ClockThứ Ba, 30/04/2019 10:04

Nhật hoàng Akihito sẽ làm gì sau khi thoái vị?

Nhật hoàng Akihito thoái vị chiều nay, đánh dấu sự kết thúc của triều đại Heisei kéo dài 30 năm với nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao ngài thoái vị, nghi lễ thoái vị diễn ra như thế nào, ngài sẽ làm gì tiếp theo?

10 cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nhật hoàng AkihitoNiên hiệu cho thời kỳ mới của Nhật Bản sẽ được công bố hôm nayHơn 75.000 người tham dự lễ sinh nhật thứ 85 của Nhật hoàng AkihitoNhật Hoàng nói lời tạm biệt trong ngày sinh nhật trước khi thoái vị

Nhật hoàng Akihito đọc một thông điệp hiếm hoi phát qua truyền hình tại hoàng cung vào ngày 7/8/2016 - Ảnh: AP

Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, sẽ kết thúc 3 thập niên trị vì dưới triều đại Heisei (Bình Thành) của ông vào hôm nay 30/4, khi ông thoái vị và truyền ngôi lại cho con trai cả là hoàng thái tử Naruhito. Ông là Thiên hoàng đầu tiên trong vòng 200 năm qua thoái vị khi đang tại thế.

Sau đây là 5 câu hỏi quan trọng vào thời khắc lịch sử khi đất nước mặt trời mọc bước sang trang mới với triều đại Reiwa (Lệnh Hòa):

1. Tại sao Nhật hoàng Akihito thoái vị và sự kiện này khác với những lần kế vị thông thường ra sao?

Viện dẫn những lo ngại về tuổi tác cao và sức khỏe giảm sút, tháng 8-2016, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ nguyện vọng thoái vị. Thông điệp của Thiên hoàng không có thực quyền nhưng được xem là biểu tượng của đất nước Nhật Bản này đã nhận được sự ủng hộ của người dân Nhật, mở đường để được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận.

Vì luật Hoàng gia Nhật Bản không có điều khoản về việc cho phép một Thiên hoàng đang trị vì thoái vị và hầu như chỉ cho phép thái tử kế vị sau khi phụ vương qua đời, cho nên Quốc hội Nhật Bản phải ban hành một đạo luật áp dụng một lần duy nhất cho phép đương kim Thiên hoàng Akihito thoái vị.

Nhật hoàng Akihito trên đường đến thăm một đền thờ ở Ise trong ảnh chụp ngày 28/11/1990 - Ảnh: AFP

Sự thoái vị nằm một phần trong số những thay đổi mà Nhật hoàng Akihito mang đến cho hoàng cung: Nhật hoàng Akihito là Thiên hoàng đầu tiên kết hôn với một thường dân mà hiện tại là hoàng hậu Michiko, đồng thời ngài đã yêu cầu được hỏa táng sau khi băng hà - một quyết định phá vỡ truyền thống mai táng kéo dài nhiều thế kỷ.

2. Ai sẽ nối ngôi?

Hoàng thái tử Naruhito, con trai cả trong số 2 người con trai của Nhật hoàng Akihito, sẽ kế vị "Ngai vàng Hoa Cúc" vào ngày 1/5, đánh dấu sự bắt đầu của triều đại mới có niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).

Là một người yêu thích âm nhạc và đi bộ, vị thái tử 59 tuổi này đã có 2 năm sống tại Oxford (Anh) và có một nghiên cứu về các hệ thống vận tải sông Thames vào thế kỷ 18 sau khi học ngành lịch sử tại ĐH Gakushuin.

Nhật hoàng Akihito (phải) và hoàng thái tử Naruhito vẫy tay tại hoàng cung ở Tokyo ngày 2/1/2010 - Ảnh: AFP

Vợ của ông, thái tử phi Masako, là một cựu nhà ngoại giao từng học ở Đại học Harvard (Mỹ). Con của hai người là công chúa Aiko, 17 tuổi, bị cấm nối ngôi theo luật kế vị chỉ dành cho nam giới của Nhật Bản.

Do thái tử Naruhito không có con trai nên em trai ông là thân vương Fumihito sẽ đứng đầu trong danh sách kế vị và tiếp theo chính là Hisahito, con trai 12 tuổi của ông Fumihito.

