ClockThứ Ba, 05/09/2017 14:31

Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ai Cập

Nhân dịp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/9 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phóng viên tại Cairo đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long về quan hệ ngoại giao hai nước cũng như ý nghĩa chuyến thăm lịch sử sắp tới của nhà lãnh đạo Ai Cập.

Dư luận Ai Cập đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống El SisiTổng thống Ai Cập có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/9. (Nguồn: lleastafrica.com)


Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Ai Cập tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963, mở ra trang sử mới trong quan hệ song phương.

Chuyến thăm thể hiện Ai Cập mong muốn phát triển và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục...

Theo Đại sứ, trong suốt chặng đường lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Ai Cập và Việt Nam đã duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp và sẵn sàng ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, cũng như trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long khẳng định hai nước có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Đặc biệt, Việt Nam và Ai Cập có rất nhiều điểm tương đồng. Hai nước có quy mô dân số và trình độ phát triển tương đương nhau.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, kết quả hợp tác thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư... thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập mới đạt trên 350 triệu USD năm 2016. Trong khi đó, hợp tác đầu tư hầu như chưa có gì.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống El-Sisi là một dấu mốc vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam. Điều này cho thấy Ai Cập rất coi trọng Việt Nam và xem Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại hướng Đông của mình.

Chuyến thăm của Tổng thống sẽ mang lại nhiều kết quả và tạo ra một nền tảng tốt, mở ra cơ hội để hai bên hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như thương mại, đầu tư, văn hóa và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, nhân chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi, hai nước đã chuẩn bị nhiều văn kiện để ký kết. Những văn kiện này đã được cấp chuyên gia kỹ thuật bàn thảo chi tiết và thống nhất vào ngày 22/8 vừa qua nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Đầu tư và hợp tác quốc tế Ai Cập Sahar Nasr.

Đến thời điểm này, hai bên đã hoàn thiện dự thảo 20 văn bản khác nhau và dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập.

Về những lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam và Ai Cập có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, nhưng chưa có nền tảng, cơ sở đầy đủ để khai thác những tiềm năng này, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và đầu tư.

Theo Đại sứ, hai nước cần giải quyết một số vấn đề, như cơ chế tạo điều kiện cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên. Điều này phải được giải quyết bằng những nền tảng cơ bản, như hành lang pháp lý, hệ thống thanh toán. Mối quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp cũng cần được phát triển. Ngoài ra, đầu tư cũng là lĩnh vực tiềm năng cần được khai thác, vì hai bên có những thế mạnh đầu tư khác nhau.

Ai Cập và Việt Nam cần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên thông qua các cơ quan như Phòng Thương mại và công nghiệp hai nước, các hiệp hội doanh nhân hai nước, đặc biệt là hiệp hội doanh nhân ở những thành phố lớn.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho biết một ưu tiên nữa mà Việt Nam và Ai Cập có thể khai thác là hợp tác về văn hóa. Hai nước đã hợp tác tốt trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong những năm vừa qua. Nhưng để hợp tác tốt hơn, cần có một thỏa thuận khung về hợp tác văn hóa. Tới đây, Bộ Văn hóa hai nước sẽ ký một số hiệp định hợp tác văn hóa.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã đề xuất tạo điều kiện cho hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nghệ sỹ hai nước, tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các thành phố lớn của hai bên, thành lập các hội hữu nghị giữa các thành phố lớn.

Đại sứ quán cũng đang đề xuất với phía bạn một chương trình quảng bá hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ai Cập bởi Bác từng đặt chân tới Ai Cập 3 lần và là người đặt nền móng cho mối quan hệ hai nước.

Ngoài ra, để phát triển một cách lâu dài và bền vững hơn nữa, hai nước tiếp tục tính đến những lĩnh vực hợp tác quan trọng như chính trị, an ninh-quốc phòng, chống khủng bố...

Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh đây là những lĩnh vực mà Việt Nam và Ai Cập cần quan tâm và ưu tiên./. 

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường hợp tác Việt Nam - New Zealand

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 14/11 đã khởi động chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam. Bên cạnh sứ mệnh thương mại, giới quan sát cho biết bà Ardern cũng muốn nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - New Zealand
Các doanh nghiệp Đan Mạch kỳ vọng lớn vào cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Thái tử kế vị Frederik cùng Công nương Đan Mạch dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/10-3/11. Theo nhận định của Đại sứ nước ta tại Đan Mạch - Lương Thanh Nghị trong cuộc chia sẻ với phóng viên TTXVN tại thủ đô Copenhagen thì nhiều doanh nghiệp lớn của Đan Mạch đang quan tâm nghiêm túc, tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh và sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp Đan Mạch kỳ vọng lớn vào cơ hội đầu tư tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top