ClockThứ Năm, 29/07/2010 10:03

Mở rộng cảng Chân Mây

TTH - UBND tỉnh đã có công văn đồng ý về mặt chủ trương đối với đề xuất xin nghiên cứu đầu tư xây dựng bến cảng số 2 của Công ty TNHH NN1TV Cảng Chân Mây. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý với chiến lược phát triển tăng tốc ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: phấn đấu nâng công suất hàng hóa thông qua cảng Chân Mây lên 3,6 - 3,9 triệu tấn/năm đến năm 2015; đồng thời yêu cầu dự án đầu tư xây dựng bến số 2 phải đồng bộ, không khuyến khích phân kỳ đầu tư và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng cảng...

Cảng Chân Mây được đưa vào hoạt động năm 2003, thể hiện quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong chiến lược phát triển giao thông đối ngoại, tạo bước đột phá cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trên hành lang kinh tế Đông Tây nối với khu vực và quốc tế. Với chức năng của một cảng hàng hóa và du lịch của quốc gia, Chân Mây là bến cảng thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”. Năm 2003, Cảng Chân Mây chỉ có 9 tàu cập cảng và 12 ngàn tấn hàng xếp dỡ khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tương lai của nó.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau - năm 2005, Cảng Chân Mây tiếp nhận 145 tàu, trong đó có 42 tàu quốc tế với 6 tàu du lịch; sản lượng hàng xếp dỡ trên 310 ngàn tấn và trên 2.500 khách lên bờ. Năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế chung bị suy giảm, Cảng Chân Mây đón 233 tàu, trong đó có 81 tàu quốc tế với 15 tàu du lịch; sản lượng hàng hóa xếp dỡ trên 1 triệu tấn và hơn 20.400 khách lên bờ... Thông qua hoạt động, cảng đã tạo việc làm ổn định cho hơn 210 lao động với thu nhập bình quân trên 3,4 triệu đồng/người/tháng; đóng góp và hoàn trả ngân sách tỉnh gần 15,4 tỷ đồng... 
 
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH NN1TV Cảng Chân Mây, sự phát triển Cảng Chân Mây không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mà điều quan trọng nhất là góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là với KKT Chân Mây - Lăng Cô trong vùng kinh tế động lực của miền Trung. Mấy năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình... đã chọn Cảng Chân Mây xuất nhập hàng hóa thay vì vào Cảng Đà Nẵng nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí vận tải. Hàng hóa trung chuyển đến Lào, Thái Lan qua Cảng Chân Mây cũng gần hơn so với vào cảng Đà Nẵng. Nhiều tàu du lịch cập cảng Chân Mây để đưa du khách cùng lúc đi tham quan các di sản văn hóa nhân loại tại Cố đô Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng...
 
Trong năm nay, ngoài việc tăng năng lực hoạt động, Cảng Chân Mây đang dốc sức cho việc chuẩn bị kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng bến số 2 với quyết tâm khởi công xây dựng càng sớm càng tốt... Vậy là, sau hơn 8 năm đi vào hoạt động, Cảng Chân Mây đang đứng trước cơ hội đầu tư phát triển mới trên hành trình hướng tới một cảng biển quốc gia sầm uất ở miền Trung. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho sự cất cánh của khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong tương lai.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top