Thế giới

OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

ClockThứ Ba, 06/02/2024 10:12
TTH.VN - Nền kinh tế toàn cầu năm nay đang trên đà phát triển tốt hơn so với cách đây chỉ cách đây vài tháng nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho sự suy yếu của khu vực đồng euro, dự báo mới nhất ngày 5/2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Trung Đông đang gây ra mối đe dọa cho tăng trưởng toàn cầu vì sự gián đoạn vận chuyển trên Biển Đỏ có thể làm tăng giá tiêu dùng.

OECD: Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024OECD cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể suy thoái do lãi suất tăngIMF nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

Nền kinh tế Mỹ  có triển vọng lạc quan với dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2024. Ảnh minh họa: Thoibaotaichinhvietnam  

Theo OECD, nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Tổ chức này cho rằng tăng trưởng toàn cầu “đã chứng tỏ khả năng phục hồi bất ngờ” trong năm 2023 khi tăng trưởng đạt 3,1% và lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán.

“Nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi thực sự giữa bối cảnh lạm phát cao trong hai năm qua và việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần thiết… Tăng trưởng đã được duy trì và kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào cuối năm 2025 ở hầu hết các nền kinh tế G20”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.

Tăng trưởng toàn cầu được cho là sẽ được mở rộng nhờ triển vọng lạc quan của nền kinh tế Mỹ với dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,5% được đưa ra trong dự báo tháng 11/2023 của OECD, do lạm phát hạ nhiệt giúp lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (FED) cắt giảm lãi suất.

Cũng trong bản cập nhật dự báo dành cho các nền kinh tế lớn, OECD giữ nguyên ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2025 ở mức 3%, với tăng trưởng dự kiến sẽ được thúc đẩy nhờ việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khi áp lực lạm phát giảm bớt. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 cũng được dự đoán sẽ không đổi ở mức 1,7%.

Khi Trung Quốc phải đối mặt với sự chao đảo của thị trường bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, tốc độ tăng trưởng của nước này được cho là sẽ chậm lại từ 5,2% trong năm 2023 xuống còn 4,7% vào năm 2024 và tiếp tục giảm còn 4,2% vào năm 2025 - tất cả đều không thay đổi so với dự báo tháng 11 năm ngoái.

Với sự suy thoái ở Đức đè nặng lên khu vực đồng euro, triển vọng của khối tiền tệ chung này đã trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 11 năm ngoái. Nền kinh tế Eurozone hiện được dự đoán sẽ tăng từ 0,5% trong năm 2023 lên chỉ 0,6% trong năm nay, giảm từ mức 0,9% được đưa ra trước đó. Đến năm 2025, khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,3% -  điều chỉnh giảm từ mức 1,5%.

Trong khi triển vọng kinh tế có sự khác biệt giữa các nền kinh tế lớn, thì cả ở Mỹ và khu vực đồng euro, lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Điều đó mở đường cho việc cắt giảm lãi suất, với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED dự kiến sẽ có sự điều chỉnh trong quý II và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có động thái tương tự trong quý III/2024.

Rủi ro từ khủng hoảng Trung Đông

Theo OECD, các cuộc tấn công vào các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ của phiến quân Houthis ở Yemen và cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Gaza có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát, mặc dù ở mức khiêm tốn.

Báo cáo của OECD cho biết: “Căng thẳng địa chính trị cao là rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột ở Trung Đông làm gián đoạn thị trường năng lượng”.

Tương tự, nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD lưu ý rằng các cuộc tấn công vào các tàu vận tải trên Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến thương mại. “Giá cước vận chuyển đã tăng hơn gấp đôi kể từ cuối năm ngoái”, ông Lombardelli cho biết.

OECD cảnh báo rằng nếu chi phí vận chuyển tiếp tục tăng trong thời gian dài, lạm phát giá nhập khẩu hàng năm của OECD có thể tăng gần 5 điểm phần trăm, và có thể làm tăng thêm 0,4 điểm phần trăm vào lạm phát giá tiêu dùng sau khoảng 1 năm.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):
Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu

Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 62,5 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 18,7% so với năm 2023. Dự báo, năm 2025, ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu với sự rộng mở của các thị trường tiềm năng, hứa hẹn đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 64-65 tỷ USD.

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản
Return to top