Thể thao

Cơ hội cho bi sắt

ClockChủ Nhật, 03/12/2023 07:47
TTH - Bi sắt được nhiều người dân Huế đam mê, có bề dày thâm niên và không quá tốn kém. Hãy tạo cho bộ môn thể thao này cơ hội để đầu tư phát triển và vươn xa.

Khởi tranh Giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023

Bi sắt - môn thi đấu thể thao không độ tuổi 

Môn chơi không độ tuổi

Bi sắt có tên gọi quốc tế là pestanque và cùng được gọi một cách dân dã là bun, chơi bun. Bi sắt được khai sinh tại Pháp cách đây hơn 110 năm và du nhập vào Việt Nam ở thập niên 40 của thế kỷ trước. Dễ chơi, dễ tập luyện, không cầu kỳ sân bãi nên môn bi sắt từ lâu đã trở nên gần gũi với những người dân Huế và nhiều địa phương trong tỉnh.

Nhìn qua tuy dễ, nhưng bi sắt lại đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự bền bỉ. Về luật chơi, đội chơi có một và hai vận động viên (VĐV), mỗi người cầm ba viên bi sắt, đội chơi có ba VĐV mỗi người cầm hai viên bi sắt. Bi sắt thường được tổ chức trên sân đất nện hoặc sân đất nện rải đá dăm. Kích thước sân cho các trận thi đấu quốc gia và quốc tế rộng 4m dài 15m, các trận đấu khác không được nhỏ hơn 3m x 12m. Người chơi đứng trong vòng tròn có đường kính 35cm - 50cm, nằm cách đường biên cuối sân và biên ngang 1m.

Mỗi đội hoặc một đối thủ được cầm viên bi điểm nhỏ ném trước. Các trọng tài dùng thước để đo khoảng cách giữa các bi sắt và bi điểm. Bi điểm được xem là hợp lệ khi nằm cách xa vòng tròn từ 6m đến 10m và cách hai biên dọc 1m. Sau khi đối thủ ném viên bi điểm, VĐV còn lại có nhiệm vụ đầu tiên là bo (hay lăn) viên bi của mình sao cho gần viên bi điểm. Khi bo viên bi gần viên bi điểm nhất, người đó được xem là thắng. Người còn lại có nhiệm vụ bắt viên bi của đối phương đi nơi khác. Mỗi người được phát ba viên bi để bo. Nếu bo hết cả ba viên thì ai có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận là thắng điểm. Các trận thi đấu đến 13 điểm.

Dễ thấy, dân Huế thuộc loại “nghiện” chơi bun. Cũng dễ thấy, người Huế đã và đang tập luyện chơi bun theo kinh nghiệm, người đi trước bày người đi sau. Ông Trần Duy Văn là một “bun thủ” chia sẻ, ông chơi bun đã gần 50 năm nay. Đây là trò chơi mà bất kỳ tuổi tác nào cũng chơi được và cách để người già rèn luyện sức khỏe. Còn ông Mai Dược, cũng là tay bun có hạng thì khoe, năm nay 78 tuổi đã theo “nghiệp bun” mấy chục năm nay nên ông cho rằng, không có môn chơi nào phù hợp với người lớn tuổi như bun do di chuyển rất nhiều (mỗi ván đấu từ 8 – 15km) nhưng không căng thẳng, máu huyết nhờ thế lưu thông tốt.

Mở sân chơi cho bun

Cuối tháng 9/2019, Thừa Thiên Huế tổ chức Giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh. Dù chỉ diễn ra trong 2 ngày, thu hút 40 VĐV đến từ 10 CLB tham gia nhưng đây đã là một cố gắng của ngành thể thao tỉnh nhà nói chung, Trung tâm Thể thao Huế nói riêng. “Dù là lần đầu tiên tổ chức, ít nhiều mang tính “thăm dò”, nhưng bi sắt cho thấy được nhiều người đón nhận. Đây là cơ sở để ngành thể thao phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa”, ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT Sở Văn hóa & Thể thao (VHTT) bấy giờ chia sẻ.

Mới đây, Giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh lần thứ IV - 2023 do Sở VHTT Thừa Thiên Huế tổ chức quy tụ hơn 45 VĐV đến từ 10 CLB bi sắt trên địa bàn. Ở hạng từ 51 tuổi trở lên, ông Trần Duy Văn là VĐV thuộc CLB Phu Văn Lâu 2 vẫn là tay bun có hạng khi cùng ông Huỳnh Văn Huế đoạt chức vô địch đôi nam. Ông Văn còn về nhì ở hạng đấu này ở nội dung đơn nam. Vô địch là VĐV Nguyễn Ngọc Hải (CLB Ken) và đứng thứ 3 là VĐV Nguyễn Văn Hoàng (CLB Gia Hội). Trong khi đó, xếp hạng nhì và ba ở đôi nam là 2 cặp VĐV Trương Đình Toàn - Đặng Quang (CLB Phước Vĩnh) và Nguyễn Xuân – Nguyễn Ngọc Hải (CLB Ken).

Ở hạng tuổi 36 - 50, các VĐV Đặng Văn Nguyên (CLB Phu Văn Lâu 2), Hoàng Ngọc Zony (CLB Phu Văn Lâu 1) và Nguyễn Hữu Tâm (CLB Ken) lần lượt giành giải nhất, nhì và ba nội dung đơn nam. Ở nội dung đôi nam, giải nhất thuộc về cặp VĐV Hồ Long Hùng - Nguyễn Văn Đen (CLB Bãi Dâu 1), cặp VĐV Nguyễn Trung - Đặng Văn Nguyên (CLB Phu Văn Lâu 2) giải nhì và giải ba thuộc về cặp VĐV Trần Văn Châu - Hoàng Ngọc Zony (CLB Phu Văn Lâu 1). Ở nội dung đơn nam dưới 35 tuổi, Nguyễn Nam Em (CLB Ken) đoạt giải nhất, Hồ Văn Thanh Hải (CLB Ken) giải nhì và Bùi Tuấn Khanh (CLB 2 Lê Quý Đôn) giải ba.

Theo ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, bi sắt là bộ môn nằm trong nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc và không ít lần xuất hiện tại SEA Games. Môn này thích hợp với nhiều lứa tuổi, trong đó có những người cao tuổi. Thừa Thiên Huế có phong trào chơi bi sắt phát triển khá mạnh trong cộng đồng và hoàn toàn có cơ hội để phát triển. Một trong những tiêu chí của giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh là quy tụ được các vận động viên phong trào tham gia giao lưu thi đấu, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng phong trào môn bi sắt trên địa bàn tỉnh.

Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định bi sắt là một thể thao cần tập trung đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa cùng với bida, võ cổ truyền, bóng bàn, thể hình, bóng rổ, quần vợt, bóng đá bãi biển, bóng đá futsal, dance sport, bowling. Hy vọng, tương lai không xa, bi sắt Thừa Thiên Huế sẽ có sự góp mặt xứng đáng ở các đấu trường cấp quốc gia và khu vực.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
Return to top