ClockThứ Năm, 16/10/2014 06:19

“Ao nhà”

TTH - Nhắc chuyện tiềm năng, có lẽ cũng giống như một người bạn luôn kể hoài những câu chuyện cũ. Dù bạn có nhấn nhá, có thay đổi một vài trọng âm, vài câu chữ đi chăng nữa thì người đối diện cũng chỉ nghe một cách lơ đễnh, nghe cho có, cho phải phép... Nhưng ngay cả việc đặt ngược lại vấn đề, là đã khai thác, phát huy tiềm năng ấy như thế nào thì câu chuyện cũng chưa hẳn là có điều gì mới, khi những động thái để tạo nên sự chuyển động vẫn chưa thấy đâu. Hoặc là nó quá nhỏ để có cảm giác thật sự về sự xê dịch.

Là tôi cũng chỉ muốn nói về một vấn đề cũ, mà mới đây, trên Báo Thừa Thiên Huế có hẳn một phóng sự hai kỳ Du lịch biển: Tiềm năng nhiều, khai thác ít. Đó có lẽ cũng là một cách đánh giá lại khi mùa du lịch biển ở Thừa Thiên Huế đã đi qua. Vấn đề ở đây cũng không có gì khác hơn là chất lượng dịch vụ. Tất nhiên, tên của các thương hiệu lớn không nằm trong danh sách những điều được đánh giá, dù đó luôn là cái được khát khao hướng đến và kỳ vọng.

Nhiều lần, và ít nhất là hai lần, anh Đặng Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đã phát biểu tại hội nghị cấp tỉnh rằng, với cách làm “ăn xổi ở thì” như hiện nay, dù có bãi biển gần và tất nhiên là đẹp, nhưng với những gì đã có và đang có, việc khai thác lợi thế như ở Thuận An và cả vệt bờ biển tiếp theo chưa hề thuận. Có lẽ, vấn đề đặt ra trên diễn đàn chính là ở các khía cạnh khai thác, tổ chức và chất lượng dịch vụ - những yếu tố mà ngay đến những khách hàng bình dân nhất cũng không cảm thấy hài lòng. Khi lắng nghe điều ấy, tôi lại cứ mường tượng về những dãy quán không thể gọi là bền vững lâu dài trên biển, những chiếc bàn, chiếc ghế nhựa cũ váng bởi thời gian, khu chế biến thức ăn khá nhếch nhác, nhất là những khi đông khách và những khu vệ sinh kiêm luôn phòng tắm tạm bợ không hiểu vì sao lại như một định dạng có sẵn ở Thuận An, Phú Thuận... Những định dạng làm khách cứ ngần ngại mãi rồi cuối cùng phải tặc lưỡi về một sự lựa chọn. Và điều đáng buồn hơn là không hiểu vì sao mà ni lông, vỏ bánh, vỏ đậu, vỏ chai nhựa và đủ mọi thứ rác linh tinh khác lại vương vãi nhiều đến thế trên bờ biển. Ngay cả khi lao mình xuống nước, người ta vẫn có khi vướng phải những bao ni lông dật dờ giữa những con sóng...

Và ngay khi gõ những điều này, tôi vẫn cứ nhớ về cảm giác ái ngại đã có khi dẫn những đồng nghiệp đến từ nhiều nơi đi qua một rặng dương tràn đầy bao nhựa các loại trước khi xuống biển.

Nếu lấy điểm để nhìn diện, thì việc khai thác và phát huy lợi thế các bờ biển cho số đông vẫn chưa được chú trọng. Những đầu tư của mùa này chưa hẳn đã là cho cả mùa sau, cũng như việc kéo khách trở lại chưa được chú trọng, cả ở những đầu tư nhỏ lẻ đến những đầu tư bài bản hơn. Cả trong chiến lược phát triển của một địa phương sở tại đến một định hướng dài hơi cho một lĩnh vực vốn dĩ chúng ta có tiềm năng và lợi thế.

Tâm lý ta về ta tắm ao ta có lẽ vẫn còn quá đậm trong phân khúc thị trường khách về biển nội địa và nội tỉnh - nếu có thể gọi như vậy. Và điều này, mặc nhiên sẽ biến chất lượng nghỉ dưỡng và dịch vụ trên các bờ biển vốn đầy lợi thế thành những “ao nhà” tùng tiệm nếu không có một kế hoạch dài hơi cùng những đầu tư ngắn và dài hạn.

Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top