ClockThứ Sáu, 13/03/2015 17:32

Lợi ích sẽ lớn hơn sự phản kháng

TTH - Đây là một trong những điều mà ông Tony Blair - cựu Thủ tướng Anh chia sẻ với nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các cơ quan quản lý, các bộ ngành và các tập đoàn lớn của Nhà nước tại hội thảo “Vai trò mới của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” do Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Dĩ nhiên, vấn đề được đặt câu hỏi, thảo luận nhiều nhất ở chủ đề này là điều gì đã, đang và sẽ xảy ra trong quá trình thay đổi với vai trò mới của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)? Vấn đề nào và những trở lực gì sẽ diễn ra trong quá trình cải cách và xác lập một vai trò mới khi các DNNN sẽ được cổ phần và tư nhân hóa?

Nhưng trên hết và lớn nhất vẫn là hiệu quả mà những cải cách, thay đổi đang được đề ra và hướng tới cho các DNNN trong nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, từ 12.000 DNNN vào thập kỷ 90, số DNNN hiện chỉ còn 800 và điều này có được là nhờ quá trình cổ phần hóa DNNN. Nhưng dẫu vậy, điều mà Bộ trưởng quan ngại là hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn chưa như mong đợi. Tỷ trọng cổ phần hóa trong các DNNN tại các Tập đoàn kinh tế lớn có nơi chỉ đạt 5% và thực sự là không thấy có nhiều thay đổi khi mà cách vận hành, quản trị DNNN cổ phần hóa vẫn giữ nguyên như cũ.

Với Kinh nghiệm sau 10 năm làm Thủ tướng Anh và từ những tìm hiểu, đánh giá, khảo sát nghiên cứu sự đóng góp của DNNN vào nền kinh tế tại 6 quốc gia (Anh, Nhật Bản, Brazil, Mehico, Ba Lan và Hungary) cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Văn phòng Tony Blair được thực hiện từ năm 2012; nhất là việc tập trung nghiên cứu tháng từ 4-2014 đến đầu năm 2015 về các nội dung kinh nghiệm quốc tế về cải cách DNNN, xây dựng khung khổ pháp lý và triển khai thí điểm mô hình hợp tác công tư PPP; hợp tác trong lĩnh vực cải thiện chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam từ tháng 4-2014 đến nay, một mặt ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam đã tạo ra được tiền đề quan trọng để tạo ra sự phát triển thịnh vượng trong tương lai qua việc đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình đổi mới và cải cách DNNN nhưng mặt khác, ông cũng đưa ra những khuyến cáo rằng, không phải mọi doanh nghiệp tư nhân đều hiệu quả và là tốt nhất, nhưng nhìn chung, nếu học được cách tư nhân hóa tốt nhất sẽ là hiệu quả. Cũng theo ông, song hành với cải cách DNNN phải là việc cải cách, phát triển kinh tế khu vực tư nhân để tạo ra một sự thay thế có tác động tích cực và hiệu quả cho xã hội.

Tất nhiên, để hướng đến một sự vận động và phát triển trong từng điều kiện cụ thể của những quốc gia cụ thể, với những vấn đề cụ thể trong việc xác lập vai trò mới của DNNN lại là một quá trình và là cả một câu chuyện dài, đa diện và phức hợp, không chỉ cần sự đồng thuận mà còn là sự mạnh mẽ và quyết liệt trong điều hành từ vĩ mô đến vi mô bên cạnh các bài học kinh nghiệm đã được chia sẻ. Điều mà tôi thích trong câu chuyện của cựu Thủ tướng Anh là khi ông nói rằng, thay đổi luôn khó khăn, vì khi thay đổi một hệ thống bao giờ cũng có người không thích sự thay đổi đó. Tuy nhiên, thời gian cũng đã chứng minh lợi ích sẽ lớn hơn sự phản kháng. Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đồng quan điểm khi ông cho rằng, phản đối, mâu thuẫn sẽ làm cải cách tốt hơn và đổi mới mà đưa ra ai cũng gật thì chẳng thể gọi là đổi mới gì cả.

Điều này cũng sẽ tạo nên động lực mới về sự thay đổi ở một phần việc và lĩnh vực cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị chứ không chỉ là ở cấp độ vĩ mô như xác lập vai trò mới của DNNN.

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top