Thế giới

Ứng dụng công nghệ trong gìn giữ hòa bình cần hiệu quả và bảo mật

ClockThứ Năm, 19/08/2021 15:45
Việt Nam nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Hội đồng Bảo an LHQ cần cân nhắc đến tính hiệu quả, khả năng chia sẻ và truy cập thông tin một cách bảo mật.

Việt Nam ủng hộ giải pháp chính trị toàn diện, bầu cử đúng hạn ở LibyaViệt Nam đề cao hợp tác LHQ-EU trong giải quyết thách thức toàn cầu

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận mở về cải thiện vấn đề an toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ngày 25/5. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Ngày 18/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận mở về vấn đề sử dụng công nghệ trong bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình và dân thường dưới sự chủ trì của ông Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - nước chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Tại đây, Việt Nam nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong gìn giữ hòa bình và bảo vệ thường dân cần đảm bảo hiệu quả và bảo mật.

Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres cho rằng các cuộc xung đột trong những thập thập niên gần đây có xu hướng kéo dài, phức tạp, sử dụng vũ khí chiến tranh ngày càng tối tân, trong khi biến đổi khí hậu, yếu kém kinh tế-xã hội tiếp tục làm gia tăng xung đột và gây thương vong trong dân thường.

Trong bối cảnh đó, công nghệ số được xem là một trong những cơ hội lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất của thời đại hiện nay.

Tổng Thư ký Guterres nhận định công nghệ số đóng vai trò chủ đạo kết nối các cộng đồng, thúc đẩy y tế, giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cũng như có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động gìn giữ hòa bình an toàn, hiệu quả hơn, nhưng cần được quản lý một cách có trách nhiệm.

Song song với cơ hội, công nghệ mới cũng đặt ra những thách thức to lớn như truyền bá tư tưởng cực đoan, thông tin sai lệch, tấn công mạng, làm lu mờ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, gia tăng nguy cơ xung đột, đòi hỏi các chính phủ cần tăng cường hợp tác quản lý.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng thông tin về nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động gìn giữ hòa bình, nổi bật là việc thông qua chiến lược chuyển đổi số của lực lượng gìn giữ hòa bình gần đây.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong các bối cảnh xung đột phức tạp.

Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp tăng cường khả năng thực hiện sứ mệnh của các phái bộ gìn giữ hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh cho nhân sự gìn giữ hòa bình và bảo vệ dân thường, trong đó công nghệ có tiềm năng to lớn.

Tuy nhiên, nhiều nước nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ trong hoạt động gìn giữ hòa bình cần chú trọng yếu tố trách nhiệm, phù hợp, đáng tin cậy, với các quy định rõ ràng và được cập nhật thường xuyên để đáp ứng tình hình thay đổi.

Một số nước cũng cho rằng việc sử dụng công nghệ cần đáp ứng các nguyên tắc gìn giữ hòa bình và tôn trọng chủ quyền của các nước tiếp nhận quân.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng hoạt động gìn giữ hòa bình ngày càng chứng tỏ vai trò là công cụ quan trọng của Liên hợp quốc trong thúc đẩy, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tạo điều kiện cho lực lượng gìn giữ hòa bình hoàn thành sứ mệnh và giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong gìn giữ hòa bình cũng cần cân nhắc đến tính hiệu quả, khả năng chia sẻ và truy cập thông tin một cách bảo mật; sự phù hợp với năng lực công nghệ và đào tạo công nghệ của mỗi nước cử quân, cũng như cách thức lựa chọn và ứng dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất trong các bối cảnh khác nhau.

Tại phiên họp này, Hội đồng Bảo an đã đồng thuận thông qua Tuyên bố Chủ tịch về công nghệ với gìn giữ hòa bình và thông qua Nghị quyết Về chống tình trạng không xét xử các hành vi phạm tội nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình.

Nghị quyết kêu gọi các nước tiếp nhận thúc đẩy xét xử, truy cứu kẻ phạm tội giết hại và mọi hình thức bạo lực chống lại nhân viên gìn giữ hòa bình, ghi nhận sự cần thiết hỗ trợ các nước tiếp nhận trong nỗ lực này và kêu gọi hợp tác với các phái bộ tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình.

Tuyên bố Chủ tịch về Công nghệ và gìn giữ hòa bình thúc đẩy các nước thành viên Hội đồng Bảo an tăng cường lồng ghép các công nghệ sẵn có, công nghệ mới trong hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt tập trung vào các công nghệ thực địa, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Martech Đà Nẵng 2025: Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ

Giải bóng Martech Cup 3 miền và sự kiện Martech Đà Nẵng 2025 không chỉ là một cơ hội để các đội bóng giao lưu, tranh tài mà còn là nơi các chuyên gia, doanh nhân, marketer và các tổ chức khám phá và cập nhật những công nghệ, chiến lược mới nhất trong lĩnh vực marketing và công nghệ.

Martech Đà Nẵng 2025 Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ
Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Return to top