỳ là trong cái vất vả cơ cực của nhà nông ngày trước vẫn lấp lánh tình yêu đời, yêu người bằng câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng - Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Cũng có một địa điểm mà gió nam thổi mát đó là ngã ba của xóm, nơi có mấy bụi tre cán giáo luôn rì rầm tiếng chim và hai bên là hai con khe nước chảy. Đó cũng là nơi lý tưởng để mấy đứa con nít chơi trò chong chóng quay. Gió càng mạnh chơi chong chóng càng thấy thích.Chong chóng thì đủ loại, đơn giản nhất là lấy cái mo nan tre cắt ra làm chong chóng, chong chóng bằng giấy cũng có, chong chóng bằng lá dứa của mấy đứa con gái khéo tay, kỳ công nhất là cắt tôn mè làm chong chóng. Chong chóng tôn bền chắc lại phát ra âm thanh vui tai khi quay. Thỉnh thoảng hứng chí quá chuyển qua chơi trò chong chóng đánh nhau kêu lẻng xẻng…Chơi trò chong chóng chán chê suốt buổi sáng, đến trưa đứng bóng mấy thằng rủ nhau đi bắt con đam hay còn gọi là con cua đồng. Có lần nghe bài hát có câu “Sáng sớm đi bắt cua đồng” tôi đã phì cười vì tác giả còn thiếu kinh nghiệm quá. Mấy con đam đào hang ở hai bên bờ ruộng, bờ khe thường chui sâu rất khó tìm; chỉ khi mặt trời đứng bóng, nóng quá chịu không nổi phải bò ra ngoài liền bị túm gọn. Đam sau ni thành món đồng quê dân dã nơi quán nhậu chứ thời nớ làng tôi không ai ăn đam, chỉ bắt về chơi rồi cho nó bò đi lung tung rứa thôi… Sau này, bà nội tôi khuyên: “Mấy đứa không nên bắt đam mà tội. Tự nhiên nó đang có nhà, có cửa lại bắt nó đi làm gãy càng nó, rồi để nó bò đi lung tung không có đường về nhà…” nên không đứa mô chơi trò bắt đam nữa…

Mưa ngoi nam báo trời hạn hán. Sau cơn mưa ngang qua là gió nam cuốn bụi cát mù mịt, ruộng đồng nứt nẻ. Nhớ làm sao dáng mẹ gầy quang gánh liêu xiêu ngược gió sau buổi chợ sáng để về nhà kịp nấu buổi trưa cho mấy thằng con ăn rồi chỉ biết rong chơi…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top