ClockThứ Năm, 16/04/2015 17:12

Lấy tiền có văn hóa

TTH - Không đơn giản khi du lịch được gọi là ngành công nghiệp không khói. Điều đó hàm chứa nhiều thông điệp, khi du lịch được kỳ vọng tạo được nhiều việc làm, đem lại lợi nhuận cao, hiệu quả lớn, mở ra bước tăng trưởng kinh tế có tính bước ngoặt, đột phá.

Trên thực tế, đã hình thành nhiều quốc gia có thu nhập cao, ngân sách ổn định nhờ phát triển du lịch. Đặc biệt, tính ưu việt vượt trội của du lịch là có thể tạo ra dòng tiền theo chân du khách mà không phải trả giá đắt cho môi trường như phát triển công nghiệp đơn thuần.

Tuy nhiên, để trở thành một ngành kinh tế hái ra tiền, bản thân từ công nghiệp đòi hỏi một cách thức tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, hoàn hảo. Chưa kể, cái khó của du lịch là ở chỗ, đây là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên kết mà bất cứ sự trục trặc ở khâu nào, cũng đều ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Đặc biệt, yếu tố con người được xem là bí quyết tạo nên phần lớn thành công cho một sản phẩm, một diểm đến. Gọi nôm na là kỹ nghệ làm du lịch đòi hỏi hàm lượng văn hóa cao. 

Nói như Đại đức Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Hương, thì “Lấy tiền từ túi khách du lịch cũng phải có văn hóa”. Theo vị đại đức ở chùa Hương, một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở nước ta, thì “cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền văn hoá kinh doanh. Đừng để du khách có cảm giác bị ép buộc phải móc tiền trong túi ra”.

Ý kiến của Đại đức Thích Minh Hiền cũng là một vấn đề thời sự đang đặt ra cho ngành du lịch Huế và không ít địa phương làm du lịch khác trước nạn chèo kéo, chụp giật, tranh mua tranh bán đây đó còn cộm lên, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt.

Khảo sát về cái tạm gọi “nghệ thuật moi tiền” vốn nổi tiếng của người Thái, có người đã nói tới sự trái ngược, “phần cứng thì mềm” khi giá tour du lịch Thái Lan thường khá thấp trong khi “phần mềm thì giá lại cao”. Có tiền mới đi du lịch và đi du lịch là để xài tiền. Nắm chắc yếu tố này nên cỗ máy du lịch Thái Lan vận hành theo kiểu thu hút du khách vào càng nhiều càng tốt, sau đó mới lấy tiền một cách hợp lý nhất. Người Thái rất hiền, buôn bán đàng hoàng, thân thiện, không hề thấy cảnh chèo kéo bán hàng, làm tội làm tình du khách, nhưng họ lại có những cách “móc túi” rất dễ thương mà du khách khó có thể từ chối được. Điển hình như mấy cô cậu “săn ảnh” du khách sau đó bán lại, mua hay không cũng cười, không năn nỉ. Thế nhưng, đã có không ít người sẵn sàng bỏ tiền cho tấm ảnh kỷ niệm của mình. Người ta tính rằng, với tỷ lệ 3/10 người chịu mua (giá 150 bath/tấm) thì mỗi ngày, chỉ riêng điểm du lịch Hoàng cung, tiền bán ảnh thu được đã lên đến khoảng 240 triệu VNĐ!

Suy cho cùng, với tư cách là một ngành kinh tế, mục tiêu lớn nhất của du lịch là kiếm tiền. Vậy nhưng, đó phải là nghệ thuật, phải thực sự có văn hóa mới lâu bền và phát triển được.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top