|
Thanh niên phải dẫn đầu trong hành động xanh chống lại biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: VGP/MT/Báo Điện tử Chính phủ |
Điều này được thể hiện rõ khi vào năm 2023, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công nhận châu Á là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất. Trong đó, Thái Lan thuộc Top 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu trong Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, qua đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết rằng các quốc gia phải hành động.
Khi những mối đe dọa này ngày càng tăng, thanh niên trong khu vực châu Á đã và đang bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng không thể không hành động. Trên khắp châu Á, các nhà lãnh đạo trẻ đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tương lai bền vững hơn.
Với biến đổi khí hậu quyết định quỹ đạo cuộc sống và cơ hội dành cho người trẻ tuổi, có thể nói rằng quan điểm của thanh niên đóng vai trò trung tâm trong phong trào liên thế hệ để thiết kế và thực hiện các chính sách, cũng như giải pháp về khí hậu một cách hiệu quả.
Sự bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra đang khiến thanh niên ngày càng lo ngại về môi trường. Các nghiên cứu cho thấy thanh niên ở Nam Bán cầu, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% thanh niên trên toàn thế giới, phải chịu đựng sự căng thẳng về cảm xúc ngày một nghiêm trọng do tác động từ thảm họa và biến đổi khí hậu.
Ở Indonesia, gần 1/3 thanh niên đã biểu hiện các triệu chứng về rối loạn tâm thần do các mối lo ngại về khí hậu gây ra.
Để giải quyết khủng hoảng khí hậu, những người trẻ tuổi phải được coi là yếu tố quan trọng của sự thay đổi.
Trên khắp Thái Lan và châu Á - Thái Bình Dương, thanh niên cần được tiếp cận với các kỹ năng, kiến thức, nguồn lực và cơ hội cần thiết để lãnh đạo hiệu quả. Đầu tư vào nền giáo dục sẽ trang bị cho những nhà lãnh đạo trẻ công cụ cần thiết để đóng góp vào các giải pháp về khí hậu.
Thêm vào đó, hoạt động cố vấn là một yếu tố quan trọng khác trong việc trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ. Các chương trình này đang dần trở nên nổi bật hơn, trong đó cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và trường đại học tạo ra nhiều nền tảng cho các nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm hướng dẫn thanh niên trong hành động vì khí hậu.
Sự tham gia của thanh niên trong hành động chống lại biến đổi khí hậu phải hướng đến cả nhiệm vụ giải quyết tác động bất bình đẳng về giới. Điều này là do biến đổi khí hậu ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ và trẻ em gái, những người vốn đã bị ảnh hưởng không đồng đều bởi đói nghèo và bất ổn địa chính trị. Phụ nữ sống ở vùng nông thôn đặc biệt dễ bị tổn thương. Học viện Lãnh đạo Thanh thiếu niên về Hành động giới và Biến đổi khí hậu của tổ chức Plan International, được ra mắt với sự hỗ trợ của Quỹ Rockefeller, nhằm mục đích giải quyết sự mất cân bằng này bằng cách cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho phụ nữ trẻ trên khắp Thái Lan, Indonesia và Philippines. Việc ưu tiên phụ nữ trẻ trong tiến trình ra quyết định không chỉ cần thiết để thúc đẩy bình đẳng giới mà còn thúc đẩy triển khai các giải pháp khí hậu hiệu quả hơn.
Các chuyên gia khẳng định, tương lai của hành động vì khí hậu phụ thuộc vào khả năng đầu tư của chúng ta vào thế hệ tiếp theo. Điều này đã được Liên hợp quốc đã công nhận thông qua các sáng kiến như Ủy ban tư vấn khí hậu thanh niên và chiến lược Youth2030. Các sự kiện toàn cầu như COP29 sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo trẻ cơ hội tác động đến chính sách và hành động về khí hậu quốc tế.
Thanh niên trên khắp Châu Á đã sẵn sàng để dẫn đầu. Trách nhiệm của chính phủ các nước và tổ chức quốc tế là đảm bảo họ có công cụ để thành công.