ClockThứ Năm, 09/10/2014 09:03

Chờ mùa mưa tới

TTH - Ông cha mình đã có hẳn một tháng chạp để lo chuyện mồ mả ông bà. Trong cách nghĩ của người Việt, tháng chạp có nghĩa là “tháng chạp mả”. Vậy nhưng, chi tộc tôi ở Dạ Lê thì lại là một trong số trường hợp ngoại lệ, chạp mả ông bà vào mồng chín tháng chín âm lịch. Đôi lần thắc mắc nhưng cũng chẳng được giải thích rõ ràng, mà chỉ là sự ậm ờ của những bậc cao niên. Còn tôi tự hào, mấy chục năm nay rồi, dù nắng dù mưa, không bao giờ bỏ sót ngày linh thiêng này của dòng tộc. Và, điều mà tôi cảm nhận được là, cũng vì ngày chạp mả vào tháng chín nên bà con gặp nhau bao giờ cũng có cùng chung một nỗi lo, sợ trời mưa lớn, sợ lụt về.

Năm nào cũng vậy, lo chạp khi mô cũng có phương án hai, đề phòng mưa to gió lớn. Năm nay không ngoại lệ, phòng xa nên ông chú tôi tranh thủ vác cuốc đi chạp trước một số ngôi mộ ở xa, sợ bất chợt mưa bão kéo về lại khốn. Thế rồi, không những chẳng mưa mà vào ngày chạp trời nắng như thiêu như đốt. Câu chuyện trong bữa giỗ do thế loanh quanh ở cái xuýt xoa, lạ hè năm ni nắng dữ, chưa thấy mưa bão chi cả. Tôi hiểu rồi, đó cũng nỗi lo chính đáng bởi đã có câu rằng: “Tới ngày trùng cửu không mưa/ Cha con làm ruộng bán cày bừa mà ăn”.

Mưa tháng sáu ở Huế được ví như “máu rồng” hay như tháng bảy, tháng tám chẳng hạn là thứ “mưa ngâu” đầy thi vị, còn với tháng chín này là loại mưa lụt, mưa bão, nhà nhà coi chừng đó mà lo xa và đề phòng: “Tháng chín, tháng mười, ai cười mang tơi”. Thật ra, tháng chín chỉ là thời điểm mở đầu của mùa mưa bão ở Huế, kéo dài đến tận tháng chạp. Mưa bão có thể chưa dữ dội bằng những tháng sau, nhưng đó là sự khởi đầu của cả vòng quay có chu kỳ một năm, nên có ở đây tâm lý chờ đợi. Huế nổi tiếng nhất nước là xứ mưa và người ta tính rằng ba phần tư lượng mưa ở Huế dồn vào 4 tháng, bắt đầu từ tháng chín và kết thúc đâu chừng tháng mười hai âm lịch. Chẳng ai thích cái thứ mưa bão, lụt lội làm đổ nhà, trốc cây, gây nên bao thảm cảnh đau thương của các gia đình, làng mạc.

Khác với Nam Bộ hay ở một số nơi, xứ Huế làm ruộng mỗi năm 2 vụ. Tôi nghĩ, đó cũng là cách ứng phó, luồn lách khỏi vấn nạn mưa bão của Huế mình. Qua khỏi Trung thu là “rơm khô thóc khén”, lúa đã lên chồ để bắt đầu từ tháng chín âm lịch trở đi là khoảng thời gian được gọi bằng cái tên là lạ “thời điểm nông nhàn”. “Nhàn” là bởi không có công việc ở ngoài đồng, chứ còn đó là bao nỗi lo toan với bộn bề công việc phải tính, phải làm. Lo cái ăn cho cả một mùa mưa Huế kéo dài. Đề phòng những ngày mưa bão chỉ quanh quẩn chuyện “chạy lụt” và chống bão, người dân ở các làng quê Huế xưa lo nhiều lắm việc để dành các thứ lương thực và thực phẩm, kiểu như các thứ khô (cá khô, sắn khô…) hay các thứ mắm (mắm dưa, mắm tôm, mắm cá…). Rồi nữa, để dành được đồng trự nào là bỏ vào dựng lại cái tra, cơi thêm cái nền, lợp lại mái tranh… để mùa lụt bão về đỡ khổ hơn trước.

Chẳng ai thích chi cảnh mưa to và gió lớn, bão chồng lên bão, lụt chồng lên lụt, rồi mưa gió liên miên. Thế nhưng, thiếu những khoản “trời hành” thì lại đợi, lại chờ. Nó lạ mà không quá khó hiểu. Tôi đã nghĩ tới cái tâm lý chờ đợi mưa bão của người dân Huế như một người lo xa có công việc cần phải làm mà không thể chối từ, vậy nên thôi thì làm mau mau cho xong chuyện để còn tính đến việc khác. Mà đúng vậy, ví như người dân vùng ven đô quê tôi, “hết ruộng sang rậy (rẫy)”. Bao nhiêu chuyện đang nằm trong tính toán của kẻ nông dân, nào “đặt” sắn, nào “lôn” khoai, nào “vại” ném, nào “trỉa” đậu... Tất cả phải chờ đó, sau bão và sau lụt, để đất ngấm nước và mềm, để mưa bão không còn hoành hành.

Còn nửa tháng chín, tháng mười tới rồi mà nước chẳng ngập đồng thì đó là hệ lụy của việc không có mưa bão như lệ thường. Tuy chẳng đến nỗi như xưa “cha con làm ruộng bán cày bừa mà ăn” nhưng đó cũng là cảnh báo về một mùa vụ tiếp theo và cả sau đó nữa những khó khăn mà các làng quê phải gánh chịu trong công việc đồng áng. Cái lý “chờ mùa mưa tới” của người dân Huế và những kẻ vẩn vơ như tôi bắt đầu từ đó…

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top