3. Nghi lễ thoái vị diễn ra như thế nào?

Nhật hoàng Akihito sẽ thông báo thoái vị theo nghi lễ Hoàng gia vào chiều nay 30-4 và về lý thuyết ông vẫn là đương kim Thiên hoàng cho tới nửa đêm, khi triều đại Heisei (Bình Thành) của ông chấm dứt và thái tử Naruhito nối ngôi.

Nhật hoàng Akihito thăm lăng tẩm của cha ông là cố Nhật hoàng Hirohito ở Hachioji, tây Tokyo ngày 23/4/2019 - Ảnh: AFP

Vào sáng 1/5, với nghi thức đầu tiên trong vai trò tân Nhật hoàng, ngài Naruhito sẽ tiếp nhận những vật tượng trưng cho hoàng vị như kiếm, bảo ngọc, quốc ấn (quốc tỉ) và triện hoàng đế.

Ngoài các quan chức chính phủ, chỉ các thành viên hoàng gia là nam đã trưởng thành mới được phép tham dự lễ thoái vị và lễ đăng cơ. Tuy nhiên, phải đến tháng 10-2019, lễ đăng cơ chính thức của ngài Naruhito mới được tổ chức với sự tham dự của các quan khách từ trong và ngoài nước.

4. Nhật hoàng Akihito sẽ làm gì sau khi thoái vị?

Ngài Akihito sẽ có một cách gọi mới là Thiên hoàng danh dự, nhưng ông sẽ không còn nắm giữ những trách nhiệm chính như ký các tài liệu, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, dự các sự kiện chính phủ và thực hiện các nghi lễ trong hoàng cung. Thậm chí ngài cũng không dự nghi lễ kế vị của con trai và gần như biến mất khỏi công chúng.

Ảnh chụp ngày 27/8/2013 cho thấy Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko chơi tennis tại khu nghỉ dưỡng Karuizawa ở tỉnh Nagano - Ảnh: AFP

Các hoạt động của cựu Nhật hoàng sẽ mang tính riêng tư để không can thiệp vào triều đại của tân Nhật hoàng. Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito sẽ tham gia các hoạt động như đi thăm bảo tàng, xem hòa nhạc hay tiếp tục nghiên cứu loài cá bống mà ông yêu thích.

5. Ngoài Nhật, lễ thoái vị còn diễn ra ở đâu?

Lễ thoái vị gần nhất của Nhật Bản diễn ra cách đây 200 năm trong suốt thời kỳ Edo, khi Thiên hoàng thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Ninko, trong khi ông được nhận một danh hiệu cao hơn.

Hoàng thái tử Naruhito (trái), Nhật hoàng Akihito (thứ hai từ trái sang) và các thành viên khác trong hoàng gia Nhật Bản dự một buổi nhã nhạc mùa xuân gagaku trong cung điện ở Tokyo hồi tháng 3 - Ảnh: KYODO

Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI, 85 tuổi, tuyên bố từ chức vì tuổi cao và sức khỏe yếu, nhường lại vị trí cho Giáo hoàng Francis. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một Giáo hoàng thoái vị trong vòng 600 năm.

Trong khi đó, vua Juan Carlos của Tây Ban Nha thoái vị ở tuổi 76 và nhường nhôi cho vua Felipe vào năm 2014 giữa nhiều bê bối. Luật kế vị cho phép điều này xảy ra đã được điều chỉnh chỉ trong 2 tuần.

Vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã thoái vị sau thời gian trị vì lâu dài từ năm 1975 - Ảnh: GETTY

Ở Hà Lan, năm 2013, nữ hoàng Beatrix, 75 tuổi, đã thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Alexander. Alexander trở thành người nối ngôi là nam giới đầu tiên của Hà Lan trong hơn 1 thế kỷ qua.

Ở Bỉ, vua Albert II, 79 tuổi, nhường ngôi lại cho con trai là Philippe hồi năm 2013 vì lý do sức khỏe.

Năm nay, quốc vương Sultan của Malaysia Muhammad V đột ngột rời bỏ quyền lực sau 2 năm trị vì, đánh dấu trường hợp quốc vương thoái vị lần đầu tiên của Malaysia.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên bổ sung hình ảnh thoái vị của vua Bảo Đại

Như chúng ta đã biết, chiều ngày 30/8/1945, tại cửa Ngọ Môn, dưới sự chứng kiến của hàng vạn Nhân dân Huế, vua Bảo Đại đã đọc chiếu thoái vị và trao kiếm, ấn cho ông Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nên bổ sung hình ảnh thoái vị của vua Bảo Đại

TIN MỚI

Return to top