Thế giới

Tỷ lệ tử vong do đuối nước trên toàn cầu giảm 38% kể từ năm 2000

ClockThứ Bảy, 14/12/2024 17:35
TTH.VN - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (13/12) vừa công bố báo cáo đầu tiên về phòng ngừa đuối nước, cho thấy tỷ lệ tử vong do đuối nước trên thế giới đã giảm 38% kể từ năm 2000. Đây là “một thành tựu quan trọng về sức khỏe toàn cầu”.

Đừng để cứ hè lại khóc “đuối nước”Công bố dự án hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững phòng chống đuối nước trẻ em

Đuối nước được xem là nguyên nhân gây tử vong do thương tích đứng thứ ba trên toàn thế giới. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng đuối nước vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn với hơn 30 người ước tính bị đuối nước mỗi giờ và 300.000 người tử vong do đuối nước chỉ riêng trong năm 2021. Đuối nước được xem là nguyên nhân gây tử vong do thương tích đứng thứ ba trên toàn thế giới, trong đó gần 1/2 số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở những người dưới 29 tuổi và 1/4 xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em không có người lớn giám sát có nguy cơ tử vong do đuối nước “đặc biệt cao”.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết “sự sụt giảm đáng kể số ca tử vong do đuối nước kể từ năm 2000 là một thông tin tuyệt vời và là bằng chứng cho thấy các biện pháp can thiệp đơn giản, thiết thực mà WHO khuyến nghị là có hiệu quả. Tuy nhiên, số ca tử vong vì đuối nước vẫn nhiều và hàng triệu người vẫn có nguy cơ chết đuối...”

Cũng theo báo cáo, tiến độ giảm tình trạng đuối nước diễn ra không đồng đều. Ở cấp độ toàn cầu, 9/10 số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong giai đoạn 2000-2021, khu vực châu Âu chứng kiến tỷ lệ tử vong do đuối nước giảm 68%, nhưng tỷ lệ này chỉ giảm 3% ở châu Phi, nơi có tỷ lệ chết đuối cao nhất trong số các khu vực với 5,6 ca tử vong trên 100.000 người. Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ cam kết quốc gia nhằm giải quyết vấn đề này khi trong khu vực châu Phi, chỉ có 15% các quốc gia có chiến lược hoặc kế hoạch quốc gia về phòng ngừa đuối nước, so với 45% các quốc gia ở khu vực châu Âu.

“Đuối nước vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn, nhưng có thể đạt được tiến triển, đặc biệt là nếu chính phủ hợp tác với các đối tác hoạt động mạnh ở địa phương”, ông Michael R. Bloomberg, người sáng lập Bloomberg L.P. và Bloomberg Philanthropies, Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm và thương tích, khẳng định. 

WHO cho rằng nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, hơn 7,2 triệu người - chủ yếu là trẻ em, vẫn có thể tử vong do đuối nước vào năm 2050. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp tử vong do đuối nước có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện các biện pháp can thiệp do WHO khuyến nghị.

Theo đó, WHO đề xuất một loạt các hành động dựa vào cộng đồng để phòng ngừa đuối nước như: lắp đặt các rào chắn để ngăn trẻ em tiếp cận với nước; dạy trẻ em trong độ tuổi đi học về an toàn bơi lội dưới nước cơ bản và các kỹ năng cứu hộ an toàn; tăng cường nhận thức của công chúng về đuối nước; và cải thiện quản lý rủi ro lũ lụt…

Báo cáo phát hiện ra rằng các biện pháp can thiệp phòng ngừa đuối nước dựa trên bằng chứng của WHO đang được triển khai trên khắp thế giới ở các mức độ khác nhau. Đáng khích lệ là 73% các quốc gia có dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn, và 73% các quốc gia khác triển khai các chương trình giảm thiểu rủi ro lũ lụt dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, chỉ có 33% các quốc gia cung cấp các chương trình đào tạo về cứu hộ và hồi sức an toàn, và chỉ có 22% lồng ghép đào tạo về bơi lội và an toàn dưới nước vào chương trình giảng dạy tại các trường học trong nước.

Một điều đáng lo ngại nữa là 86% các quốc gia hiện không có luật bắt buộc lắp đặt rào chắn xung quanh hồ bơi - đây chính là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng trẻ em chết đuối trong một số trường hợp nhất định.

Báo cáo của WHO được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của một quốc gia thành viên thông qua Nghị quyết 76.18 của Đại hội đồng Y tế thế giới, tóm tắt những thành tựu và thách thức đối với công tác phòng ngừa đuối nước trên toàn cầu và đưa ra những chuẩn mực để theo dõi tiến độ. Báo cáo toàn diện này cũng nhấn mạnh rằng công tác phòng ngừa đuối nước đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp của toàn xã hội. 

Được biết, hồi tháng 5/2024, quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies đã công bố tài trợ thêm 60 triệu USD để mở rộng các giải pháp đã được kiểm chứng nhằm ngăn ngừa tử vong do đuối nước và đảm bảo cuộc sống an toàn, khỏe mạnh hơn và lâu dài hơn cho người dân ở Bangladesh, Ghana, Ấn Độ, Uganda, Mỹ và Việt Nam, nâng tổng số tiền tài trợ phòng chống đuối nước của Bloomberg Philanthropies trên toàn cầu lên 104 triệu USD.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các quốc gia thành viên WHO:
Tiến triển đáng kể về dự thảo thỏa thuận giải quyết các đại dịch trong tương lai

Sau hơn 3 năm đàm phán chuyên sâu, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/4 đã đạt bước tiến lớn trong nỗ lực làm cho thế giới an toàn hơn trước các đại dịch, với việc soạn thảo một dự thảo thỏa thuận để xem xét tại Kỳ họp thường niên Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5 tới đây.

Tiến triển đáng kể về dự thảo thỏa thuận giải quyết các đại dịch trong tương lai
Một trường hợp tử vong khi tham gia giải chạy

Ngày 7/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, đơn vị đã tiếp nhận 4 trường hợp cấp cứu đến từ Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa khi tham gia một giải chạy trên địa bàn thành phố. Các ca bệnh này được theo dõi do sốc nhiệt mức độ vừa đến nghiêm trọng.

Một trường hợp tử vong khi tham gia giải chạy
Động đất tại Myanmar: WHO kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28/3 đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và đang huy động trung tâm hậu cần của mình ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất – UAE) để chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa động đất tại Myanmar trước đó cùng ngày.

Động đất tại Myanmar WHO kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp
Return to top