|
Trẻ em và thanh, thiếu niên chính là đối tượng phổ biến bị mắc tiểu đường type 1. Ảnh minh họa: iStock |
Tính đến năm 2021, hơn 222.000 trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn cầu mắc bệnh tiểu đường type 1, một tình trạng tự miễn dịch mãn tính cần tiêm insulin hàng ngày để kiểm soát. Không giống như nhiều trường hợp của tiểu đường type 2, bệnh này không thể phòng ngừa thông qua chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.
Tuy nhiên, trong khi số lượng trẻ em mắc tiểu đường type 1 tăng đều đặn trong những thập kỷ gần đây thì tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn 4.280 ca tử vong vào năm 2021, nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics cho biết.
Theo Tiến sĩ Xiaodong Sun, một trong những tác giả của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y khoa Sơn Đông (Trung Quốc), xu hướng này phản ánh “những tiến bộ trong quản lý và chăm sóc”. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, “việc giải quyết vấn đề phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em vẫn còn rất phức tạp”, Tiến sĩ Sun nhấn mạnh.
Bệnh tiểu đường ở trẻ em có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau này, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về thị lực, về bàn chân do tổn thương dây thần kinh và các tình trạng sức khỏe khác.
Gánh nặng bệnh tiểu đường vẫn đang gia tăng
Nghiên cứu phát hiện ra rằng trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em tăng nhẹ từ năm 2019 đến năm 2021, từ 10,9 ca lên 11,1 ca trên 100.000 trẻ, trong đó Đông Âu chứng kiến sự gia tăng lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Theo dữ liệu cơ bản từ Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME), tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em có sự khác biệt lớn trên khắp châu Âu. Đáng chú ý, Phần Lan là nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới, với gần 70/100.000 trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1 vào năm 2021.
Theo các nhà nghiên cứu, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc có thể là một yếu tố. Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết những trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1 đều sống ở các quốc gia có thu nhập cao, có khả năng là do bệnh nhân ở đó dễ được tiếp cận với việc chẩn đoán kịp thời hơn.
Một số chuyên gia khác cho rằng môi trường cũng có thể một yếu tố tác động. Các quốc gia phía Bắc như Phần Lan ít tiếp xúc với bức xạ cực tím qua ánh sáng mặt trời hơn - vốn có thể phần nào bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường vì nó dường như làm chậm phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Nhiều khu vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh tiểu đường ở trẻ như Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ - nơi có nhiều trẻ bị tiểu đường hơn bất kỳ nơi nào khác, trong khi tỷ lệ tử vong cao nhất do bệnh tiểu đường là ở phía đông châu Phi cận Sahara.
Nhấn mạnh “gánh nặng bệnh tiểu đường vẫn còn rất lớn” ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, Tiến sĩ Sun cũng đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp sớm như theo dõi rủi ro di truyền và các phương pháp điều trị miễn dịch mới. Ông khẳng định “những biện pháp này rất quan trọng để cải thiện kết quả và giảm tác động toàn cầu của bệnh tiểu đường ở trẻ em”.