ClockThứ Năm, 15/01/2015 17:02

Tôn vinh giá trị một di tích

TTH - Bà Nguyễn Thị Thuần Hoa, sĩ quan QĐND Việt Nam đã về hưu ở Hà Nội, là cháu ngoại của Quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Sau nhiều lần về thăm quê, nay đã ở vào tuổi ngoài 90, bà Thuần Hoa đã quyết định bán ngôi nhà đang ở, tích cóp số tiền lớn trên 800 triệu đồng để xây dựng 1 từ đường cho Ngài vệ Chánh hầu Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, ngay trong khuôn viên phủ thờ “Ông Tướng” tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy).

Nghĩa cử của bà Nguyễn Thị Thuần Hoa một lần nữa làm sống lại câu chuyện về phủ thờ “Ông Tướng” lâu nay vẫn được xem là phủ thờ cụ Thuyết. Kỳ thực vào cuối thế kỷ 19, chính đại danh tướng Tôn Thất Thuyết là người đã bỏ tiền ra xây dựng phủ thờ này để tưởng nhớ Ngài Quốc Uy Quân Nguyễn Phúc Thuần và cũng là nơi an dưỡng để những lúc mệt mỏi với công việc trở về nghỉ ngơi. Nguyễn Phúc Thuần là con trai thứ tư của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1619- 1667). Còn Tôn Thất Thuyết là hậu duệ đời thứ 6 của Ngài. Phúc Thuần vừa mới 20 tuổi đã được tướng sĩ đồng thanh và được Hiền Vương phong làm Nguyên súy thống lĩnh quân Nguyễn, nổi tiếng qua trận chiến kéo dài từ tháng 7-1672 đến tháng 3-1673 khiến quân Trịnh phía bắc không thể đánh thắng, buộc phải đồng ý bãi binh, lấy sông Gianh làm ranh giới, mở đầu cho thời kỳ lịch sử Đàng Ngoài - Đàng Trong. Yên việc chiến chinh, Phúc Thuần giã từ thế sự và đã chọn ngôi làng Vân Thê cách kinh thành Huế chừng 8 cây số để nghỉ ngơi. Ông cho làm ngôi chùa nhỏ thờ Phật, không tiếp khách, không bàn chuyện đời nữa. Thế nhưng không may, một cơn bạo bệnh đã giết chết ông khi tuổi mới vừa mới 23.

Trở lại với phủ thờ “Ông Tướng” có tên gọi chính thức là phủ Quốc Uy Công. Ghi nhận và tri ân công lao to lớn của quan Đại chính phụ thần, vào năm 1955, nhân kỷ niệm lần thứ 43 năm ngày mất của cụ Tôn Thất Thuyết, Ban quản trị của Phòng Quốc Uy Công đã tổ chức đã lập án thờ thỉnh linh an vị cụ ở hậu đường nhà thờ tổ để tưởng nhớ anh linh người đã khuất. Năm 1994, phủ Quốc Uy Công được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và thường được biết đến với tên gọi phủ thờ Tôn Thất Thuyết. Để rồi, phải đến 20 năm sau đó, từ đường mới được xây dựng gắn với công lao của người cháu ngoại gái.

Bao bọc giữa những cánh đồng làng, con sông nhỏ và xóm quê thanh bình, phủ thờ “Ông Tướng” nổi lên như một điểm nhấn đặc biệt của vùng đất. Xa xa nơi ấy ở phía tây là những đồi núi nhấp nhô. Cũng từ đây có thể vọng về chốn kinh đô xưa và không thật quá xa, chỉ chưa đến 1 canh giờ đi bộ. Từ đường Tôn Thất Thuyết mới được xây dựng trang nghiêm, có quy mô vừa phải, hài hòa với cảnh trí xung quanh như một bổ sung tuyệt vời, giúp cho phủ Quốc Uy Công thêm phần bề thế và trang nghiêm. Còn tôi, có mặt trong ngày khánh thành từ đường của danh tướng Tôn Thất Thuyết trong buổi sáng đầu năm mới dương lịch 2015 lất phất mưa bay, đã cảm nhận được tấm lòng thành và về một sự tôn vinh giá trị của công trình mới này đối với một di tích đã được công nhận. Từ nay có một từ đường Tôn Thất Thuyết, người con danh giá của dòng họ, nằm trong khuôn viên phủ Quốc Uy Công, một di tích lịch sử và là niềm tự hào của con dân làng Vân Thê nói riêng và cả vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top